Miễn học phí hay giảm lạm thu

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có một bổ sung quan trọng đó là miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và trung học cơ sở công lập. Mới đây Chính phủ cũng có nghị quyết đồng ý với chủ trương này, thế nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều không chỉ trong dư luận mà ngay cả hai bộ Tài chính và Nội vụ cũng chưa đồng tình. Quốc hội cũng đang xem xét và nếu mọi chuyện diễn ra thuận buồm xuôi gió thì sớm nhất đến kỳ họp vào tháng 5-2019 luật này mới được thông qua.

Việc lạm thu trong trường học là hình thức “tham nhũng giáo dục” cần sớm được ngăn chặn. Ảnh: THÀNH HOA

Thế nhưng, mới đây, báo chí loan tin UBND TPHCM sẽ gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp nhận việc miễn học phí bậc trung học cơ sở (THCS) thuộc các trường công lập trên địa bàn, với nguồn kinh phí bù đắp được cân đối từ ngân sách thành phố (nguồn https://news.zing.vn/tphcm-dong-y-de-xuat-mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-thcs-post876523.html).

Phải chăng đây là giải pháp ưu tiên trong tình hình ngành giáo dục nói chung và việc học việc dạy nói riêng đang có nhiều vướng mắc chưa được quan tâm giải quyết.

Cũng có ý kiến cho rằng đề xuất miễn học phí đến cấp trung học cơ sở sẽ là tin vui đối với đông đảo phụ huynh. Nhưng suy cho cùng cũng chưa hẳn như vậy, bởi mấy khi chúng ta nghe những lời than phiền về mức học phí trong khi nỗi ám ảnh lớn nhất của các bậc cha mẹ chính là những khoản lạm thu ở trường học như một tệ nạn trong nhiều năm nay.

Mùa khai giảng nào cũng vậy nhiều trường đưa ra một danh mục kêu gọi phụ huynh đóng góp tự nguyện (nhưng lại có mức sàn) nào là tiền sơn lớp, đóng bàn ghế thêm, tiền hỗ trợ mái che cho nhà xe của giáo viên, tiền lắp camera cho các lớp bán trú... Giữa năm học thì tiền tổ chức các lớp tăng cường ngoại ngữ và lớp kỹ năng sống, rồi sổ liên lạc điện tử, tiền sửa sân trường, đóng góp hội phụ huynh học sinh...

Khả năng sáng tạo phong phú của ban giám hiệu nhà trường khiến các khoản thu có khi gấp đôi ba lần học phí và được gọi là “sự động viên nhà trường cả về tinh thần lẫn vật chất, là động lực để thầy và trò phấn đấu vươn lên giữ vững chất lượng giáo dục”. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Minh Hạc có lần gọi việc lạm thu trong trường học là hình thức “tham nhũng giáo dục” cần sớm được ngăn chặn. Bộ GD-ĐT cũng từng ban hành văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu xứ lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu vi phạm. Thế nhưng “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, có mấy ai tuân thủ các quy định này đâu, lạm thu ngày càng tăng nhiệt vì... ngân sách đầu tư cho giáo dục là chưa đủ như người ta thường nói, dẫn đến tiêu cực trong công cuộc trồng người.

Gia Minh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278820/mien-hoc-phi-hay-giam-lam-thu-.html