Miễn phí hòa giải tại tòa án?

Ngày 26/2, TAND Tối cao chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo Dự án 'Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án'.

Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho dự án luật, trong đó đa số đồng thuận với quy định: Nhà nước sẽ chi trả kinh phí thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án, các đương sự không phải đóng góp để thu hút sự tham gia, giảm tải việc xét xử cho các cấp tòa án.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giá trị như một bản án

Theo tờ trình của TAND Tối cao về Dự án “Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, trong xã hội hiện nay công tác hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

“Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, không phải trải qua các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng. Từ đó tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận”- Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (TAND Tối cao) Chu Thành Quang nêu.

Hiện nay, cơ chế hòa giải ngoài tố tụng, ngoài tòa án được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nhiều theo quy định của các đạo luật hiện hành (Luật Lao động, Luật Hòa giải cơ sở...), song chất lượng hòa giải không cao, phần lớn chỉ giải quyết được những tranh chấp, xích mích nhỏ trong nhân dân. Mặt khác, kết quả hòa giải chỉ là sự tự nguyện, không có giá trị bắt buộc nên hiệu lực thi hành rất hạn chế.

Trong khi đó, cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thực thi bằng con đường thi hành án xem ra có vẻ thuận lợi nhưng thực tế lại không như vậy. Chủ thể hòa giải, đối thoại giữa các bên là thẩm phán (chính là người tiến hành xét xử vụ án) sẽ bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về sự vô tư, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật, đồng thời phải chấp hành quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán nên không thể đưa ra những lời khuyên có tình, đạt lý, giúp các bên tranh chấp cảm thông, chia sẻ, nhượng bộ nhau để có thể hòa giải.

Với các lý do trên, phương án hòa giải trong tố tụng được thực hiện bằng thẩm phán thụ lý vụ việc tranh chấp, khiếu kiện cũng không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Do đó, hầu hết các vụ việc mà tòa án thụ lý không thể hòa giải, đối thoại thành mà vẫn phải mở phiên tòa xét xử theo các trình tự tố tụng của pháp luật.

“Việc triển khai hòa giải, đối thoại tại tòa án do các hòa giải viên thực hiện không nằm trong tố tụng, vừa đảm bảo thân thiện, có thể đưa ra những lời khuyên có tình, có lý giúp các bên tranh chấp hiểu nhau hơn để đi đến tiếng nói chung, vừa có giá trị bắt buộc thi hành như một bản án bởi kết quả hòa giải, đối thoại được công nhận bởi tòa án sẽ tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân...” – Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Giảm tải cho tòa án

Chính từ những ưu điểm nổi trội nêu trên của hòa giải, đối thoại tại tòa án mà Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình hy vọng sẽ thu hút được nhiều đối tượng sử dụng, nhằm giảm tải công việc xét xử cho các cấp tòa án hiện nay. Như trên đã phân tích, tại các bộ luật hiện hành đều có quy định hòa giải, nhưng chất lượng không cao nếu như không muốn nói là hầu như không thể hòa giải các bên đương sự khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Theo đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức buộc phải khởi kiện ra tòa theo quy định của các luật tố tụng để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, chính vì vậy mà hệ thống tòa án các cấp bị hàng “núi việc” chồng chất dẫn đến quá tải, không giải quyết xuể, hoặc giải quyết muộn so với quy định của pháp luật.

“Luật Giải quyết, hòa giải tại tòa án sẽ giảm tải đáng kể cho công việc của hệ thống tòa án nên tôi cho rằng càng ra sớm càng tốt”- Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Duy Hưng góp ý kiến.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm VPCP cũng lưu ý Ban soạn thảo là việc quy định mở rộng đối tượng tham gia hòa giải, đối thoại là tốt nhưng cần hết sức cẩn trọng không nên xây dựng tràn lan các “Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại tòa án” ở các địa phương theo kiểu phong trào gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, mà phải căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng địa phương để thực hiện.

Ông Hưng cũng cho rằng, trong dự án luật không nên quy định để thẩm phán là giám đốc các trung tâm hòa giải nhằm bảo đảm tính độc lập, không ảnh hưởng đến công tác xét xử khi hòa giải, đối thoại bất thành. “Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng không nên quy định hòa giải viên được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, bởi như thế sẽ phát sinh nhiều rắc rối không cần thiết”- Phó Chủ nhiệm VPCP đề nghị.

Góp ý cho Dự thảo “Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp lại cho rằng, quy định tại Điều 3 dự thảo đã triệt tiêu các hình thức hòa giải khác quy định tại các đạo luật hiện hành. Cụ thể, tại điều 3 dự thảo luật quy định: Nếu có sự khác nhau trong quy định giữa các luật thì thực hiện theo quy định của luật này.

Theo ông Diệp, quan điểm xây dựng Dự án “Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án” được nêu rất rõ trong dự thảo là không mâu thuẫn, không triệt tiêu các quy định pháp luật khác. Vậy mà trong khi Luật Lao động có quy định hòa giải ở cơ sở bởi các hòa giải viên lao động, thì điều 3 dự thảo luật lại quy định thực hiện theo luật này thì khác nào triệt tiêu quy định của Luật Lao động.

“Nếu quy định như vậy thì không cần đến các hòa giải viên lao động nữa, vì người ta sẽ tìm đến với các trung tâm hòa giải tại tòa án. Còn ở chiều ngược lại, khi các hòa giải viên lao động đã hòa giải rồi thì có cần thêm một lần hòa giải nữa tại tòa án không?”- ông Diệp đặt vấn đề.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, đồng thời khẳng định ủng hộ quan điểm khi xây Dự án “Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án” không nên vô hiệu hóa các quy định pháp luật hiện hành nói chung và Luật Lao động nói riêng. Bà Hiền cho rằng cần ưu tiên thực hiện hình thức hòa giải quy định tại Luật Lao động. Tuy nhiên, về vấn đề này Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình không tỏ ra đồng thuận.

Ông Bình đưa ra băn khoăn về việc kết quả hòa giải của các hòa giải viên lao động không mang tính bắt buộc thực thi, trong khi kết quả hòa giải tại tòa án có giá trị như một bản án sẽ dễ dàng hơn cho các bên tranh chấp. Chánh án TAND Tối cao cho rằng cần cho nhân dân quyền lựa chọn sử dụng hình thức hòa giải nào có lợi và tốt nhất cho họ. Về vấn đề kinh phí thực hiện việc hòa giải, đối thoại tại tòa án, ô Bình cũng đồng thuận với các đại biểu khi cho rằng dù Nhà nước có phải chi trả vẫn rẻ hơn rất nhiều so với việc phải đưa ra xét xử với các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm với bộ máy khá cồng kềnh gồm thẩm phán, thư ký, đại diện VKS...

Tinh Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tu-van-phap-luat/mien-phi-hoa-giai-tai-toa-an-tintuc430615