Miền Tây khởi động mùa rơm lớn nhất trong năm

Dưới cái nắng oi bức gần 400C, trên những cánh đồng miền Tây đang vào vụ thu hoạch lúa Đông xuân, đây là thời điểm khởi động cho mùa rơm lớn nhất trong năm. Việc mua bán rơm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và rất nhộn nhịp.

Vào thời điểm này, trên các cánh đồng lúa ở miền Tây, không khí ngày mùa sôi động hẳn lên khi xuất hiện nhiều máy cuốn rơm xen lẫn máy cắt lúa hoạt động liên tục.

Nếu như trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch, thì vài năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ rơm của các nhà vườn và các hộ chăn nuôi ngày càng tăng nên nông dân đã tận dụng nguồn rơm còn lại trên đồng sau khi thu hoạch lúa, bán cho thương lái.

Vì thế nghề làm rơm cũng trở nên nhộn nhịp, ăn nên làm ra mỗi mùa thu hoạch lúa.

Những ngày này, không khí ngày mùa khá nhộn nhịp, rộn ràng khi nhiều máy cuốn rơm xen lẫn máy cắt lúa hoạt động liên tục trên các cánh đồng.

Khi lúa được cắt xong, rơm cũng nhanh chóng được máy cuộn lại gọn gàng thành từng cuộn nặng từ 18 – 20 kg và được nhân công vận chuyển đến điểm tập kết của thương lái.

Sau đó, thương lái sẽ vận chuyển rơm đi bán cho các nhà vườn và hộ chăn nuôi với giá từ 25 – 30 ngàn đồng/cuộn, để bà con dùng làm thức ăn cho trâu, bò; làm nấm, ủ gốc cây ăn trái, rau màu, cải tạo độ phì nhiêu của đất và giúp cây phát triển tốt.

Nghề làm rơm không quá vất vả, lại mang đến nguồn thu nhập ổn định cho khá nhiều người gồm: Chủ ruộng, chủ máy cuốn rơm, thương lái, nhân công, chủ phương tiện vận chuyển rơm. Trung bình mỗi hecta, máy cuộn được từ 120 – 130 cuộn rơm; mỗi ngày, máy có thể cuộn được từ 300 – 400 cuộn rơm, sau khi trừ chi phí chủ máy thu nhập từ 1,3 – 1,5 triệu đồng/ngày.

Do nhu cầu tiêu thụ rơm ngày càng tăng nên rơm rất hút hàng vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Từ đó, nông dân không những có thêm thu nhập từ 400 – 500 ngàn đồng/hecta từ việc bán rơm mà còn giảm bớt được chi phí vệ sinh đồng ruộng. “Tiền bán rơm tui dùng để trang trải chi phí cày trục đất cho vụ lúa sắp tới, tuy không nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào tiền nhà” – Ông Võ Thiện Tính, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh chia sẻ.

Riêng các nhân công làm thuê cũng có được công việc ổn định trong suốt mùa thu hoạch lúa với các công việc như: Chạy máy cuộn rơm; vận chuyển rơm từ cánh đồng đến điểm tập kết; gánh rơm từ điểm tập kết lên ghe hoặc xe tải và vận chuyển rơm đến nơi tiêu thụ.

“Tôi thấy nghề này, không dùng sức nhiều như các công việc nặng nhọc khác của nghề nông như vác lúa, vác dưa hấu. Bởi vậy nghề làm rơm là phù hợp nhất, vì nó tương đối dễ làm, lại đỡ vất vả và thu nhập cũng ổn định. Chịu khó dầm mưa dãi nắng một chút ngày cũng kiếm được từ 300 – 400 ngàn đồng để lo cho gia đình” – Ông Nguyễn Minh Hướng ( xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh) một nhân công làm nghề gánh rơm cho biết.

Đối với thương lái, mỗi chuyến có thể bán được đến cả ngàn cuộn rơm cho khách hàng để kiếm thêm thu nhập. Ông Nguyễn Minh Tiến (49 tuổi, huyện Ba Tri, Bến Tre) có thâm niên 5 năm làm nghề lái rơm cho biết: “ Một tháng tôi từ Bến Tre lên Long An thu mua chở về Ba Tri, một lần chở được 1.700 cuộn rơm, bình quân mỗi tháng đi khoảng 5 đến 6 chuyến, trung bình lợi nhuận một chuyến được 5 triệu, đi quanh năm, chỗ nào khu vực miền Tây có rơm là tôi đến mua".

Nghề cuộn rơm diễn ra quanh năm từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, từ nơi này đến nơi khác, góp phần làm cho không khí ngày mùa thêm tấp nập, rộn ràng. Đồng thời, nghề này còn mang đến nguồn thu nhập ổn định và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.

Nguồn PLO: https://plo.vn/mien-tay-khoi-dong-mua-rom-lon-nhat-trong-nam-post728189.html