Miền Tây lo gần với cả lo xa

Miền Tây - vựa lúa cả nước chỉ trong một thời gian ngắn đã đối mặt với hai vấn đề lớn là thiếu nước và… dư nước. Nghe vô cùng phi lý khi kênh rạch chằng chịt và chín nhánh sông Cửu Long mang nặng phù sa lại khi thiếu nước, lúc dư nước là sao?

Là những nỗi lo mà những nông dân cố cựu bây giờ tặc lưỡi, lắc đầu khi kinh nghiệm nông nghiệp của họ đã không thể nào ứng phó nổi các biến đổi thời tiết và các ý định không tốt của ngoại bang hay sự bất cập bởi chính sách trong nước.

Miền Tây giờ lo gần cũng nhiều mà lo xa cũng có. Ký sự này là những ghi chép lượm lặt, ngõ hầu để người đọc thấy được những biến động khó tránh khỏi. Và hy vọng có một sự đổi thay kịp thời để miền Tây không phải là nơi lưu tán những phận đời…

“Rác nhiều quá!”

Remi Camus - chàng trai người Pháp đã bơi xuôi dòng 4.400km sông Mekong năm 2014, băng qua 5 quốc gia và kết thúc hành trình tại cửa biển Đông của Việt Nam, đã nói như vậy khi chúng tôi gặp nhau ở TP HCM.

Câu nói ấy là một nhận xét hay than phiền, lo lắng sau khi quốc gia thứ 5 mang tên Việt Nam - là quốc gia duy nhất được/ bị nhận xét như vậy? Tôi nghe xong chỉ biết cười khổ bởi Việt Nam khi ấy đã đứng trong top 5 các quốc gia trên thế giới xả rác thải nhựa vào biển.

Rác thải nhựa rất nhiều ở đồng bằng Sông Cửu Long và thậm chí chúng chất núi, xô dạt trong lòng sông hay ngoài biển. Thế giới đã nghiên cứu về việc con người ăn hạt vi nhựa mỗi tuần trung bình tương đương ăn một thẻ ATM.

Chưa có nghiên cứu nào về hạt vi nhựa trong đất, trong nước, trong không khí tại Việt Nam trong khi chúng ta đứng trong top 5, nghĩa là trên trung bình và thuộc nhóm chịu ảnh hưởng của hạt vi nhựa ở mức cao nhất. Remi Camus nói với tôi về nỗi khó chịu của những cơn ngứa khi bơi dọc sông Cửu Long - điều anh chưa gặp phải khi bơi từ cao nguyên Thanh Tạng xuống tới Campuchia.

Lần nữa tôi chỉ biết cười khổ bởi không lẽ nói với anh rằng những bờ xôi, ruộng mật của nông dân miền Tây nhiều nơi bị thu hồi làm cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải tập trung?

Rác ở miền Tây cũng như rác của quốc gia này tràn ngập. Mỗi tỉnh thành đều có một hay vài công ty môi trường được cấp phép xử lý rác mà “người ngoài” rất khó chen chân dù công nghệ tốt hơn cách chôn lấp rác cũ kỹ, ô nhiễm hiện nay.

Tôi ra Phú Quốc thấy rác chất cao như núi, ngập ngụa nước rỉ rác và mùi xú uế do phân hủy rác. Rác còn tràn ngập con sông Dương Đông đến mức dòng sông có đoạn sền sệt vì rác nhựa lềnh bềnh. Thắng cảnh Dinh Cậu cũng dập dờn rác nổi rác chìm. Khi về Tiền Giang, rác núi đổ ập xuống biển bởi gió lốc và thủy triều dâng ở Gò Công Đông. Ở Cần Thơ, quê ngoại của tôi, những đứa trẻ tắm sông nghịch ngợm ném nhau những túi nilon bùn khi chúng tìm cá bống ở bãi bồi hoặc dùng chai nhựa đang trôi để ném trêu nhau.

Thạch Minh, một người bạn gốc Khmer kể có lúc đi giăng lưới đêm trên sông cùng anh em trong xóm, sáng chèo xuống thăm lưới thấy điểm cuối lưới rác nhiều hơn cá. Tôi hỏi rác gì thì bạn cười: Gì cũng có, đôi khi mò cá bống dừa ven bờ thấy cả xác tivi cũ hay bộ salon rách. Có đợt tôi về chơi nhà bạn ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Mọi năm nước ngấp nghé cái nhà sàn mà ông cố nó để lại nhưng khi tôi đến thì khô ran. Dưới nhà sàn, chai nhựa và vỏ lon lăn lóc. Chúng sẽ đi đâu khi con nước về?

Muốn dọn rác và muốn cùng dân bản địa dọn rác thì có nhiều nhóm tình nguyện tại Việt Nam. Nhưng có lần tôi gợi ý một cán bộ cấp xã khi đi thăm thú miền Tây về chuyện kết nối các nhóm thiện nguyện về dọn rác cùng dân địa phương, thì anh lại lo lắng chuyện khác: “Ấn hỏi coi là nhóm có yếu tố nước ngoài không và có “nhạy cảm” gì không rồi lên xin huyện chớ xã không dám quyết”. Về cứ nghĩ vẩn vơ sao Hiến pháp 2013 có phần bảo vệ môi trường ở điều 50, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có từ 2014 mà rác vẫn “ê hề” còn muốn dọn rác phải hành chính đến vậy?

Những ví dụ như vậy có rất nhiều và sự bình thản của chính quyền các địa phương đang ngập trong rác dù khẩu hiệu giữ gìn vệ sinh chung treo kín lại các trung tâm, là một thực tế vừa khó hiểu mà cũng lại rất dễ hiểu.

Tuy nhiên, rác thì có thể thu gom và việc tuyên truyền, thay đổi ý thức người dân để bớt xả rác hay thậm chí là ngưng luôn việc xả rác bừa bãi. Chứ việc cả đồng bằng miền Tây phải đối diện với cả thiên tai lẫn nhân họa là điều đáng lo lắng không chỉ bây giờ mà cả lâu dài về sau.

Miền Tây về đâu?

Miền Tây vẫn ở đó. Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn ở đó trong hiện tại. Nhưng nó và các cư dân lâu đời của nó sẽ “về đâu” là một nỗi trăn trở của người viết.

Những cánh đồng khô cằn ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Những cánh đồng khô cằn ở miền Tây. Ảnh: Việt Tường.

Năm 2011, tôi viết bài Ngày cái đói về đồng bằng sông Cửu Long, sếp tòa soạn đọc tựa rồi tròn mắt trêu: “Vựa lúa cả nước bao đời mà đói sao được em?” Bài đó được thay bằng một bài khác thời sự hơn. Gửi cộng tác đến nhiều tờ báo quen thì đến 2015 mới được đăng vì lúc đó những dấu hiệu thiếu lương thực do biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tác động của các thủy điện trên sông Mekong do Trung Quốc làm chủ đầu tư mới lộ ra. Tuy nhiên, cái tựa mà tôi đặt đã được sửa lại cho “phù hợp”.

Ừ thì “phù hợp”! Nhưng sẽ có sự phù hợp nào cho miền Tây khi cốt nền khu vực này chỉ còn 0,8m cao hơn mực nước biển trong khi tốc độ dâng nước biển do biến đổi khí hậu sẽ là 0,25m vào 2050 sẽ khiến 30 triệu cư dân đồng bằng mất nhà, mất cửa? Có thể tìm hiểu đơn giản về tốc độ sạt lở của đất mũi Cà Mau hay nhiều công trình đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các bản tin thời sự.

Chỉ trong một năm (2018-2019), miền Tây chứng kiến hai lần nông dân lao đao vì thiếu nước và dư nước. Thiếu nước chính là việc mùa nước nổi về chậm. Cán bộ nào ở trung ương lo lắng cho dân miền Tây, “Ôi nước lũ dâng cao, dâng theo bao nỗi sầu đau” qua một bài hát có lẽ khó biết rằng nếu không có mùa nước nổi thì dân miền Tây mới sầu đau thiệt sự. Thiếu nước ở đây là nước phù sa làm trù phú đất đai, là cá tôm về sinh sản và phát triển. Hễ thiếu nước của mùa nước nổi để “rửa mặn” thì sẽ dư nước mặn xâm nhập sâu nội đồng làm chết lúa, chết cây.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) từng đập mạnh vào vai người viết vừa nói trong một hội thảo về vấn đề nguồn nước tại Việt Nam: “Ấn phải viết nhiều về nguồn nước miền Tây. Nước biển thì ngày càng dâng mà nước thượng nguồn bây giờ “trong tay” Trung Quốc khi họ nắm giữ các thủy điện quan trọng trên Mekong.

Nếu miền Tây thiếu nước ngọt thì không chỉ miền Tây đói mà cả nước cũng đói. Và cần phải có những kế hoạch để người dân sống chung được với nước dâng về mặt kỹ thuật sản xuất mới chứ di tản môi trường cấp tập sẽ tạo áp lực lớn với các khu vực khác”. Tôi kể lại với anh về câu chuyện bài viết cảnh báo năm 2011, hai anh em nhìn nhau cười… như mếu.

Hiện nay, tình trạng đã hạn thì khô kiệt tận cùng, lúc nước về thì về nhanh và cấp tập do thủy điện Trung Quốc xả lũ là chuyện không quá mới mẻ ở miền Tây.

Con cá linh cuối tháng 7, tháng 8 âm lịch bây giờ xuất hiện chậm hơn và to hơn (kém ngon và kém cả về giá bán) rồi. Những nông dân đặt lọp ở An Giang bây giờ đi làm mướn tứ xứ để mưu sinh vì nước không về thì tìm đâu ra cá mà đặt?

Cũng tại đất An Giang, chính ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) đã thừa nhận một thực trạng khác: Đê bao miền Tây xây tốn kém nay đã lộ ra sự bất cập của nó khi ngăn một phần nước nổi đổ về làm giảm phù sa. Có đê, dân miền Tây làm lúa ba vụ ban đầu khấm khá vì tăng năng suất nhưng phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật làm chai đất và kém chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Chị Ong Thị Kim Ngân, chủ thương hiệu nước mắm Thanh Hà ngoài Phú Quốc có gặp tôi kể về việc chị từng làm trong nhà nước về các vấn đề liên quan đến nghiên cứu nuôi, xuất khẩu cá basa nên đi khắp miền Tây.

Chị nói để giải thích cho các bạn nước ngoài về việc sông nước miền Tây đỏ quạch phù sa nhưng nước vẫn sạch đủ để nuôi cá chuẩn xuất khẩu nếu các kiểm định chất đạt tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra. Nhưng chị sợ vì trong nhiều chuyến đi đã chứng kiến màu nước Cửu Long từ đỏ bùn chuyển sang trong xanh. Nước trong xanh chỉ đẹp khi nhìn về mặt cảm quan nhưng nó là hiểm họa về mặt môi trường của một vùng đất sống nhờ phù sa bồi đắp.

Miền Tây bây giờ lo gần lẫn lo xa. Nước biển dâng còn ở thì tương lai chứ chuyện ruộng đồng hoang phế vì điệp khúc được giá mất mùa, được mùa mất giá nên những nông dân trẻ không mặn mà chuyện nuôi trồng. Không cần nói đâu xa, những người họ hàng cùng trang lứa bên nhà ngoại tôi nhiều anh chị em đã vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần nhà để làm hay lên tận Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM mưu sinh với những công việc khác hẳn cha ông đã từng làm.

Dù lo gần hay lo xa thì vẫn cần phải có trách nhiệm lên tiếng. Miền Tây là vựa lúa quốc gia. Miền Tây đói thì cả nước sẽ thiếu lương thực. Và lúc đó, những bất ổn mang tính hệ thống sẽ hiện ra...

Mai Quốc Ấn

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/mien-tay-lo-gan-voi-ca-lo-xa-563373/