Miền tây Nghệ An hứng chịu lũ chồng lũ

Sau lũ chồng lũ lại mưa lớn, cộng với lũ từ Lào về và nhất là các nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ lịch sử đã gây cho miền tây Nghệ An thêm phần khốn khó.

Không chỉ sạt lở, QL 7 còn bị ngập lụt sâu, gây ách tắc giao thông.

Trung tuần tháng 7 và 8 vừa qua, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3 và 4 đã gây cho các huyện miền tây Nghệ An bao khó khăn khi lũ chồng lũ. Các huyện miền núi cao dọc theo Quốc lộ (QL) 7 từ Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đến Anh Sơn, Đô Lương và phía bên kia QL 48 là Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp đến Tân Kỳ… đều ngập chìm trong biển nước.

Chưa dừng lại, đến những ngày cuối tháng 8, các địa phương dọc theo tuyến QL 7 lại tiếp tục xảy ra mưa lũ. Lũ chồng lũ khiến hàng nghìn nhà dân bị sạt lở, hoa màu ngập úng, công trình giao thông, thủy lợi bị nước lũ cuốn trôi, thiệt hại cả nghìn tỷ đồng mà không dễ gì Nghệ An khắc phục trong một sớm một chiều.

Điều bất thường trong trận lũ lớn vào ngày cuối tháng 8 này, không chỉ do mưa to mà là do nước lũ từ Lào đổ về kết hợp việc điều tiết xả lũ theo quy trình liên hồ chứa giữa các thủy điện chưa hợp lý. Trong lúc, các hồ thủy điện trên địa bàn đã sớm tích “no” nước ở các trận mưa trước đó, lại thiếu thông tin nước lũ từ Lào đổ về nên không còn có khả năng cắt lũ mà còn “góp phần” gây thiệt hại cho hạ du, nhất là các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ (công suất 320 MW), Khe Bố (100MW), đều tiến hành xả lũ kỷ lục hơn 4.200 m3/giây đã khiến nhiều bản làng ở Tương Dương, Con Cuông bị cô lập trong nước lũ nhiều ngày. Người dân cũng như cán bộ các địa phương trên không dấu nổi bức xúc: Nước lũ dâng nhanh, có nhiều nơi lên cao lút mái nhà…trong lúc trời nắng đã khiến thiệt hại nặng nề thêm. Đó là điều khó chấp nhận được!.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ hơn 4.000 m3/s, góp phần gây ngập lũ hạ du.

Xin được nói thêm, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện lưu vực sông Cả có khoảng 30% diện tích nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào, nhưng do việc theo dõi khí hậu, thời tiết trên đất bạn, chúng ta chưa có hệ thống trang bị để nắm bắt chuẩn xác, cảnh giới sớm... Đây là một bất cập khiến cho việc theo dõi lũ ở Lào về thượng nguồn sông Cả chưa chủ động. Khi lũ về đến Việt Nam thì đã muộn. Trong khi chưa dự báo tốt về lũ ở miền tây thì hành lang thoát lũ chưa bảo đảm an toàn. Diện tích ngập lụt của thủy điện Bản Vẽ và Khe Bố vừa qua đã vượt xa những diện tích đơn vị này đền bù khiến người dân ở Tương Dương và Con Cuông trở tay không kịp.

Sau lũ chồng lũ, chính quyền địa phương các cấp cùng hệ thống chính trị, các ngành liên quan, lực lượng vũ trang cùng người dân lại tiếp tục gồng mình lên để khắc phục, sớm ổn định cuộc sống. Là các huyện vùng núi cao thuộc miền tây Nghệ An, nơi có tỷ lệ đông bà con các dân tộc thiểu số, nơi tỷ lệ đói nghèo cao, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nay càng khốn khó thêm.

Giờ đây, miền tây Nghệ An phải đối mặt với khó khăn trước mắt là khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra làm trôi, sập nhà cửa; di dời nhà ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; tiến hành đẩy bùn đất do ngập lũ và lở đất; tổng vệ sinh môi trường bảo đảm sức khỏe người dân sau lũ. Với quan điểm, không để dân đói, dịch bệch, màn trời chiếu đất sau lũ, các địa phương cùng các ban, ngành, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm đã về với vùng lũ để cùng bà con gồng mình khắc phục, sớm ổn định cuộc sống cũng như việc học hành của học sinh.

Chỉ tính riêng lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An từ đầu tháng 9 lại nay đã huy động hai nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ đến các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông để hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, di chuyển nhà ở, trường học đến nơi cao, an toàn; khám chữa bệnh; quyên góp được hơn 640 triệu đồng hỗ trợ cho nhân dân vùng lũ. Bộ đội Biên phòng ở các đồn dọc tuyến biên giới cùng lực lượng cơ động ngay trong mưa lũ đã có mặt tại các điểm nóng để giúp dân sơ tán người, tài sản, nhà cửa đến nơi an toàn; sau lũ, họ lại giúp dân sớm ổn định cuộc sống…

Chuẩn bị dịch chuyển nhà vào nơi an toàn, trước khi bờ sông bị sạt lở do nước lũ.

Về lâu dài, đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, bấy lâu nay chắt chiu các nguồn vốn đầu tư, xây dựng thì nay bị hư hỏng nghiêm trọng, để sửa chữa cho bằng hiện trạng như trước khi mưa lũ xảy ra thì cần nhiều thời gian và tiền của. Hiện, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường vàng đai biên giới…bị hư hại. Chẳng hạn như tuyến đường nối từ thị trấn Mường Xén đi Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải… (Kỳ Sơn), nhiều đoạn đường bị nước lũ cuốn phăng mất mặt đường. Một số cầu, cống bị hư hỏng nặng hay bị lũ cuốn trôi. như: cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam (ở Con Cuông), cầu vào khu tái định cư Bản Vẽ (Tương Dương)...

QL 7, tuyến giao thông huyết mạch nối lên miền tây Nghệ An và thông thương với nước bạn Lào dài hơn 250 km giờ đây liên tục bị ách tắc, gián đoạn giao thông do mưa lũ. Cho dù đơn vị quản lý nỗ lực hết mình trong xử lý sự cố nhưng việc ách tắc xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn trước đây. Bởi không chỉ nguyên nhân sạt lở đất, mà giờ con đường này còn ngập sâu trong nước, ta-luy âm bị sụt lún vào cả mét ở một số đoạn. Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ II Đào văn Minh cho biết thêm: Dự án đường chống ngập QL 7 từ Km148 đến Km149 do Ban Quản lý dự án thủy điện Khe Bố thực hiện hơn sáu năm qua chưa hoàn thành. Điều này đã ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn giao thông cũng như đời sống dân sinh…

Ngập lũ ở một số địa phương dọc các sông Nậm Nơn, sông Lam.

Cũng do mưa lũ và xả lũ của các nhà thủy điện đã khiến nhiều diện tích đất ở, đất canh tác vốn đã ít ỏi lại bị nước lũ “gặm nhấm” dần nay càng trở lên hiếm hoi hơn. Đơn cử, tại các xã dọc sông Lam ở huyện miền núi Con Cuông, đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua, nước lũ đã cuốn trôi hơn 20 ha đất “bờ xôi, ruộng mật” của bà con. Còn các bản làng trù phú của bà con các dân tộc thiểu số dọc các con sông: Nậm Nơn, Nậm Mộ, sông Lam… giờ đây người dân thấp thỏm lo lắng mỗi khi mưa về. Nhiều ngôi nhà sàn, nhà kiên cố buộc phải tháo dỡ, sau nhiều lần dịch chuyển khẩn cấp ngay trong mưa lũ do bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Nhưng giờ đây, họ không biết chuyển đi đâu vì ở đó, tìm mặt bằng để dựng nhà hết sức khó khăn, bởi một bên là núi và một bên là sông.

Ở Khu tái định cư Bản Vẽ, có năm hộ bị trôi mất nhà, phải tháo dỡ di chuyển gấp sáu nhà, có 14 nhà bị ngập sâu từ 1 đến 3m... nhưng theo Trưởng bản Bản Vẽ Lương Thị Huynh: Đợt xả lũ vừa qua, điều hết sức đáng lo ngại là nền đường và nền đất của các hộ dân có vị trí sát sông, nhất là với những hộ dân có nhà tại khu vực đất đã bị nứt, bị sạt lở. "Mong cấp trên cử cán bộ về khảo sát, đánh giá kịp thời để có giải pháp giúp dân", Trưởng bản Bản Vẽ trao đổi thêm.

Bộ đội quê Bác giúp Trường PTCS dân tộc nội trú Con Cuông chuyển đến nơi mới.

Qua đi kiểm tra sau mưa lũ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cho biết: Trước biến đổi cực đoan khó lường của thời tiết, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo vận hành, giám sát chặt chẽ việc xả lũ các hồ chứa thủy điện bảo đảm lợi ích phát điện, an toàn hồ đập và tính mạng và tài sản, cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước.

Tỉnh sẽ rà soát, đánh giá các khu dân cư bị ngập lụt phía hạ du lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để lập quy hoạch xây dựng hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng một radar theo dõi thời tiết đặt ở huyện biên giới Kỳ Sơn để theo dõi lũ từ Lào đổ về trên sông Cả. UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị T.Ư hỗ trợ khẩn cấp cho Nghệ An hơn 350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua cũng như xây dựng các khu tái định cư cho người dân.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37572902-mien-tay-nghe-an-hung-chiu-lu-chong-lu.html