Miền tóc xanh xưa

Tôi gặp người hàng xóm cũ. Bà nói đang đi thăm con cháu, những người từ lâu đã rời chốn quê nghèo trung du chuyển về thành thị làm ăn, sinh sống. Nói chuyện một hồi, bà bảo: 'Cụ Thiêm vẫn còn sống đấy, minh mẫn lắm và vẫn hỏi thăm các cháu'.

Tôi là người hoài cổ. Mẹ tôi nói những người hoài cổ thường khó… giàu. Bởi họ chỉ mải nhìn về quá khứ mà quên mất hiện tại và tương lai đang sầm sập lao tới. Có lẽ mẹ đúng. Chính vì thế, tôi thường để tâm trí mình lang thang về miền thơ ấu đã trôi quá xa trong cái nền xanh mơ trong trẻo của một xóm nhỏ giữa những đồi chè miền trung du. Ở đó có ông cụ Thiêm tóc bạc và bà cụ Thiêm thích kể chuyện cổ xưa trong ngôi nhà dưới giàn hoa giấy nở những bông tím, thứ hoa mà ngay cả khi chết đi cũng không phai màu.

Mỗi lần nhớ đến cụ Thiêm, tôi lại nhớ đám bạn nhút nhít cùng lứa thường kéo nhau đến những ngọn đồi quanh nhà cụ để hái ổi chín. Cụ Thiêm sống một mình trong mái nhà tranh bình dị nép dưới tán một cái cây gì đó rất xum xuê mọc bên rìa một dòng suối trong mát chảy từ trên núi cao xuống. Xung quanh ngôi nhà đó là những ngọn đồi thấp trồng chè. Những hàng chè khi uốn mềm theo dáng đồi, khi kéo dài thẳng tắp. Mọc xen lối đi vào các đồi chè là những cây ổi mỡ, loại ổi quả nhỏ như ngón chân cái, khi chín vàng rất thơm và ngọt. Cụ Thiêm chính là người trồng những cây ổi ấy, vào những ngày cụ chuyển đến sống trong thung lũng và chúng tôi khi đó còn chưa ra đời. Chúng tôi thường đi hái ổi vào các buổi trưa. Khi đứa nào đứa nấy đã ních đầy ổi chín trong những cái mũ nan, túi áo, túi quần là kéo nhau lần theo một lối mòn nhỏ xuống ngôi nhà mát rười rượi dưới bóng cây của cụ Thiêm. Ở đó, chúng tôi luôn được cụ mời những bát nước chè xanh thơm mát và tham gia một trò chơi mà chúng tôi rất thích, không bao giờ chán: Nhổ tóc bạc cho cụ.

Minh họa: Quang Cường

Tôi không nhớ sợi tóc bạc đầu tiên xuất hiện trên mái đầu mình từ khi nào, và sợi tóc đó cũng không để lại một ấn tượng gì đáng kể, nếu có, nó cũng chìm vào lãng quên từ rất lâu rồi. Khi mái tóc đã xuất hiện một lúc năm, sáu sợi tóc bạc, tôi bắt đầu nghĩ suy về tuổi tác. Đành rằng không phải cứ tóc bạc nghĩa là ta đã già, những người bạn của tôi an ủi như thế. Chẳng hạn như một cô bạn của tôi, tuổi mới ngoài ba mươi, nhưng sau khi sinh con, đột nhiên tóc trên đầu thi nhau bạc trắng. Những sợi tóc bạc đầu tiên báo cho tôi biết thanh xuân vừa mới rời đi và cảm giác nuối tiếc luôn hiện hữu. Hầu hết mọi người đều có cảm giác đó, chỉ là thoảng qua hay trở thành một nỗi trăn trở. Một người bạn khác của tôi, khi nhổ sợi tóc bạc đầu tiên trên đầu mình, cậu ấy đã dằn vặt hàng tuần về quy luật của sinh-lão-bệnh-tử ở mỗi đời người. Ứng xử với tóc bạc cũng đôi ba cách. Một số người mặc kệ, nhiều người khác tìm cách che giấu chúng.

Mái tóc của ông cụ Thiêm khi ấy đã bạc trắng. Tóc của bà cụ Thiêm cũng vậy. Khi họ đi bên nhau, hai mái tóc trắng phau phau khiến người ta bỗng chốc tin rằng những ông bà tiên tóc bạc trong các câu chuyện cổ xưa là có thật. Khác với ông cụ, bà cụ sống trong ngôi nhà gạch, mái ngói đã thâm nâu và nhiều chỗ rêu phủ xanh sau những ngày mưa ẩm ướt. Bà cụ thường ngồi têm trầu dưới giàn hoa giấy nở hoa tím ngát. Hồi chúng tôi còn nhỏ, hoa giấy chưa được trồng phổ biến như bây giờ và chính vì ngôi nhà của bà cụ Thiêm trồng cây hoa giấy đầu tiên trong vùng, nên càng thu hút chúng tôi, đám trẻ tò mò. Cũng khác với cụ ông, cụ bà không thích trẻ con. Khi trẻ con xuất hiện ở cổng, lập tức cụ cau có và đuổi chúng đi. Thế nhưng cụ rất thích kể chuyện cổ xưa, cụ ông bảo thế và chính cụ ông lại kể những câu chuyện đó cho chúng tôi nghe khi chúng tôi xúm quanh, vần vò những ngón tay bé nhỏ trên mái tóc bạc phơ của cụ để tìm những sợi bạc hơn những sợi bạc còn lại.

Những khi rảnh rỗi, những người phụ nữ trong xóm, là mẹ, cô, bác của chúng tôi, cũng thường rủ chúng tôi nhổ tóc bạc cho họ. Họ vân vê trong tay những sợi tóc bạc được chúng tôi hào hứng tìm thấy trong mớ tóc đen dài. Sau mỗi buổi nhổ tóc bạc, đứa trẻ nào nhổ được nhiều hơn thường tỏ ra rất tự hào, cứ như tóc bạc là một chiến tích và những ai nhiều tóc bạc hơn sẽ đáng được tự hào hơn vậy.

Bà cụ Thiêm mất trong ngôi nhà có giàn hoa giấy, vào một đêm đông, khi ngôi nhà bốc cháy vì chiếc đèn dầu hỏa bị rơi vỡ. Buổi sáng sau đêm hỏa hoạn, mái tóc bạc phơ buồn bã khổ đau của cụ ông nhòa tan trong đám khói sương còn lảng bảng. Nỗi cô đơn lần đầu tiên xuất hiện và trĩu nặng trong tâm hồn non nớt của tôi.

Mấy năm sau, gia đình tôi rời xóm đồi chè chuyển về thành phố. Tôi chưa một lần trở lại thăm nơi ấy, dù tâm trí tôi luôn hướng về. Người hàng xóm cũ của tôi bảo, các con cô đứa nào cũng đều đã mua được nhà thành phố. Cô nói, chúng mở các cửa hàng trên phố, chẳng kinh doanh gì, chỉ phục vụ mỗi một loại nhu cầu của khách hàng: Nhổ tóc bạc, đưa họ trở về với ảo ảnh của miền tóc xanh xưa.

Tản văn của PHẠM THANH THÚY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mien-toc-xanh-xua-553987