Miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ mới

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với không khí lạnh, khu vực Quảng Bình đến Bình Định, Tây Nguyên mưa lớn trở lại từ đêm 13.10.

Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13 giờ ngày 13.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Giữa Biển Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 130km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8, di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới

Áp thấp nhiệt đới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới. Trong ngày và đêm 15.10, áp thấp nhiệt đới có khả năng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ rất chậm, khoảng 5km/giờ và có khả năng mạnh lên thành bão với cường độ gió cấp 8, giật cấp 10. Sau đó, bão di chuyển chậm theo hướng Tây và suy yếu dần.

Do tác động của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo Cù Lao Chàm) có gió Đông Bắc đến Bắc cấp 6, giật cấp 7, biển động; từ chiều ngày 14.10 có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Khu vực giữa Biển Đông sóng biển cao từ 3-5m; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), sóng biển cao 4-6m; vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sóng biển cao từ 2-4m.

Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.

Tổng lượng mưa tích lũy từ chiều tối và đêm 13 đến hết ngày 16/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên phổ biến từ 200-500mm, có nơi trên 600mm.

Mưa lớn khiến hàng trăm ha thanh long ở Bình Thuận ngập trong nước, ngày 10.10

Xem xét ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp

Tại Phú Yên, mưa lớn từ ngày 11.10 khiến nhiều tuyến đường hư hỏng nặng, như cầu Bà Nam ở thị xã Sông Cầu bị hư mố cầu; quốc lộ 25, quốc lộ 19 qua Phú Yên phát sinh nhiều hư hỏng, ổ gà; nhiều tuyến đường huyện thuộc 2 huyện Đồng Xuân, Tuy An bị ngập trong nước lụt.

Ngày 12.10, Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) tỉnh Phú Yên đã có báo cáo kiến nghị Bộ GT-VT xem xét ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ ở tỉnh này do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Sở GT-VT tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu để UBND tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đắk My 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và A Vương tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa trước 20 giờ 30 ngày 13.10. Quảng Nam cũng yêu cầu các công ty thủy điện vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.

Ngày 12.10, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản khẩn gửi đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh này về việc triển khai Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chủ động ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, sạt lở…

Ghi nhận đến chiều 12.10 tại các điểm xung yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở ở Khánh Hòa người dân đã chủ động các phương án ứng phó. Các cơ sở khám, chữa bệnh ở địa phương cũng sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu khi có các tình huống xảy ra trong mưa to, gió mạnh.

Những việc cần làm thường xuyên để đảm bảo an toàn trước lũ quét

Theo dõi chặt chẽ diễn biến vùng áp thấp, chủ động đề phòng

Chuyên gia lo ngại việc hứng chịu các đợt mưa liên tiếp khiến độ bão hòa trong đất tăng cao, làm tăng nguy cơ sạt lở các sườn đồi, núi. Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo người dân đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk; đề phòng sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Những việc nên làm để ứng phó với lũ quét

Những việc không nên làm khi lũ quét xảy ra

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, ngày 12.10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung.

Cụ thể, đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Đối với đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên, khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có mưa lớn.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người như trong những ngày vừa qua; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/mien-trung-chu-dong-ung-pho-voi-dot-mua-lu-moi-i303667/