Miền Trung dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ

(VOV) - Ngày 27/11, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã hết mưa, nước sông đang xuống chậm, chính quyền và người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang tập trung khắc hậu quả mưa lũ

Miền Trung: Mưa lũ gây cô lập, một người mất tích

Đến sáng nay (27/11), từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định trời đã hết mưa và hửng nắng, nước trên các sông đang xuống chậm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm ngôi nhà, đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở.

Sáng 27/11, tại tỉnh Bình Định, nước trên sông Kon đã xuống dưới báo động 2. Tuy nhiên, mưa to, nước chảy xiết mấy ngày qua làm cho nhiều tuyến giao thông, công trình thủy lợi ở các huyện miền núi như: Huyện An Lão, Hoài Ân bị sạt lở, hư hỏng.

Hiện chính quyền và người dân nơi đây đang tập trung khắc phục tình trạng sạt lở, chia cắt giao thông.

Còn ở huyện vùng trũng như Tuy Phước, nhiều đoạn trên các tuyến đường ĐT 640, 636, 638 từ Trung tâm huyện về vùng Gò Bồi, các xã khu đông vẫn bị chia cắt do nước còn ngập sâu từ 0,5m đến 1m. Việc đi lại của người dân chủ yếu bằng đò.

Chính quyền địa phương tiếp tục cắt cử lực lượng công an, quân đội canh gác tại những nơi nguy hiểm, đồng thời bố trí xe ô tô vận tải lớn và thuyền để đưa người qua lại.

** Còn tại tỉnh Quảng Ngãi hôm nay nước lũ rút nhanh. Sáng nay, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành tập trung lực lượng ra quân khử trùng nguồn nước, xử lý các giếng nước trên địa bàn giúp bà con có nước sinh hoạt.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển 100 triệu đồng hỗ trợ cho những gia đình có nhà bị hư hỏng, ngập lụt những ngày qua. Đến 15h chiều nay, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mộ Đức đã tiến hành khử trùng, xử lý được hơn 1.000 giếng nước bị ngập lụt. Lo ngại nguy cơ xảy ra nhiều ca bệnh tay chân miệng nên các cán bộ y tế huyện Mộ Đức ngoài khử trùng nguồn nước còn tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu bệnh thì báo cáo ngay cho cán bộ y tế.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã chỉ đạo cho các trạm y tế xã hàng ngày phải phối hợp với y tế thôn giám sát ca bệnh tay chân miệng, nếu có phải báo cáo ngay. Đồng thời, cán bộ y tế phải xuống từng nhà dân hướng dẫn dân tiêu độc khử trùng, nhất là xác súc vật chết phải xử lý đúng.

** Đến chiều tối 26/11, lượng mưa trên thượng nguồn đã giảm, nước lũ tại ngầm sông Trường rút cạn, người và các phương tiện đã có thể qua lại ngầm, tạm thời thông tuyến lên huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 26/11, lũ hạ lưu sông Kôn (Bình Định) tại Thạch Hòa đã đạt đỉnh là 7,63m, dưới báo động 3: 0,37m.

Sáng 27/11, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 7h ngày 27/11 trên các sông như sau: Sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 3,84m, trên báo động 1: 0,34m; Sông Vệ tại Sông Vệ: 3,44m, dưới báo động 2: 0,06m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa: 7,32m, trên báo động 2: 0,32m.

Dự báo, lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định tiếp tục xuống. Ngày 28/11, mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi xuống dưới mức báo động 1. Riêng hạ lưu sông Kôn còn trên mức báo động 1. Tình hình ngập lụt tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định sẽ giảm dần. Đây là tin lũ cuối cùng của đợt lũ này./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/mien-trung-don-suc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu/201111/192768.vov