Miền Trung: Khô kiệt vì nắng hạn kéo dài

Sau nhiều tháng không có mưa, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đang đứng trước nguy cơ khô kiệt về nguồn nước, nhiều diện tích hoa màu mất trắng, thiếu nước sinh hoạt, các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Lòng hồ Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế) khô kiệt, cá chết khô

Theo thông tin từ Công ty TNHH NN MTV quản lí khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế (Công ty quản lí khai thác thủy lợi), hiện nay ngoài một số hồ còn có khả năng phục vụ nước tưới cho nông nghiệp như hồ Mỹ Xuyên đang ở mực nước 3,29/3,2 m, hồ Môi là 1,82/1,6m, hồ Thọ Sơn là 11,5/8,8 m, hồ Khe Ngang là 5,7/4,8m, hồ Truồi là 22,9/20,0m, hồ Thủy Yên là 28,35/16,0m... thì nhiều hồ thủy lợi khác trên địa bàn đã xuống mực nước chết không đảm bảo tưới đến cuối vụ hè thu năm nay. Cụ thể: hồ Thôn Niêm đang ở mực nước 2,11/2,2m, hồ Phú Bài 6,57/7,0m, hồ Hòa Mỹ 20,04/21,5m, hồ Tarinh 91,6/92,3m, hồ A Lá là 578/578,5m, hồ Thiềm Lúa: 2,04/2,0m.

Tính đến ngày 8/8, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 628,5 ha trồng lúa bị ảnh hưởng nghiêm do tình trạng hạn hán kéo dài. Trong đó, diện tích lúa đã hết nguồn nước cung cấp nhưng còn độ ẩm là 192,8 ha gồm các vùng hồ Hòa Mỹ là 149,8 ha; huyện Nam Đông 25 ha; huyện A Lưới 18 ha. Diện tích lúa đã hết nguồn nước cung cấp, lúa đã khô không còn độ ẩm là 431,21 ha gồm các vùng hồ Hòa Mỹ: 292,2 ha; huyện Nam Đông 21,7 ha; huyện A Lưới 117,3 ha. Diện tích lúa đã chết do hết nguồn nước cung cấp là 4,5 ha nằm chủ yếu ở huyện miền núi Nam Đông.

Ông Đỗ Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH NN MTV quản lí khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết, hạn hán năm 2019 năm là đợt hán hạn lịch sử, sau hơn 17 năm tái diễn lại. Về phương án chống hạn, ông Đính cho biết, chỉ một số hồ thủy lợi xử lý theo cách khơi thông dòng chảy, nạo vét, sử dụng máy bơm, tuy nhiên còn nhiều hồ đã khô kiệt nước và không còn phương án chống hạn. “Về lâu dài, nên nghiên cứu, quy hoạch chuyển đổi cây trồng đối với những vùng có nguy cơ thiếu nước, đồng thơi đầu tư vốn để nâng cấp, xây dựng các hồ có sức chứa lớn hơn”, ông Đính cho biết thêm.

Sau nhiều tháng không có mưa, các công trình thủy lợi trên địa bàn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế trơ đáy

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị tình hình khô hạn diễn ra gay gắt và trên diện rộng. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, hiện nay rất nhiều ao hồ, sông suối, các hồ thủy lợi quan trọng phục vụ cho nông nghiệp cũng đang ở mực nước chết, hàng trăm ha lúa có nguy cơ mất trắng do không còn nước để tưới. Đặc biệt, nguồn nước sinh hoạt tại thành phố Đông Hà và các vùng lân cận có nguy cơ thiếu hụt do sông Vĩnh Phước (sông cung cấp nước chủ yếu cho nhà máy cấp nước Quảng Trị-chảy qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà) xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 15 năm trở lại đây.

Ông Lê Thành Ty - Phó Giám đốc Công ty cấp nước Quảng Trị cho biết, thời gian qua, Công ty đã huy động công nhân để khơi thông dòng chảy, chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư nhằm đảm bảo đủ cấp nước cho các trạm bơm, tuy nhiên do nắng hạn kéo dài, không có mưa nên tình hình vẫn không khả quan. “Những ngày tới, nếu trời tiếp tục không mưa, sông Vĩnh Phước không được tiếp nước thì khả năng thiếu nước ở thành phố Đông Hà và các vùng lân cận là hiện hữu. Trước tình hình đó, chúng tôi lên phương án cấp nước cho những khu vực ưu tiên như trường học, bệnh viện, khuyến cáo người dân thành phố Đông Hà cần có phương án dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị phương tiện dự trữ nguồn nước để dự phòng”, ông Ty cho biết thêm.

Các lòng hồ thủy lợi trở thành nơi chăn thả bò

Tại nhà máy thủy điện Hương Điền (thị xã Hương Trà-Thừa Thiên Huế) ông Trịnh Xuân Khoa – Phó Giám đốc phụ trách nhà máy thủy điện Hương Điền cho biết, tính đến thời điểm này, lượng nước năm nay về hồ rất ít, đạt khoảng 10% so với mọi năm. Hiện mực nước tại đập đang ở cao trình 46,25/46, tức là cao hơn mực nước chết 25cm. “Như mọi năm thì cuối tháng 8 đưa cao trình hồ về mực nước chết để đón lũ, tuy nhiên năm nay cuối tháng 7 nước đã về mực nước chết. Khi không có nước thì việc phát điện gặp nhiều khó khăn, đồng thời việc cấp nước cho hạ du cũng rất ít từ khoảng 10-15m3/s chỉ đảm bảo duy trì dòng chảy về hạ du”, ông Khoa cho biết thêm.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mien-trung-kho-kiet-vi-nang-han-keo-dai-123562.html