Miền Trung loay hoay tìm 'đặc sản' du lịch

Vùng duyên hải miền Trung có đường bờ biển dài trên 1.400km, chiếm 43% bờ biển cả nước, thiên nhiên đã ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh như: Lăng Cô, Mỹ Khê, Nha Trang, Ninh Chữ… được xếp hạng trên thế giới. Thế nhưng, miền Trung đang phát triển du lịch theo kiểu manh mún, mỗi địa phương làm theo một kiểu, chưa tạo ra sự đồng bộ, chưa có điểm nhấn 'đặc sản' du lịch miền Trung, nhằm thu hút và 'giữ chân' du khách trong và ngoài nước đến, ở lại lâu hơn.

Phát triển du lịch theo kiểu "hàng xén"

TS Trần Du Lịch đưa ra một ví dụ, ở In-đô-nê-xi-a có thiên đường du lịch Ba-li nổi tiếng thế giới, trở thành điểm nhấn của quốc gia có rất nhiều đảo. Hiện nay, Chính phủ In-đô-nê-xi-a đang chuyển sang xây dựng du lịch ở hòn đảo Lâm-bóc, mặc dù ở đây có nhiều điều bất lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng, nhưng Chính phủ liên tục tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên hòn đảo này, nhằm quảng bá và thu hút du khách. "Việt Nam chúng ta tại sao không đưa những sự kiện lớn ở hai đầu đất nước (Hà Nội - TP Hồ Chí Minh) về miền Trung tổ chức? Xét về mặt cơ sở hạ tầng miền Trung như: TP Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang,... đều đáp ứng được. Mỗi khi có một sự kiện lớn xảy ra, giới truyền thông toàn thế giới đổ về, họ đưa tin, bình luận sự kiện đó, cũng chính là quảng bá cho thương hiệu du lịch miền Trung. Đây là lý do nhiều điểm du lịch trên thế giới không đẹp như miền Trung, nhưng họ đã "biết cách" thu hút du khách, doanh thu lớn hơn ta gấp nhiều lần" - TS Lịch đặt vấn đề rất cụ thể, đòi hỏi các cơ quan quản lý tầm vĩ mô và mỗi địa phương cần nghiên cứu thực hiện.

Miền Trung có món du lịch bằng thúng chai.

Người làm du lịch chuyên nghiệp, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần trả lời sâu sắc 4 câu hỏi của khách du lịch: Du lịch ở đâu? Ăn gì? Chơi gì? Mua gì mang về? "Làm phép so sánh 1.000 khách đến tham quan vịnh Hạ Long nhưng doanh thu không bằng 10 ông khách Nga ở lại miền Trung. Mình làm du lịch cái đích cuối cùng là bày cho họ, chỉ cho họ chỗ tiêu tiền thoải mái mà vẫn vui lòng. Nếu như mình không đáp ứng được cho họ, mình mất tiền đã đành, nhưng họ cũng chán mình, bỏ đi luôn" - Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói ví von nhưng rất thực tế. Miền Trung có sân bay quốc tế Cam Ranh, mỗi tuần đón hàng chục chuyến bay trực tiếp từ Nga sang Khánh Hòa, từ đây khách sẽ "chẻ" đi các tỉnh lân cận. "Nếu chúng ta không có kế sách để cho dân du lịch Nga "chơi đẹp" thì ta cũng "thua đẹp" ngay trên dải đất miền Trung" - Ông Tuấn tỏ ra lo lắng kiểu làm du lịch hiện nay của các địa phương.

Lâu nay, ở miền Trung tự xưng có quá nhiều "cái tốt" và "cái nhất" nhưng chưa có cái gì, sản phẩm nào mang tính biểu tượng, đặc trưng cụ thể của vùng, miền, dẫn đến sức lan tỏa quảng bá ra thế giới không cao. PGS.TS Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng: "Muốn kéo chân du khách đến và ở lại lâu ngày với miền Trung, các doanh nghiệp cần phải tạo ra những sản phẩm đặc thù gắn với từng địa phương. Mỗi sản phẩm phải đi theo những địa danh huyền thoại, những "cốt truyện" ly kỳ, hấp dẫn... Tất cả đều thương mại hóa, nhưng phải đẳng cấp du lịch. Chỉ cần một người khách mua 2 - 5 sản phẩm mang về nhà, thế là cả vùng bùng phát lên. Đừng phát triển du lịch theo kiểu "hàng xén", mỗi nơi làm một nhúm, mạnh ai nấy làm, xả rác vừa bãi, ăn xin, chèo kéo khách, làm giả thương hiệu của nhau... Những thứ này nó sẽ "giết" dần du lịch, nếu chính quyền không có biện pháp mạnh tay".

"Đánh" vào sở thích sẽ thắng to

Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Trưởng ban Điều phối miền Trung so sánh ví von dải đất miền Trung giống như một cô gái rất xinh đẹp, cần phải chăm chút, bổ sung kiến thức, đi lại, ăn nói nhỏ nhẹ... để đạt được đẳng cấp "hoa hậu". "Nhiều vùng biển miền Trung rất "ngon", nhưng tại sao thế giới ít về đây? Ví như ở Đu-bai cũng chỉ là vùng đất hoang sơ, họ xây những ngôi nhà chọc trời, rồi đặt cho cái tên ấn tượng "thiên đường mua sắm", du khách năm châu bốn biển tò mò đổ về đây để xem một lần cho biết. Chúng ta nhìn lại toàn vùng miền Trung còn rời rạc, chưa có gì hấp dẫn, đôi khi còn gặp nhiều chuyện bực dọc. Ví dụ, đi du lịch mà thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Bình Định. Du lịch gì mà mắt nhắm mắt mở thì còn đâu là thư giãn. Rồi nạn "chặt chém", giá các dịch vụ cao ngút trời, sẽ bị khách tẩy chay" - Ông Thanh chỉ ra một số vấn đề bất cập.

Muốn phát triển du lịch tốt, bền vững đòi hỏi người làm công tác quản lý, doanh nghiệp phải có cái tâm, cái tầm và tầm nhìn râu rộng. Câu chuyện phát triển khu du lịch Bà Nà trở thành điểm nhấn TP Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung là một ví dụ điển hình. Ông Nguyễn Bá Thanh, lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ đã có cách làm táo bạo: "Tôi nói anh em làm du lịch Đà Nẵng nghiên cứu làm cáp treo dưới chân tượng phật trên núi Bà Nà. Mấy ông trả lời ngay: "Lên đó dốc lắm, làm không được đâu".

Tôi hỏi: "Các ông chưa làm, sao biết dốc hay không dốc. Phải đi ra nước ngoài tìm mấy ông biết làm về đây nghiên cứu, họ sẽ nói cho mình nghe". Mấy ông châu Âu sang nghiên cứu và thi công xong đường cáp treo hoành tráng". Bây giờ nói, nghe có vẻ dễ dàng, nhưng lúc mới triển khai dự án, trong Thường vụ và UBND TP Đà Nẵng rất ít người đồng tình đầu tư tuyến cáp treo đầy tốn kém. Ông Bá Thanh bày mưu: "Tôi mời cả Ban Thường vụ thành phố trèo lên đỉnh núi Bà Nà họp, ông nào cũng tận mắt thấy thực địa đẹp, cảm nhận được không khí mát mẻ, thế là cả Ban Thường vụ đồng ý cho đầu tư. Lúc đầu ít người đi cáp treo vậy mà đến năm 2012 có hơn 800.000 lượt khách đến tham quan.

Tôi xin Chính phủ cho xây dựng sân gôn, nhà nghỉ, khu vui chơi ngay ở trên đỉnh núi... dân Hàn Quốc vác gậy sang Bà Nà chơi giá còn rẻ hơn bên họ nhiều. Tôi bày mấy ông doanh nghiệp làm thêm mấy món thịt cầy nữa thì khách Hàn Quốc mê hồn luôn. Mình phải nghiên cứu kỹ lưỡng thú chơi và "đánh" vào sở thích của "những người có tiền”, sẽ thắng to..."

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mien-trung-loay-hoay-tim-dac-san-du-lich/