Miền Trung: Mưa kéo dài, cảnh báo sạt lở

Những ngày qua, mưa lớn kéo dài, kèm theo sạt lở cao, người dân tại các tỉnh, thành phố miền Trung như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... đang gồng mình chống chọi thiên tai.

* Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài và gió giật mạnh những ngày qua đã khiến nhiều vị trí dọc bờ biển thôn 1 (địa bàn xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) tiếp tục sạt lở nghiêm trọng; đất đai, cây phi lao bị cuốn đổ sập ngổn ngang.

Sáng 15-10, tại thôn 1 (xã Cẩm Lĩnh), thời tiết có mưa rất to, gió từ ngoài biển thổi vào mạnh. Hàng chục mét khối đất dọc trên bờ biển cao từ 5 đến trên 10m đã bị mưa lớn, gió giật làm đổ sập nham nhở, chất đống ngổn ngang trên bãi biển.

Ngoài ra, một lượng lớn đất sạt lở đã bị sóng biển dâng cao cuốn trôi. Nhiều vị trí đất trên bờ biển đang bị khoét thành hàm ếch và nứt toác, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Đất và cây phi lao dọc bờ biển xã Cẩm Lĩnh bị cuốn sập

Tại khu vực này, hàng loạt cây phi lao được người dân địa phương trồng cách đây gần 5-7 năm tuổi, chiều cao khoảng 3-5m cũng đã bị mưa, gió làm đổ sập, bật trơ gốc.

Sạt lở bờ biển đang tiếp tục lan rộng

Ông Trần Quốc Trị (76 tuổi, trú thôn 1, nhà cạnh điểm sạt lở bờ biển) cho biết, khu vực bờ biển này mỗi khi có mưa gió, triều cường mạnh là thường xuyên xảy ra sạt lở, cuốn trôi rất nhiều đất đai, cây phi lao, cây tre và các loại cây bụi rậm khác. Mỗi năm, sạt lở lại lan rộng hơn.

Ông Trần Quốc Trị lo lắng tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng

Theo ông Trần Quốc Trị, lo lắng nhất hiện nay là tình trạng sạt lở đất vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đang tiếp tục lan rộng, nguy hiểm. Nếu sắp tới có thiên tai, mưa bão thì chắc chắn sẽ "nuốt chửng" rừng phi lao và đe dọa sạt lở ăn sâu vào trong tuyến đường giao thông quốc phòng ven biển nối xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), khu vực vườn và nhà ở của dân.

Trước tình hình này, người dân địa phương rất mong chính quyền các cấp, cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng tuyến kè kiên cố để bảo vệ bờ biển, tuyến đường giao thông và nhà cửa, cuộc sống, sản xuất của người dân bên trong.

Nhiều vị trí đất bờ biển đang khoét hàm ếch chờ đổ sập

Sáng cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, những ngày qua, khi có mưa lớn, địa phương đã tiến hành lập các biển cảnh báo, rào chắn tại khu vực bờ biển sạt lở ở thôn 1 và các địa điểm sạt lở khác trên địa bàn; đồng thời thông báo, tuyên truyền người dân không đi vào khu vực có nguy cơ sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.

Chính quyền địa phương đã lập các biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm

Chính quyền địa phương và huyện Cẩm Xuyên cũng đã trực tiếp đi xuống kiểm tra hiện trường sạt lở và có kiến nghị, đề xuất lên huyện và tỉnh nghiên cứu sớm có phương án đầu tư kinh phí để xây dựng tuyến kè kiên cố dài khoảng 400m tại nhiều địa điểm, trong đó có vị trí bờ biển sạt lở nói trên. Tuy nhiên, việc làm tuyến kè này vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể triển khai thực hiện được.

>> Một số hình ảnh sạt lở bờ biển ở xã Cẩm Lĩnh do ảnh hưởng mưa lớn

* Tại Đà Nẵng, ngày 15-10, mưa nhỏ, một số khu vực vẫn chìm trong biển nước

Theo ghi nhận, hàng loạt khu dân cư tại đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn còn thất thủ.

Theo ghi nhận, từ tối 14-10, mưa có dấu hiệu giảm tại khu vực có điểm ngập ở Đà Nẵng, một số điểm ngập nước rút dần.

Được xem là rốn lũ, tại khu vực hẻm trên đường Mẹ Suốt, quận Liên Chiểu, đến 12 giờ ngày 15-10, khu vực này vẫn còn tình trạng ngập sâu. Người dân lần lượt từ điểm sơ tán tập trung trở về nhà.

Các hẻm trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vẫn còn ngập lụt sâu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mang lỉnh kỉnh đồ đạc về nhà, chị Nguyễn Thanh Tuyền (33 tuổi, trú tổ 36 phường Hòa Khánh Nam) cho biết, chị đang định đi về nhà nhưng được một nửa đường lại phải quay đầu vì nhà chị ngập sâu.

“Tôi không dám đi vào sâu vì nước chảy xiết lắm, trượt chân là trôi theo liền”, chị Tuyền nói.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Ánh (SN 1974, trú tổ 36 phường Hòa Khánh Nam) vừa đẩy vừa quét nước ra khỏi nhà. Theo bà Ánh, năm nay, nước dâng khoảng 1m mà gia đình đã khốn khổ chạy lụt thế này.

“Năm nay, chúng tôi kê cao đồ đạc sớm nên đỡ được một phần. Trong khi năm trước, nước dâng đến lút đầu, chúng tôi phải ngồi eo hẹp trên trần nhà vệ sinh để thở. Đồ đạc vật dụng trong nhà hư hỏng toàn bộ. Dường như mỗi mùa lụt, ông trời cứ phải để chúng tôi thay vật dụng trong nhà 1 lần”, bà Ánh nói.

Dự báo 24 giờ tới, lượng mưa rất lớn phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm.

Đại tá Lê Thọ, phó trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết rạng sáng nay, một số điểm ngập tại quận, nước đã bắt đầu rút. Tại điểm ngập trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), đêm qua, nước đã rút. Nhưng rạng sáng ngày 15-10, nhiều thời điểm có mưa to nên nước lên lại.

"Hiện một số đoạn nước từ 20-50cm, tuyến đường này điểm nào xung yếu đều đã dời dân hết trong đêm qua, nhiều người vẫn chưa về", Đại tá Lê Thọ cho hay.

>>> Một số hình ảnh ghi nhận:

Mưa ngớt, người dân tổ 36 phường Hòa Khánh Nam về nhà nhưng lại phải trở ra vì vẫn còn ngập lụt sâu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Nguyễn Thị Ánh đã đẩy nước thoát ra ngoài. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một số khu vực tại kiệt đường Mẹ Suốt vẫn còn giăng dây vì nước chảy xiết. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Người dân dắt xe về nhà. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nhiều hộ gia đình bắt đầu lau dọn nhà cửa. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Một số hộ phải đóng cửa vì sợ trôi vật dụng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Máy quạt nước được người dân lấy nước lụt để rửa. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Nước chảy khá xiết. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Người dân cho biết mực nước năm nay dâng lên không bằng năm ngoái. Tuy vậy, thời gian nước dâng rất nhanh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

* Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa cao nhất trên 200mm.

Sáng 15-10, vùng mưa lớn tập trung ở huyện Bình Sơn, Trà Bồng, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi với lượng mưa 60-110mm, riêng các xã Bình Tân Phú, Bình Khương lượng mưa đến trưa ngày 15-10 ở mức trên 200mm.

Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến ngày 17-10 với lượng mưa phổ biến 200 - 300mm, có nơi trên 350mm gây nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, sạt lở đất tại khu vực miền núi.

Sáng 15-10, cánh đồng xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ngập sâu gần 1m tiến sát mặt đường dân sinh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, đến 10 giờ ngày 15-10, Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7, dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh thêm.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ngãi đã ký ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức ứng trực, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; thông báo cho chủ tàu, người nuôi trồng thủy sản biết diễn biến thời tiết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn người và tài sản trước mưa lũ.

Hồi 12 giờ ngày 15-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi có công điện khẩn, yêu cầu các Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long.

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.

Các chủ tàu thuyền thực hiện neo đậu an toàn trước diễn biến thời tiết áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trước ảnh hưởng mưa lũ, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi thông báo chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và người lao động trong ngành giáo dục trước, trong và sau mưa lũ từ ngày 14 đến ngày 20-10.

* Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng 15-10, mưa ngớt hạt, các phương tiện máy móc, thiết bị được huy động cùng các lực lượng xung kích cùng người dân địa phương nỗ lực khắc phục bờ biển bị sạt lở và các tuyến đường dân sinh ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị hư hỏng nặng do mưa lớn.

>>> Hình ảnh các lực lượng nỗ lực khắc phục khu vực bờ biển xã Phú Diên sạt lở:

Tại bờ biển Phú Diên, các lực lượng sử dụng vải lọc kỹ thuật rồi chèn rọ sắt đựng đá hộc, bao tải cát để gia cố các vị trí sạt lở bờ biển.

Trong khi đó, tại 12 điểm sạt lở đường dân sinh tại thôn Phương Diên, Mỹ Khánh và thôn Diên Lộc của xã Phú Diên, các lực lượng sử dụng máy xúc và cuốc xẻng san lấp rồi dùng đá, bao tải chèn cát để đắp lại các điểm sạt lở.

Ông Trần Gia Công, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Vang yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các giải pháp với tinh thần nhanh nhất có thể để khắc phục nhằm không để biển sạt lở đi sâu vào đất liền; khoanh vùng khu vực sạt lở nguy hiểm để cảnh báo người dân không đến gần; tiếp tục phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, nắm chắc diễn biến sạt lở, báo cáo kịp thời cho cấp trên và động viên người dân cùng chính quyền chung tay khắc phục khó khăn tình trạng sạt lở.

>>> Hình ảnh gia cố 12 điểm sạt lở trên các tuyến đường dân sinh tại xã Phú Diên:

Sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất khẩn cấp 50m3 đá hộc, 50 rọ thép loại 1m3, 1 cuộn vải lọc kích thước 900m2 để cho UBND xã Phú Diên xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở bờ biển và đường dân sinh sạt lở do mưa lớn.

DƯƠNG QUANG

VĂN THẮNG

XUÂN QUỲNH

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-mua-keo-dai-canh-bao-sat-lo-post709892.html