Miền Trung mưa lớn, bờ biển tan hoang, nhà tốc mái, cây gãy la liệt nơi bão số 13 đi qua

Những địa phương mà bão số 13 đổ bộ như Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đều phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, lúc 13 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Quảng Bình, Nam Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Tâm bão vào đất liền nhưng chưa an toàn

Tâm bão vào đất liền nhưng chưa an toàn

Trong 06h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 6 đến 12h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Trong chiều và tối nay, ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 11.

Từ chiều nay (15/11) đến sáng mai (16/11), từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 150mm; khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 40-80mm.

Cơ quan khí tượng cũng cảnh báo người dân cần hết sức thận trọng, chưa nên ra khỏi nhà thời điểm này bởi sau một lúc lặng gió, hoàn lưu sau cơn bão vẫn sẽ gây gió mạnh cho các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Trên các vùng biển, người dân vẫn cần lưu ý sóng lớn.

Theo Công ty Điện lực Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 13, hiện Quảng Trị có 55 xã, phường, thị trấn ở các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông và một phần của thành phố Đông Hà đã xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện. Như vậy, hơn 40% địa phương tại Quảng Trị đang bị mất điện do ảnh hưởng của bão số 13 (55/136 xã, phường, thị trấn mất điện).

Nhiều nhà dân tại Quảng Trị bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của bão.

Toàn tỉnh đã có 16 sự cố gây mất điện, đến nay còn 13 sự cố chưa thể khôi phục. Có 55 xã, thị trấn với 636 trạm biến áp chưa khôi phục được.

Đặc biệt là có 2 vị trí cột đường dây 22 KV đoạn Quảng Xá, Vĩnh Linh bị đổ nghiêng; hai vị trí cột 22 Kv đoạn Thành Cổ rẽ Đại An Khê (Hải Lăng) bị gãy do cây đổ vào. Hiện nay, ngành điện Quảng Trị đang nỗ lực để kịp thời khắc phục đảm bảo khôi phục điện trở lại cho người dân.

Gió bão giật vặn vẹo cây cối.

Đến trưa 15/11, nhiều địa phương thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế như thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền vẫn còn ngập sâu trong nước. Tình trạng ngập lũ kéo dài khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

"Hơn tháng nay, mưa bão liên tục khiến nhà tôi bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng nhiều đến công việc của tôi. Muốn đi đâu cũng phải lội bộ hoặc đi thuyền vì xe máy không qua được những điểm ngập nước", anh Nguyễn Thành (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) chia sẻ.

Hiện, tâm bão Vàm Cỏ đang ở sát vùng ven bờ biển Quảng Bình, ngang với TP Đồng Hới. Sức gió duy trì cấp 9, giật cấp 11-12.

Vị trí tâm bão lúc 12h tại Quảng Bình. Ảnh: NCHMF.

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo mưa gió ở Quảng Trị - Huế sẽ giảm nhanh. Tại Quảng Bình, gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10, sẽ còn duy trì trong 2-3h giờ tới. Sau đó, mưa gió cũng sẽ giảm nhanh.

Trong khi đó, gió mạnh sẽ dịch lên Hà Tĩnh và nam Nghệ An, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, trong chiều nay. Riêng vùng ven biển Hà Tĩnh, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Dự báo tâm bão sẽ ở dọc ven biển Quảng Bình, sau đó đổ bộ vào phía bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh trong khoảng 13-15h hôm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10.

Bão số 13 làm hỏng nhiều ngôi nhà, đường sá ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế.

Tuyến đường đang thi công ven đầm Lập An cũng bị hư hại nghiêm trọng do sóng nước dâng cao. "Chúng tôi đang đi kiểm tra thực tế thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà dân nhưng chưa có con số cụ thể", ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, nói.

Sóng biển cao, phủ đầu người nhưng người dân vẫn không hề lo sợ.

Sáng ngày 15/10, sau khi bão số 13 đi qua, biển động, khiến sóng biển còn rất to. Tuy nhiên, nhiều người dân, du khách ở Đà Nẵng trong đó có cả trẻ nhỏ vẫn kéo nhau ra biển để tắm và nô đùa với sóng dữ.

Lúc 10 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Bão sau khi đi sâu vào đất liền sẽ suy yếu thành vùng áp thấp. Ảnh: NCHMF

Trong vài giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Sau đó, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Từ nay (15/11) đến ngày 16/11, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 70-120mm, có nơi trên 150mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm.

Vị trí tâm bão lúc 10h ở sát vùng ven bờ biển Quảng Bình. Hiện, tâm bão ở tọa độ 13,7 độ vĩ bắc, 107 độ kinh đông. Bão vẫn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay khi đi vào đất liền.

Vị trí tâm bão lúc 10h. Ảnh: NCHMF.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tâm bão sẽ ở sát dọc ven biển Quảng Bình, sau đó đổ bộ vào Quảng Bình vào khoảng 11-13h hôm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 giật cấp 9-10.

Đường phố Đà Nẵng ngổn ngang do ảnh hưởng của bão. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Từ 9h30, Đà Nẵng tạnh mưa. Trên các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa ngổn ngang rác, cây cối gãy đổ. Lực lượng chức năng đang huy động hàng chục công nhân dọn dẹp vệ sinh cho thành phố.

Công nhân dọn dẹp đường phố sau bão. Ảnh: Mỹ Hà.

Tại Huế, các đơn vị cũng đang tiến hành khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão.

Nhân viên công ty cây xanh và môi trường ở Huế đang nhanh chóng cắt tỉa cây xanh và dọn dẹp các cành cây đã gãy đổ do ảnh hưởng của bão.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão lúc 9h chỉ còn cách Quảng Bình - Quảng Trị 15 km. Hiện, tâm bão ở tọa độ khoảng 17,2 độ vĩ Bắc, 107,2 độ kinh Đông. Sức gió duy trì cấp 8-9, giật cấp 10-11.

Vị trí tâm bão lúc 9h sáng nay. Ảnh: NCHMF.

Bão vẫn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20 km/h và tiếp tục suy yếu khi càng tiến sát đất liền. Dự báo tâm bão sẽ đi vào đất liền Quảng Bình - Quảng Trị trong khoảng 10-12h hôm nay.

Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-5 m, biển động rất mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0 m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Từ 15/11 đến 16/11, từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở cấp 3.

Hình ảnh tại biển Vĩnh Linh, Quảng Trị lúc 8h30 sáng.

8h30, tại Quảng Trị, vùng biển Vĩnh Linh xuất hiện mưa to và gió lớn trở lại. Gió rít mạnh, uốn cong ngọn cây.Tại bãi tắm Cửa Tùng, sóng lớn chiều hôm qua khiến các cửa hàng bị lột bay sàn gỗ, hành lang đi bộ tại bãi tắm bị sóng đánh vỡ từng mảng. Một số mái tôn hàng quán ngưòi dân bị hư hỏng.

Ông Hoàng Văn Đức - nhân viên Trung tâm khuyến công và du lịch tại Cửa Tùng cho biết, sóng dâng cao 3m, tràn qua đường, làm hỏng bê tông hành lang bãi tắm.

Tiểu thương vẫn buôn bán dù bão đổ bộ

Tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) xuất hiện mưa lớn, gió giật mạnh từ sáng nay. Đường phố vắng người qua lại, chỉ có một số xe tải và xe khách di chuyển trên đường. Một số người dân vẫn bất chấp mưa lớn và gió buôn bán ở chợ cóc và một số cửa hàng kinh doanh.

Theo báo cáo của Văn phòng BCĐ T.Ư về phòng chống thiên tai, tính đến 7h sáng nay, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã triển khai công tác di dời tổng cộng 93.795 hộ/ 324.780 người đến nơi an toàn (Hà Tĩnh: 3.616 hộ/12.486 người; Quảng Bình: 14.259 hộ/ 47.372 người; Quảng Trị: 13.470 hộ/ 39.725 người; Thừa Thiên Huế: 22.348 hộ/73.940 người; Đà Nẵng: 16.135 hộ/ 78.544 người; Quảng Nam: 23.687 hộ/ 71.840 người; Quảng Ngãi: 280 hộ/873 người).

Về thiệt hại ban đầu, theo báo cáo của các địa phương, bão số 13 khiến 5 người bị thương do chằng chống nhà cửa (Quảng Trị 2, Quảng Nam 3).

Dãy xe máy ở khu vực chung cư Đống Đa nằm nghiêng ngả do không chịu được sức mạnh của gió bão số 13. Ảnh: Thừa thiên huế online

Tại Thừa Thiên - Huê, rạng sáng nay (15/11) gió đã lặng sau một đêm dài quần quét trên toàn tỉnh. Tại TP. Huế, các lực lượng chức năng đã xuống đường để kiểm tra thiệt hại, tạm thời khắc phục những hậu quả mà bão gây ra.

Một trường học xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bị tốc mái sau khi bão đi qua. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn, do ảnh hưởng của bão số 13, tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; trên đất liền ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm.

Lúc 04h hôm nay (15/11), vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 107,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 12 đến 24h tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven biển: Vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao 4-5m, biển động rất mạnh. Vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh.

Ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5-1,0m. Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.

Trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Từ nay (15/11) đến ngày 16/11, từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150mm, có nơi trên 200mm. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm.

Trả lời phỏng vấn của VTV1, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lý giải nguyên nhân cơn bão số 13 giảm cường độ nhanh vào sáng nay.

Theo ông Khiêm, cơn bão số 13 có cường độ rất mạnh khi ở trên Biển Đông. Tuy nhiên, từ chiều tối 14/11, khi vào vùng biển miền Trung, do tương tác với khối không khí lạnh và khô, đồng thời, do bề mặt nước biển thấp nên cường độ giảm rất nhanh, khoảng 5 đến 6 cấp. Đêm 14/11, theo số liệu quan trắc, khu vực Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.

Hôm nay, mực nước trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) sẽ lên, mực nước trên sông Hương tiếp tục lên, các sông Quảng Nam xuống chậm.

Đến trưa nay (15/11), mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc lên mức 4,0 m, dưới BĐ3 0,5 m; sông Hương tại Kim Long lên mức 2,8 m, dưới BĐ3 0,7 m. Đến sáng sớm mai (16/11), mực nước tại Kim Long xuống mức 2,6 m, trên BĐ2 0,6 m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức BĐ1, còn các sông Quảng Nam dao động ở mức BĐ1 và trên BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đặc biệt tại các huyện: Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới, Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà, Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế) Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà (Đà Nẵng), Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành (Quảng Nam). Ảnh chụp cảnh sạt lở ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.

Cầu Đập Đá (Huế) vẫn đang tràn nước, hiện lực lượng chức năng đã đặt rào chắn, tạm thời không để người và phương tiện lưu thông qua tuyến đường này

Cơ quan khí tượng cảnh báo gió mạnh, sóng lớn xảy ra trên biển và nguy cơ nước dâng do bão vùng ven biển. Cụ thể, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao 4-5 m, biển động rất mạnh.

Phía bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10. Sóng biển cao 2-4 m. Ngập úng nguy cơ xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Trên đất liền từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13 cũng gây một đợt mưa lớn từ ngày 15/11 đến 16/11. Trong đợt này, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị hứng lượng mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Vùng nguy hiểm do bão trên biển nằm từ vĩ tuyến 14 đến 19 độ vĩ bắc và phía tây kinh tuyến 109 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/tin-khan-cap-moi-nhat-ve-bao-so-13-do-bo-mien-trung-song-bien-cao-4m-20201115071810249.htm