Miền Trung: Nhiều tỉnh thành triển khai hiệu quả mô hình điện mặt trời mái nhà

Nhờ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khách hàng cộng thêm cơ chế khuyến khích điện mặt trời của Chính phủ và Bộ Công Thương, thời gian qua, các tỉnh khu vực miền Trung đã triển khai có hiệu quả công tác lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) cho nhiều hộ gia đình, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên có hơn 5.000 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất khoảng 150 MWp, tổng sản lượng điện phát ra lưới đạt 85,46 triệu kWh.

Đến nay, trên địa bản tỉnh Quảng Nam đã có 366 khách hàng đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt hơn 5,4 MWp và thực hiện hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam). Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có thêm 70 khách hàng lắp đặt mới với tổng công suất 2,7 MWp, vượt qua tổng công suất lắp đặt trong cả năm 2019, một con số khá ấn tượng và đáng khích lệ. Điều đó cho thấy có mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư đến loại hình năng lượng mới này.

Để có những kết quả trên, đại diện PC Quảng Nam cho hay, thời gian qua đơn vị đã đẩy mạnh vận động, khuyến khích khách hàng đầu tư hệ thống ĐMTMN; kịp thời thỏa thuận và tạo thuận lợi trong thủ tục đấu đồng hồ đo đếm hai chiều bán và mua điện với khách hàng. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều khách hàng mạnh dạn đầu tư hệ thống ĐMTMN. Từ khi Quyết định 13 được ban hành, thêm nhiều nhà đầu tư đã đăng ký với PC Quảng Nam để đăng ký đấu nối, lắp đặt hệ thống ĐMTMN, trong đó có hệ thống với công suất khá lớn, điển hình như của Công ty HaNaCans ở Điện Bàn, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng điện Hòa Bình... với công suất lắp đặt gần 1.000 kWp.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, tính từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hơn 322 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh với các đối tượng là khách hàng sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, sinh hoạt trong gia đình. Riêng trong năm 2020, đã phát triển được 53 khách hàng, công suất lắp đặt là 512,61 kWp, đạt 3,42% so với kế hoạch.

Theo tính toán của các đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh, một hộ gia đình nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất từ 3-5 kWp; bình thường mỗi kWp một ngày sản xuất khoảng 4 - 4,5 kWh, thì khoảng 6 - 8 năm sẽ thu hồi vốn. Đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều điện vào ban ngày thì thời gian thu hồi vốn nhanh hơn, vì giảm được sản lượng điện bậc thang cao, đem lại lợi ích nhiều hơn.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Quảng Nam

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại tỉnh Quảng Nam

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN, anh Nguyễn Hữu Thành, địa chỉ tại 30 Chu Văn An, TP. Quảng Ngãi chia sẻ, “Với tổng chi phí đầu tư ước tính là 145 triệu đồng để thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với công suất tương đương khoảng 10 kWpt. Từ khi đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN đến nay, ngoài việc sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt của gia đình, gia đình anh đã bán lượng điện thừa cho ngành điện với sản lượng 6.768 kWh điện, tương đương khoảng 15 triệu đồng (trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, gia đình anh chỉ phải chi trả khoảng 965.000 tiền điện, so với trước khi lắp đặt giảm được 2.166.000 đồng/tháng”.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 565 khách hàng tham gia lắp đặt ĐMTMN, tổng công suất đạt 5.159,15kWp, PC Bình Định đã thanh toán cho hơn 244 khách hàng với số tiền gần 631 triệu đồng. Thời gian qua, PC Bình Định đã không ngừng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn lắp đặt ĐMTMN để sử dụng nhằm giảm áp lực cho nguồn điện quốc gia.

Theo đại diện PC Bình Định, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc thỏa thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện, nghiệm thu, thí nghiệm và lắp công tơ 2 chiều miễn phí cho khách hàng. Ngoài ra, với cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020, hy vọng rằng ĐMTMN sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Được biết, trong thời gian tới, các đơn vị chuyên môn, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác vận động, khuyến khích, hỗ trợ về chuyên môn, thủ tục đầu tư đối với khách hàng, nhằm nâng cao số lượng và tính hiệu quả cho người dân khi lắp đặt ĐMTMN.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mien-trung-nhieu-tinh-thanh-trien-khai-hieu-qua-mo-hinh-dien-mat-troi-mai-nha-138962.html