Miền Trung - Tây Nguyên: Ngăn chặn nạn sử dụng vũ khí, hung khí

Gần đây, xảy ra các vụ nổ súng, thanh toán lẫn nhau tại một số khu vực ở miền Trung - Tây Nguyên. Từ va chạm, xô xát nhỏ đến tranh chấp trong giới 'làm ăn' của côn đồ hay cán bộ kiểm lâm chặn bắt gỗ lậu đều bị các đối tượng tìm cách cố sát, trả thù...

Công an Kon Tum khám nghiệm hiện trường một vụ nổ súng. Ảnh: Tùng Phương (PC45, Kon Tum)

Trước hiện tượng này, cơ quan chức năng đã đưa ra những động thái siết chặt, ngăn ngừa.

Thu giữ nhiều vũ khí

Gia Lai và Kon Tum là 2 địa phương gần đây nổi lên với các vụ nổ súng. Tại Gia Lai ngày 15.8, Nguyễn Đình Nghĩa (SN 1991), Hồ Thanh Giang (SN 1998), Nguyễn Thành Huy (SN 1990, cùng trú huyện Đắk Đoa) và Nguyễn Đức Tài (SN 1994, trú TP.Pleiku) mâu thuẫn xô xát với Trương Văn Dần (SN 1997, quê Nghệ An). Bị đuổi đánh ngay trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Dần bỏ chạy. Sau đó, đồng bọn của Dần xuất hiện, đi trên xe ôtô bán tải, dùng súng bắn trọng thương Nghĩa, Hồ Thanh Giang cùng em gái Nghĩa là Nguyễn Nhật Quỳnh phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.

Đầu tháng 7.2018, súng cũng đã nổ trước Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Gia Lai, khiến 1 nam thanh niên 25 tuổi tử vong.

Tại quán bar WinDow (TP.Kon Tum), một số đối tượng được cho là từ Hải Phòng và Kon Tum lao vào huyết chiến với dao và súng trên tay. Sau ít phút, 2 đối tượng Hà Tất Thắng (SN 1992, Hải Phòng) và Vũ Văn Hà (SN 1987, Hải Dương) tử vong cùng 3 nạn nhân khác bị thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Nguyên nhân đậm chất “xã hội đen” khi băng nhóm người tỉnh Kon Tum không muốn các đối tượng du côn tỉnh khác vào lãnh địa tranh phần “làm ăn”. Bộ Công an sau đó phải vào cuộc điều tra, truy bắt.

Theo cơ quan chức năng, chỉ 3 tháng, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk thu hồi 59 khẩu súng các loại, 14 viên đạn K56, 5 nòng súng tự chế cùng 3 mã tấu, bình xịt hơi cay ở các xã khu vực biên giới.

Phòng An ninh Điều tra (PA92, CA Gia Lai) đã phải xúc tiến, phối hợp với CA các huyện, thị lên phương án điều tra, làm rõ 450 đối tượng tham gia mua bán súng cũng như đã thu giữ hàng chục khẩu súng và gần 500 linh kiện để lắp ráp súng tự chế.

Kết hợp nhiều biện pháp

Côn đồ manh động, có dấu hiệu nhờn luật, thách thức cả cơ quan công quyền. Mới nhất, ngày 25.8 tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), Phan Văn Mỵ và đồng bọn dùng đá ném vào xe tuần tra của nhóm cán bộ gồm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh Đặng Bá Quang cùng 2 kiểm lâm viên Thái Thanh Tường, Hà Thanh Bằng đang đi tuần, chặn bắt gỗ lậu. Anh Bằng bị lâm tặc làm gãy 1 ngón tay bàn tay phải.

Những minh chứng cụ thể trên, rõ ràng bao hàm cả tội phạm hình sự và tội phạm kinh tế (mua bán cát, gỗ), hễ bị xâm phạm lợi ích là vác súng thanh toán lẫn nhau.

Trả lời PV Báo Lao Động, lãnh đạo CA tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân sâu xa là ảnh hưởng và tác động của mạng xã hội. Đó là, phát tán các hình ảnh bạo lực trong và ngoài nước; thứ 2, cũng chính mạng xã hội chia sẻ cách chế tạo và mua bán vũ khí, thẩm lậu từ Trung Quốc về, dẫn đến tình trạng gia tăng tình trạng sử dụng vũ khí ngoài xã hội; thứ 3, nhiều vụ việc xảy ra (đâm chém, giết người) ảnh hưởng từ việc dùng chất kích thích, nhất là ma túy. “Không riêng gì công an mà các cơ quan, ban, ngành đã vào cuộc rất nhiều, rất mạnh nhưng rất khó ngăn phòng ngừa ở thời điểm mâu thuẫn bộc phát. Ví dụ, đang ngồi, phát sinh mâu thuẫn thì làm sao biết trước hôm nay người ta đi uống rượu giết người”- vị cán bộ này nói. “Công an chỉ phòng ngừa nghiệp vụ được với các đối tượng có trong danh sách tiền án, tiền sự. Còn đối tượng tự phát, thì công an không thể biết trước mà phòng ngừa được, do vậy, đòi hỏi cả hệ thống các ban, ngành từ việc giáo dục ý thức pháp luật, quản lý chặt các đối tượng nghiện, tâm thần. Công tác phòng ngừa là của toàn dân và phòng ngừa cả tất cả các loại tội phạm,”- lãnh đạo CA Gia Lai nhấn mạnh.

Tại Kon Tum, thượng tá Lã Văn Lập - Phó Trưởng phòng phụ trách Cảnh sát Hình sự (PC 45, CA Kon Tum) - cho biết: “Góc độ ngành, công an luôn có giải pháp phòng ngừa tội phạm, cụ thể, phòng ngừa xã hội là tuyên truyền; còn phòng ngừa nghiệp vụ là lực lượng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kín, chuyên ngành riêng (không thể tiết lộ) để hạn chế mức thấp nhất vấn đề tội phạm xảy ra trên địa bàn.

Theo Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - Trưởng CA TP.Quy Nhơn (Bình Định)- muốn trấn áp tội phạm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Lực lượng công an với vai trò nòng cốt, tham mưu quan trọng nhất là nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể mà đặc biệt là quần chúng nhân dân. “Làm được điều đó, CA phải thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, biết đương đầu với thử thách, tội phạm. Ngoài ra, triển khai mạnh và tốt các biện pháp nghiệp vụ riêng và chung mà điều luật công an nhân dân đã quy định (7 biện pháp gồm, biện pháp pháp luật, quần chúng, vũ trang, nghiệp vụ, đối ngoại...). Tất cả phải kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, không nặng về điều tra, không nặng về hành chính mà phải hài hòa tất cả các biện pháp... Với phương châm là phục vụ cho lợi ích của tổ chức và công dân,”- Trưởng CA TP.Quy Nhơn nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/mien-trung-tay-nguyen-ngan-chan-nan-su-dung-vu-khi-hung-khi-627801.ldo