Miền Trung, Tây Nguyên vượt qua những 'cơn đau'

Miền Trung, chiếc đòn gánh và là mắt xích nối dài hai đầu đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Dĩ nhiên, không có sự đổi thay nào không để lại những cơn đau.

Đà Nẵng lao đao với các vụ kiện

Đà Nẵng vừa trải qua một năm đầy sóng gió với hàng loạt vụ tranh chấp, kiện tụng liên quan đến doanh nghiệp. Mới nhất Tập đoàn Mường Thanh vừa đệ đơn lên tòa, khởi kiện ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố này.

Trước đó là vụ Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại 400 tỷ đồng vì các quyết định của UBND TP Đà Nẵng liên quan đến việc buộc Công ty ngừng hoạt động sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ngoài ra còn có vụ việc Công ty Hòn Ngọc Á Châu khởi kiện UBNDTP Đà Nẵng vì bị thu hồi đất của dự án Khu du lịch ven biển.

Nhưng đình đám nhất có lẽ là ngang trái tại Công ty cổ phần Vipico khi bị hủy Quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng bất động sản đối với khu đất “vàng” trị giá 625 tỷ đồng.

Cuối cùng, Vipico đã thắng kiện UBND TP Đà Nẵng khi tòa tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật!

Bình luận về các vụ kiện nói trên, nhiều chuyên gia cùng có chung quan điểm khi cho rằng, ra tòa sẽ tạo ra tiền lệ xử lý mắc mớ giữa doanh nghiệp và chính quyền trên nền tảng luật pháp.

Đồng thời, những vụ kiện như vậy vừa có lợi cho chính quyền vừa là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển nền hành chính và tư pháp tân tiến, minh bạch.

Nghệ An “vỡ trận” quy hoạch chung cư cao tầng

Qua số liệu thống kê từ UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, toàn tỉnh có 72 chung cư cao tầng với diện tích 840.775m2 sàn, cung cấp 8.073 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 32 nghìn người.

Đáng nói, trong quá trình thanh kiểm tra đã phát hiện 64/72 tòa chung cư tồn tại dai dẳng sai phạm thời gian dài khiến cư dân phải sống trong cảnh nơm nớp, bất an.

Trong đó, việc thiếu hạ tầng PCCC, chậm cấp sổ hồng, bớt xén không gian cây xanh, sinh hoạt cộng đồng… đang là vấn đề nhức nhối tại các dự án xây dựng chung cư ở Nghệ An.

Các dự án chung này cơ bản đã đưa vào sử dụng nhưng không hiểu vì sao nhiều tồn tại vẫn chưa được khắc phục!

Việc phát triển chung cư cao tầng ồ ạt với mật độ ken dày ở các vũng lõi đô thị Vinh cũng khiến hạ tầng kỹ thuật không thể “gánh” nổi đã phát sinh nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập lụt cục bộ kéo dài…

“An cư lạc nghiệp“, câu thành ngữ đã được đúc kết qua nhiều đời với ngụ ý phải ổn định chỗ ở trước rồi mới có thể chuyên tâm làm ăn, lập nghiệp. Đây là những đòi hỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp với chính quyền Nghệ An.

Trăn trở cùng nông dân Tây Nguyên

Theo chu kỳ cứ khoảng 10 năm nông nghiệp Tây Nguyên lại rơi vào thảm cảnh khủng hoảng về giá và sự chắt bóp, tích lũy của người nông dân chỉ cần một “cơn bão giá” quét qua lại chao đảo, nợ nần phá sản.

Chỉ cần nhìn vào hàng chục nghìn hecta hồ tiêu của các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai nhiễm bệnh và chết trụi khiến nông dân trắng tay, điêu đứng vì những khoản nợ tiền tỷ.

Hồ tiêu một thời gian được ví như “vàng đen” của nông dân khu vực Tây Nguyên vì có giá trị kinh tế rất cao.

Do hiệu quả kinh tế vượt trội so với các cây trồng khác nên nông dân ồ ạt trồng hồ tiêu bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhà khoa học.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hồ tiêu xuống thấp, cùng với việc tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh nợ nần, phá sản và ly hương.

Tây Nguyên vốn có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cà phê, cao su...

Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu cùng sự thiếu chủ động thích ứng khiến các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, điều, các loại cây ăn quả... phát triển thiếu bền vững.

Thực tế trên đòi hỏi chính quyền địa phương, các sở, ngành cần phải làm tốt công tác dự báo, đồng thời hỗ trợ người dân thay đổi cách thức sản xuất, tìm hướng đi phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quảng Nam “lỗi hẹn” ngân sách

Năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt với du lịch Quảng Nam với nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Quảng Nam đã đón vị khách Quốc tế thứ 4,6 triệu khép lại một năm bội thu ngành du lịch và mở đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh trong năm 2020 nhằm quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, con người và đất nước Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thu ngân sách có thể thấy, đây là một năm đầy khó khăn với Quảng Nam. Mặc dù không đối mặt với thiên tai bão lũ, nhưng hụt thu ngân sách gây ảnh hưởng đến đầu tư phát triển của tỉnh nhà.

Cục trưởng Cục Thuế, Ngô Bốn cho biết “ngành thuế dù đã nỗ lực hết sức, nhưng trước những lý do bất khả kháng, nên thu ngân sách năm 2019 đã không thể đạt dự toán”.

Nguyên nhân là do cạnh tranh khốc liệt khiến số thu từ công nghiệp ô tô không thể đạt kế hoạch. Chỉ có 3 sắc thuế vượt dự toán đó là thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, những khoản thu vượt dự toán này lại quá nhỏ, không thể bù đắp được sự thiếu hụt của ngân sách năm 2019.

Bộ Tài chính và HĐND tỉnh đã ấn định dự toán thu nội địa năm 2019 là 18.544 tỷ đồng.

Sau nhiều phân tích các yếu tố kinh tế, chính sách tác động, kể cả thảo luận, đánh giá kết quả thu với các địa phương, Cục Thuế ước tổng thu ngân sách năm 2019 chỉ khoảng 18.168 tỷ đồng, đạt 98% dự toán và chỉ bằng 94,9% năm ngoái.

Bước chạy đà hoàn hảo của Quảng Trị

Năm nay, Quảng Trị vừa kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh, một mục tiêu rất lớn được đặt ra đó là khởi công 30 công trình kinh tế với tổng nguồn vốn 111.118 tỷ đồng.

Đến nay đã có 22 công trình động thổ trên 90.000 tỷ đồng. Trong đó cụm nhà máy nhiệt điện, cảng nước sâu quốc tế thuộc khu kinh tế Đông - Nam, điện gió...là những “đại côn trình” hứa hẹn đủ sức giúp Quảng Trị vươn mình trong tương lai gần.

Năm 2019 Quảng Trị cũng đón những dòng vốn ngoại quốc rất tiềm năng, hiện có 15 dự án FDI trên 66 triệu USD.

Cũng nhờ cách làm khác, mà nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính “kêu gọi, xúc tiến một cách chủ động, tổ chức đoàn, kết hợp ra nước ngoài mời gọi nhà đầu tư quốc tế về địa phương”.

Trái ngược với không khí sôi động của công nghiệp, Quảng Trị có 2.900 lao động xuất khẩu, cao nhất từ trước tới nay.

Đây là điều đáng lo hơn mừng. Bởi bài toán lao động tại chổ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa vẫn rất khó giải quyết. Liệu con em địa phương có trở thành chủ thể lao động trong những nhà máy hoành tráng ấy?

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là tham chiếu để đo lường thái độ của chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2018, Quảng Trị về đích ở vị trí 53/63 tỉnh thành toàn quốc.

Một vị trí nói lên nhiệm vụ cấp bách cải cách triệt để cách thức vận hành của hệ thống hành chính tạo ra môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp.

Nhóm phóng viên miền Trung

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/mien-trung-tay-nguyen-vuot-qua-nhung-con-dau-164331.html