Miền Trung trong cơn khát nước!

Lúa chết khô, hồ chứa khô cạn và mặn xâm nhập sâu vào các tuyến sông, thủy điện không có nước để phát điện … thực trạng đó đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân miền Trung nhiều tháng qua.

Đồng khô, lúa cháy!

Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Nam dùng từ “lịch sử” để miêu tả về đợt hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua. Nắng hạn kéo dài đã khiến cho nước của nhiều hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giảm mạnh. Trong khi đó, mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn với nồng độ rất cao làm hàng loạt trạm bơm phải ngưng hoạt động. Do vậy, hơn 4.000ha lúa của vụ hè thu 2019 ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An đứng trước nguy cơ mất trắng.

“Những ngày qua trên địa bàn tỉnh có những cơn mưa lớn nên đã giải cứu phần lớn diện tích ruộng lúa bị khô hạn. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất nông nghiệp khác ở các huyện miền núi thì xem như mất trắng. Nắng hạn khiến nước mặn xâm nhập rất sâu vào hệ thống sông Thu Bồn, nhiều ngày đã ghi nhận độ mặn ở mức lịch sử”, ông Trung thông tin.

Rừng keo chết khô vì nắng hạn ở Quảng Ngãi.

Rừng keo chết khô vì nắng hạn ở Quảng Ngãi.

Không riêng Quảng Nam, những tỉnh miền Trung khác đều trải qua một mùa nắng hạn khốc liệt. Tại Phú Yên, vụ hè thu năm 2019 ngành Nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng 24.523 hecta. Tuy nhiên qua thống kê của các địa phương, đến tháng 7/2019 đã có hơn 4.000 hecta diện tích bị khô hạn, trong đó có nhiều diện tích nguy cơ mất trắng. Nắng hạn khiến cho những hồ chứa và sông suối trên địa bàn tỉnh Phú Yên khô cạn, dù tỉnh yêu cầu phải tăng cường các máy bơm điện, bơm dầu để phục vụ nhu cầu tưới lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Phú Yên chỉ đảm bảo tưới chỉ khoảng 3.196 hecta, số diện tích nông nghiệp còn lại thì lực bất tòng tâm.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, tổng diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước ở khu vực Bắc Trung Bộ là 19.180ha; trong đó tỉnh Nghệ An có 12.387 ha; tỉnh Quảng Bình cũng có tới 2.390 ha bị hạn hán, thiếu nước; tỉnh tỉnh Bình Định cũng có khoảng 2.029 ha lúa diện tích đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán; tỉnh Quảng Trị có 1017 ha diện tích vụ hè thu thiếu nước, trong khi đó Hà Tĩnh 730 ha và Thừa Thiên-Huế 300 ha ... Thời gian qua, dù các tỉnh miền Trung xuất hiện những cơn mưa, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để cứu những diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi nắng hạn.

Nỗi lo thiếu nước

Nắng hạn kéo dài, khiến người dân các tỉnh miền Trung lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Thực trạng thiếu nước sinh hoạt được ghi nhận ở nhiều nơi, từ các khu vực huyện Núi Thành và đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), đến khu vực đảo Bé (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)... Thời gian qua, hơn 100 hộ dân ở đảo Bé, phải bỏ tiền để mua nước sử dụng, trong khi giá nước khi chuyển từ đảo Lớn qua đảo Bé giao động từ 220.000 đồng đến 260.000 đồng/khối.

Trong khi đó, cư dân ở đô thị Đà Nẵng cũng thường trực nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, khi mà các hồ chứa thủy điện, nguồn cung cấp nước chính cho các nhà máy sản xuất nước Đà Nẵng liên tục ở dưới mực nước chết. Thiếu nước từ thượng nguồn, khiến nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn. Trên sông Thu Bồn, có thời điểm ghi nhận mặn đã lên đến 7‰ đoạn trên sông Vĩnh Điện ... Không có mưa nên lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trên địa bàn Quảng Nam rất thấp, cụ thể hồ thủy điện Sông Bung 2 thấp hơn 2,94m; hồ Sông Tranh 2 thấp hơn 9,32m; các hồ thủy điện của các đơn vị ngoài EVN cũng trong tình trạng tương tự, hồ Sông Tranh 3 thấp hơn 103,57m; hồ Đăk Mi 3 thấp hơn 3m; hồ Đăk Mi 4A thấp hơn 2m.

Nhiều diện tích lúa ở Quảng Nam thiếu nước tưới do sông nhiễm mặn.

Hiện hồ thủy điện Sông Bung 4 đã vận hành về mực nước chết trước 26 ngày so với quy định, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho Đà Nẵng do sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng là rất lớn. Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng lo lắng: “Chúng tôi đề nghị hồ thủy điện Đak Mi 4 vận hành liên tục cống xả sâu để xả nước về sông Vu Gia để bù lại một phần lưu lượng của hồ thủy điện Sông Bung 4 (25m3/s). Có như vậy, mới duy trì đều đặn nước từ thượng nguồn xả về, để sông Cầu Đỏ giảm mặn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân thành phố”.

Tuy nhiên, nhiều thủy điện ở Quảng Nam có muốn phát nước về hạ du cũng không được, khi lượng nước về hồ chứa giảm mạnh so với mọi năm, nhiều hồ đã xuống đến mực nước chết. Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh cho biết, lưu lương nước về hồ chứa thủy điện sông Tranh thiếu 170 triệu m3 so với trung bình nhiều năm. “Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành của thủy điện, cũng như cấp nước về cho hạ du”, ông Toàn nói.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, tồn tại nhiều bất cập trong Quy trình vận hành liên liên hồ chứa trên sông Vu Gia – Thu Bồn, nên các thủy điện không giúp được nhiều trong việc xả nước đẩy mặn ở hạ lưu. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trí Thanh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đã có một số kiến nghị gởi Bộ Tài nguyên và Môi trường để sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Vu Gia – Thu Bồn và, hiện Bộ đang dự thảo lần cuối cùng trong năm 2019 này để tham mưu Chính phủ ban hành quy định mới, để thực hiện vào năm 2020.

Không riêng gì Quảng Nam, các thủy điện khác ở miền Trung cũng đang trong tình cảnh khủng hoảng về nguồn nước, nên việc phát điện và xả nước về hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Phú Yên, 5 tháng đầu năm 2019, do thời tiết nắng hạn, sản lượng điện thấp nên số nộp ngân sách của các doanh nghiệp thủy điện giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ nộp giảm 17,4 tỉ đồng, Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh giảm hơn 4,1 tỉ đồng, Chi nhánh Công ty CP Sông Ba - Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng nộp giảm hơn 5,7 tỉ đồng…

Có thể thấy, nắng hạn kéo dài ở miền Trung không chỉ khiến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khó khăn, mà sản lượng điện giảm sút. Chưa lúc nào các tỉnh miền Trung lại khát nước như lúc này!.

Hoàng Anh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mien-trung-trong-con-khat-nuoc-d105234.html