Miếu Bà ở Đà Nẵng, gạch nối văn hóa Chăm - Việt

Các làng xã ở miền Trung Việt Nam trước đây thường có các ngôi Miếu Bà, tọa lạc riêng lẻ hoặc ở cạnh ngôi đình làng, chùa làng. Ở Miếu Bà, người dân thờ các vị nữ thần, có khi là năm vị Ngũ Hành Tiên nương, có khi là bà Chúa Ngọc (Thiên Y A Na), có khi là bà Bô Bô, hoặc là thờ chung nhiều vị thần. Có thể thấy tính chất dung hợp, pha trộn không chỉ ở danh tính các vị thần được thờ mà cả ở trang phục của các tượng thờ cùng với các vật thờ cúng trưng bày ở không gian miếu thờ.

Tượng thờ tại Miếu Bà Quá Giáng, phần đầu và bệ ngồi là tượng Chăm xưa được phủ sơn mới. Ảnh: V.V.T

Một số Miếu Bà còn tồn tại ở thành phố Đà Nẵng minh chứng cho sự dung hợp văn hóa của vùng đất, đáng chú ý là Miếu Bà Nam Ô, Miếu Bà Khuê Trung và Miếu Bà Quá Giáng. Miếu Bà Nam Ô còn gọi là Miếu Bà Bô Bô, ở khối phố 3, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liêu Chiểu. Nơi đây có bài vị thờ thần Thiên Y A Na, là tên gọi theo chữ Hán của Yang Po Inư Nagar (thần Mẹ xứ sở) của người Chăm; đồng thời có bài vị thờ thần Bô Bô, cũng là tên gọi tắt của cư dân Đại Việt dành cho vị thần Po Inư Nagar.

Miếu Bà Khuê Trung, ở đường Bình Hòa 8, phường Khuê Trung, quận Hải Châu. Ở bàn thờ phía trước có bài vị thờ Ngũ Hành Tiên Nương (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), bên trong có đặt các tượng thờ vốn là các tượng thần bằng đá sa thạch của cư dân Chăm, được cư dân Đại Việt thu thập tu bổ và mặc trang phục theo phong cách Đại Việt. Hai bên bàn thờ có cả chiếc gùi đan bằng tre, tiêu biểu cho hình ảnh cư dân thiểu số sống bằng nghề nương rẫy lẫn các loại binh đao, tiêu biểu cho hình ảnh các vị tướng trong văn hóa Đại Việt.

Miếu Bà Quá Giáng, ở thôn Quá Giáng 2, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Nơi đây có thờ 3 pho tượng nguyên gốc là các tượng thờ của cư dân Chăm, được tu bổ và phủ lên lớp sơn mới theo kiểu văn hóa Đại Việt. Nguyên tại khu vực cạnh Miếu Bà Quá Giáng, vào đầu thế kỷ XX, những nhà khảo cổ người Pháp đã ghi nhận dấu tích các ngôi đền tháp Chămpa. Nhiều hiện vật trang trí tháp và các tượng thờ đã được thu thập, hiện nay đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Cuộc khai quật năm 2016 do Bảo tàng Điêu khắc Chăm tiến hành đã phát hiện cạnh Miếu Bà Quá Giáng các nền móng kiến trúc tháp Chăm cùng nhiều hiện vật.

Vào mùa xuân, người dân địa phương làng Quá Giáng tổ chức lễ cúng cầu an ở Miếu Bà. Đặc biệt, ở Miếu Bà Quá Giáng hằng năm còn có những đoàn hành hương của cư dân Chăm từ tỉnh Ninh Thuận đến cúng Bà với các loại lễ vật và nghi thức múa lễ của đồng bào Chăm. Ông Đinh Viết Thành, Trưởng làng Quá Giáng, cho biết, hiện nay dân làng có nguyện vọng di tích Miếu Bà được thành phố xếp hạng để ghi dấu một địa điểm có ý nghĩa lịch sử và văn hóa của địa phương. Đây là ý tưởng nhằm bảo tồn một hình ảnh trực quan về dòng chảy văn hóa và sự dung hợp tín ngưỡng trong lịch sử lâu dài của vùng đất Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.

VÕ VĂN THẮNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202304/mieu-ba-o-da-nang-gach-noi-van-hoa-cham-viet-3943849/