'Miếu Gàn' - Tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp

Miếu Gàn có tên chữ là Xá Can từ, ngôi miếu nhỏ trên phố Linh Đường (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) thờ phụng một vị thần linh thiêng của vùng sông nước, gắn với câu chuyện về tình thầy trò cảm động cả ngàn năm.

Quang cảnh điện thờ miếu Gàn

Cụ Nguyễn Duy Xây - thủ từ miếu Gàn cho hay, truyền thuyết kể lại rằng, sau khi dâng “thất trảm sớ” đề nghị chém đầu bảy tên nịnh thần mà vua nhà Trần không nghe, “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292-1370) cáo quan về mở trường dạy học ở quê nhà (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Học trò bốn phương kéo đến rất đông, trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng nhưng không rõ tông tích ở đâu.

Thầy cho trò lần tìm mới hay học trò đó học xong thường đi đến khu đầm Lâm Đàm (khu đầm lớn hình vành khuyên, nay là hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) thì biến mất, thầy Chu Văn An biết đó là thủy thần con vua Thủy Tề lên học.

Cụ Nguyễn Duy Xây - thủ từ miếu Gàn

Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa mùa nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm ấy, sau buổi học, thầy Chu hỏi học sinh ai có cách gì giúp dân vượt qua thiên tai khắc ngiệt. Trước lời khẩn thiết của thầy, thủy thần thưa với thầy Chu: “Con biết là trái lệnh thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa”. Sau đó, thủy thần lấy hai nghiên mực đen, một nghiên mực đỏ và bút lông, đem ra giữa sân, mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút mực, vẩy lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, đổ xuống một trận mưa rất to. Trong khi trời mưa thì có tiếng sét vang động một góc trời. Những cánh đồng đã no nước, lúa khắp vùng được cứu sống.

Sáng sớm hôm sau, người ta thấy thân một con thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên mặt đầm Lâm Đàm. Được tin này, thầy Chu Văn An biết đó là người học trò thủy thần của mình đã hy sinh, làm mưa giúp dân theo ý nguyện của thầy. Vô cùng thương tiếc, thầy đã cùng dân làng quanh đầm vớt xác thuồng luồng, làm lễ an táng chu đáo như đối với một ân nhân.

Để tỏ lòng nhớ công ơn của thủy thần, nhân dân 7 làng quanh vùng đã tôn thủy thần làm Thành hoàng, lập đền thờ. Đó là các làng Bằng Liệt, Tứ Kỳ, Pháp Vân, Linh Đường (nay thuộc phường Hoàng Liệt), làng Đại Từ (phường Đại Kim) của quận Hoàng Mai và các làng Tựu Liệt (xã Tam Hiệp), Lê Xá (xã Hữu Hòa) của huyện Thanh Trì. Nơi thờ chính đặt ở miếu Gàn, làng Bằng Liệt. Miếu này có tên chữ là Xá Can từ.

Từ khi có ngôi miếu Gàn, các triều đại phong kiến liên tiếp đều ban đạo sắc cho dân thờ và phong là thượng đẳng thần Bảo Ninh Vương. Miếu tuy không thật lớn nhưng bên trong có nhiều mảng chạm khắc đẹp mang dấu ấn của nghệ thuật các thời Lê-Nguyễn. Miếu có kiến trúc kiểu chữ “công”. Nhà tiền tế có ba gian, hai chái, cửa bức bàn. Mái lợp ngói ta, trang trí nghê và hổ phù. Vì kèo kiểu chồng rường giá chiêng, chạm lộng đầu rồng ngậm ngọc, râu xoán mắt lồi, bờm đao mác, vân mây… và tứ linh (long, ly, quy, phượng). Nhà ống muống có hai gian, hậu cung có hai gian song song với nhà tiền tế. Trên bệ cao của hậu cung có bài vị long ngai của thần.

Tam quan miếu Gàn

Bia đá cổ tại miếu Gàn

Mặc dù bị thời gian, thiên tai cũng như chiến tranh tàn phá nhưng miếu Gàn vẫn còn lại là một kiến trúc đẹp và còn giữ lại được một số hiện vật cổ như chiếc nhang án gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hổ phù, tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, rồng ổ, rồng uốn khúc, rồng cuốn thủy, vân mây hoa lá thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê; bộ long ngai bài vị, 2 bát hương bằng đá, 5 bức hoành phi, 10 câu đối bằng gỗ... từ thế kỷ XIX.

Một trong những di vật có giá trị nhất của miếu Gàn là tấm bia đá có tên “Thanh Bằng thịnh sự bi” dựng năm Cảnh Hưng 45 (1748) chứng minh cho tục thờ phụng và coi học trò thầy Chu Văn An - thư sinh Bảo Ninh Vương là Thủy thần giúp dân chống hạn.

Năm 1993, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng miếu Gàn là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Ngày nay, cứ đến tháng 8 âm lịch, người dân quanh hồ Linh Đàm đều tổ chức lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ công đức vị thủy thần vì nghĩa quên thân và để tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mieu-gan-ton-vinh-dao-thay-tro-cao-dep-570956.html