'MiG-21 đời cao' của Trung Quốc thu hút khách hàng quốc tế

Trong khi MiG-21 cùng các phiên bản hiện đại hóa của nó đã bị Liên Xô và Nga ngừng sản xuất từ lâu thì thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng Trung Quốc vẫn rất thành công trong việc khai thác nền tảng này.

JL-9 hay còn được biết đến dưới cái tên FTC-2000 Mountain Eagle (Shanying) là sản phẩm do Tập đoàn công nghiệp hàng không Guizhou sản xuất cho Không quân Trung Quốc và hướng đến thị trường xuất khẩu.

JL-9 được coi là một chiếc máy bay huấn luyện siêu âm hai chỗ ngồi tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay, nó sở hữu nhiều tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ ưu việt.

Có một điểm cần lưu ý đó là chiếc JL-9/FTC-2000 được thiết kế lại dựa trên khung thân máy bay huấn luyện JJ-7, trong khi JJ-7 thực chất là phiên bản MiG-21U do Liên Xô chế tạo, cho nên JL-9 được coi là "MiG-21 đời cao".

Có thể dễ dàng nhận thấy ngoại trừ phần mũi được thiết kế lại để tích hợp radar cùng các thiết bị điện tử hàng không thì phần thân, cánh, càng đáp của chiếc JL-9 vẫn mang "đậm chất MiG-21".

Ngoài phiên bản thông dụng JL-9, Trung Quốc còn chế tạo cả biến thể máy bay huấn luyện phi công tiêm kích hạm mang tên JL-9G và mới đây họ đã chính thức ra mắt biến thể xuất khẩu của nó là FTC-2000G.

Thông số kích thước của FTC-2000G chưa được công bố rõ ràng, chỉ biết là nó được trang bị 1 động cơ phản lực Guizhou Liyang WP-13 có buồng đốt nhiên liệu lần 2.

Nhờ kết cấu khí động học khá hợp lý mà chiếc máy bay huấn luyện này có thể đạt tới vận tốc tối đa Mach 1,5 tuy nhiên nó vẫn bị giới hạn tốc độ ở mức 1.100 km/h nhằm tránh cho động cơ bị quá tải.

Các công trình sư Liên Xô từng phát biểu rằng không thể nhét thêm bất cứ thứ gì vào MiG-21 của họ vì các khoang máy bay đều dày đặc linh kiện, nhưng Trung Quốc đã thiết kế lại phần mũi máy bay giúp xóa bỏ giới hạn này.

Chiếc JL-9/FTC-2000 được trang bị một radar dẫn bắn đa năng, có thể mang theo gần 3 tấn vũ khí bao gồm bom dẫn đường, bom rơi tự do, tên lửa chống hạm loại nhỏ và tên lửa đối không tầm ngắn.

Khi đó chiếc JL-9/FTC-2000 còn đảm nhiệm được vai trò của một chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ rất lợi hại nhờ khả năng vận động linh hoạt của mình, thậm chí chẳng thua gì tiêm kích chuyên nghiệp.

So sánh với chiếc Yak-130 của Nga thì JL-9 của Trung Quốc có ưu thế lớn ở vận tốc tối đa, hệ thống điện tử hàng không cũng tiên tiến hơn và đặc biệt là giá thành rẻ hơn nhiều.

Đích ngắm được Trung Quốc xác định cho phiên bản mới nhất FTC-2000G vẫn là các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đây đều là những khách hàng có ngân sách quốc phòng không lấy gì làm dư dả.

Ngay sau khi được giới thiệu, chiếc FTC-2000G đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều quốc gia có lịch sử tin dùng vũ khí Trung Quốc từ trước tới nay, dự báo tương lai của nó khá xán lạn.

Ngay trong Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc, phiên bản nội địa JL-9/JL-9G đang từng bước thay thế hoàn toàn JJ-7 để trở thành máy bay huấn luyện tiêu chuẩn của nước này.

Sự xuất hiện của các biến thể JL-9/FTC-2000 được dự báo sẽ khiến cho nhiều chủng loại máy bay huấn luyện khác như Yak-130 của Nga, L-159 của Cộng hòa Czech hay T-50 Golden Eagle do Hàn Quốc chế tạo sẽ phải chịu cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-mig21-doi-cao-cua-trung-quoc-thu-hut-khach-hang-quoc-te/782726.antd