MiG-35 xuất hiện tại MAKS 2019 với diện mạo mới, liệu có thoát tình trạng ế ẩm?

Như đã thành thông lệ, cứ tới mỗi dịp triển lãm quân sự quốc tế trên sân nhà là Nga lại mang tiêm kích đa năng MiG-35 tới trình diễn nhằm tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu đầu tiên.

Tập đoàn MiG mới đây đã mang tới khu trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019 một nguyên mẫu tiêm kích đa năng MiG-35 với màu sơn rất lạ mắt.

Máy bay còn mang theo dàn vũ khí chuyên về đối không rất mạnh, với tên lửa không chiến trong tầm nhìn R-73 đi kèm tên lửa ngoài tầm nhìn R-77.

Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2007, đã từng được mang đi chào hàng ở khắp nơi trên thế giới nhưng thật đáng ngạc nhiên là tới gần đây công việc phát triển MiG-35 vẫn chưa thực sự kết thúc.

Chính vì bị nhận xét là một sản phẩm "đẻ non" mà MiG-35 chưa tìm được bất cứ hợp đồng xuất khẩu nào, bên cạnh đó tính năng kỹ chiến thuật của MiG-35 cũng chưa có gì nổi trội so với dòng Su-30.

Để tăng lòng tin cho khách hàng quốc tế, tại triển lãm quân sự Army 2018, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng với tổ hợp chế tạo máy bay MiG để sản xuất lô 6 tiêm kích MiG-35 đầu tiên cho không quân nước này.

Đến giữa năm nay, truyền thông Nga đã tiết lộ hình ảnh về máy bay chiến đấu MiG-35 đầu tiên được sản xuất hàng loạt nằm trong dây chuyền lắp ráp của công ty chế tạo máy bay MiG ở ngoại ô thủ đô Moskva.

Tưởng như đây sẽ là dấu hiệu tốt cho những hợp đồng tiếp theo dành cho MiG-35 đến từ chính không quân Nga lẫn các khách hàng quốc tế nhưng đáng tiếc là số lượng chế tạo sẽ vẫn chỉ dừng lại ở con số 6 chiếc mà thôi.

Tình trạng trên được giải thích là do màn thể hiện quá xuất sắc của các dòng tiêm kích hạng nặng Su-30SM và Su-35S đã khiến cho cơ hội dành đối với MiG-35 trong không quân Nga gần như đã bị đóng lại

Thất bại nặng nề nhất của MiG-35 là tại Ấn Độ khi quốc gia Nam Á này yêu cầu một tiêm kích đa năng hạng nhẹ sở hữu các đặc tính chiến đấu thực sự nổi trội.

Trong khi đó với trọng lượng cất cánh tối đa gần bằng F-15C thì MiG-35 thực chất đã là một tiêm kích hạng nặng, trong khi thua kém cả về tầm bay lẫn tải trọng vũ khí.

Sự kiện đáng tiếc không kém xảy ra tại Ai Cập, khi ban đầu quốc gia Bắc Phi này đã có ý định đặt mua MiG-35 nhưng rồi sau một thời gian cân nhắc họ lại quyết định lựa chọn phiên bản MiG-29M2 đơn giản và rẻ tiền hơn.

Một lý do khác cũng cực kỳ quan trọng khiến cho khách hàng tương lai vẫn ngại ngần đặt mua MiG-35 chính là vì nó chưa hoàn thành đầy đủ các bài kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt, dĩ nhiên chẳng ai muốn mình sẽ trở thành vật thí nghiệm.

Giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo máy bay MiG, ông Ilya Tarasenko mới đây đã cho biết dự kiến đến cuối năm 2019 thì các bài thử nghiệm dành cho MiG-35 mới thực sự hoàn tất.

Kể cả đến khi đó, nếu mọi việc thuận lợi thì năng lực của nhà máy cũng chỉ mới có thể đáp ứng được vỏn vẹn 36 đơn hàng mỗi năm, con số này rõ ràng quá nhỏ bé.

Như vậy nếu mọi việc diễn biến tốt đẹp thì có lẽ phải sau năm 2020 thì may ra MiG-35 mới có thêm những hợp đồng mới, số lượng dự kiến cũng sẽ không quá nhiều vì năng lực sản xuất của nhà máy là có hạn.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-mig35-xuat-hien-tai-maks-2019-voi-dien-mao-moi-lieu-co-thoat-tinh-trang-e-am/823131.antd