Minh bạch BOT để thấy rõ sự hài hòa lợi ích

Theo một số chuyên gia, BOT ở Việt Nam được thực hiện có sự biến tướng và thiếu minh bạch ở nhiều khâu, một trong số đó là việc thiếu minh bạch khi có những quy định bảo mật hợp đồng dự án BOT được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư. Sự bảo mật này đã làm cho cộng đồng, người dân không giám sát được dẫn đến những bức xúc, bất cập phát sinh.

Việc không qua đấu thầu khi thực hiện BOT là một rủi ro rất lớn. Ảnh: Tường Lâm

Điều khoản mật trong hợp đồng BOT

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thì những bất cập về BOT đã được nói đến quá nhiều. Song, khi cầm trên tay Hợp đồng BOT của một dự án của ngành giao thông, ông Liên vẫn phải bức xúc dẫn chứng về một bất cập mà theo ông là trái với quy định của Nhà nước.

Cụ thể, tại Điều 76.6 của Hợp đồng BOT mà ông Liên có trong tay được ký giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các nhà đầu tư có nội dung bảo mật “nghĩa vụ chung của các bên tham gia hợp đồng không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào ngoại trừ nhân viên và cố vấn của bên đó hoặc Bộ GTVT, bên cho vay, trong phạm vi cá nhân hoặc tổ chức đó cần thiết phải yêu cầu được biết các thông tin đó để thực hiện nhiệm vụ. Không sử dụng thông tin đã tiếp cận cho mục đích nào ngoài khác thực hiện hợp đồng. Theo hợp đồng này các thông tin bảo mật về pháp lý, tài chính, thương mại, kỹ thuật, công nghệ và các thông tin khác trực tiếp tới gián tiếp liên quan tới nội dung hợp đồng hoặc dự án trong hợp đồng này”.

Khẳng định điều này là trái với quy định của nhà nước, ông Liên bức xúc và nhấn mạnh: “Đã là hợp đồng kinh tế sao lại là bí mật, như vậy nó ngược với Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về phản biện xã hội. Tức là không cho ai biết thì làm thế nào người ta giám sát được. Cho nên chúng tôi cho rằng đây là nguồn gốc của những bất cập, sự phát sinh từ đó.”

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Nam Cường, nguyên Vụ trưởng, Tổng lãnh sự VN tại Lào tại Savannakhet chỉ ra một trong những bất cập của BOT đến từ việc công khai, minh bạch trong kêu gọi đầu tư. Ông Cường cho rằng, từ việc đề xuất đầu tư, chủ trương đầu tư, lập dự toán không ai giám sát, không ai biết, đến khâu thẩm định dự toán ra sao, quyết định giữa chính quyền và nhà dầu tư là thời gian thu phí trong bao lâu, mức thu phí bao nhiêu là không ai biết. “Chính sách này là mảnh đất màu mỡ của nhóm quan hệ thân hữu, vì không có tính công bằng trong kêu gọi đầu tư BOT” – ông Cường nói.

Đấu thầu để “gỡ” mật

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nên coi việc cấp phép cho nhà đầu tư thực hiện dự án BOT như một thứ quyền và theo đó, nếu nhà đầu tư nào đảm bảo được chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất, đảm bảo lợi ích giữa các bên thì mới được cho quyền khai thác. “Phải rẻ hơn những cái mà nhà nước đã làm, đã xây và phải tốt hơn, không có chuyện đắt hơn”.

Và để minh bạch thì theo TS. Dũng chỉ có cách áp đặt chế độ thu bằng tự động để có được số liệu chính xác về lưu lượng xe, phí thu được bao nhiêu lần để xác định thời gian thu phí chính xác.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam cho rằng, để giải quyết sự thiếu minh bạch trong các dự án BOT thì cần minh bạch từ khâu điều tra, lập dự án, công khai hoàn toàn dự án để người dân, các nhà khoa học thẩm tra phản biện để dự án khả thi một cách công minh, chính xác nhất. Ngoài ra, tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, tuyệt đối không được chỉ định thầu. Giao cho một tổ chức đốc lập không có cùng lợi ích với đơn vị thực hiện dự án, các cơ quan chủ quản, quản lý chuyên ngành đẻ lập dự án một cách vô tư minh bạch, kể cả tư vấn nước ngoài.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty TAVIBA nêu quan điểm, thực hiện BOT mà không đấu thầu, không minh bạch thì rất dễ phát sinh tham nhũng và lợi ích nhóm khi chỉ có 1 nhóm người thỏa thuận với nhau về giá thu, thời gian thu để áp cho toàn xã hội thực hiện.

Trong khi đó, nhóm cổ đông có liên quan tới dự án BOT với vai trò là những người chi tiền, khách hàng (người dân và những DN kinh doanh vận tải) đã không được có ý kiến góp ý, phản biện xã hội về các dự án BOT mà họ có liên đới trực tiếp.

Dưới góc độ của nhà phân tích tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có rất nhiều rủi ro cho một dự án BOT nhưng việc không qua đấu thầu khi thực hiện BOT là một rủi ro rất lớn xuất phát từ việc chọn chủ đầu tư và nhà thầu qua chỉ định; chọn chủ đầu tư và nhà thầu thiếu kinh nghiệm và năng lực tài chính; chọn chủ đầu tư và nhà thầu qua quan hệ quen biết, lợi ích nhóm và quyền lợi tài chính; chọn chủ đầu tư và nhà thầu vì áp lực thời gian và áp lực chính sách…

Hải Đăng

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-tu/minh-bach-bot-de-thay-ro-su-hai-hoa-loi-ich-49849.html