Minh bạch chất lượng mía nguyên liệu để đảm bảo công bằng cho nông dân

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường - mới đây đã ủng hộ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thành lập đơn vị xác định chất lượng mía nguyên liệu (chữ đường - CCS) độc lập với các nhà máy đường, nhằm minh bạch việc làm này, thay vì để các nhà máy đường vừa 'đá bóng' vừa 'thổi còi' như trước đây.

CCS có liên quan đến tỷ lệ thu hồi đường từ cây mía nguyên liệu khi chế biến cũng như định giá mua mía của các nhà máy đường. Từ nhiều năm qua, các nhà máy đường là khách hàng mua mía của nông dân, nhưng chính họ lại là người phân tích, đánh giá, ấn định mức độ CCS. Điều này, không đủ cơ sở để khẳng định việc thẩm định, đánh giá CCS là minh bạch, công bằng, thậm chí không loại trừ có những nhà máy đường còn gian lận, “ăn cắp” CCS từ cây mía của người nông dân. Việc VSSA thành lập Trung tâm phân tích CCS độc lập, bước đầu có thể nói là một tin vui cho những người nông dân trồng mía. Bởi giữa nông dân và nhà máy đường, hai chủ thể này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau trong phát triển lĩnh vực mía đường (nông dân sản xuất mía nguyên liệu - nhà máy chế biến đường và tiêu thụ), song phần rủi ro, thiệt thòi trong xác định CCS lâu nay vẫn đổ lên đầu người nông dân gánh chịu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp (xin giấu tên), khi trao đổi với chúng tôi về CCS mía của Việt Nam, đã ví von khá chua xót rằng: “CCS phụ thuộc vào giá đường”. Tức là năm nào đường tiêu thụ tốt, được giá, nhà máy đường có lãi, có nhu cầu tăng sản lượng…, thì các nhà máy cạnh tranh nhau bằng cách điều chỉnh tăng CCS (CCS cao thì giá mía cũng cao) để thu hút nông dân bán mía cho mình. Ngược lại, khi giá đường thấp, tồn kho, khó tiêu thụ, hoạt động không có lời, thậm chí là không muốn ép mía thì các nhà máy "đánh" CCS thấp xuống để hạ giá mía của nông dân, lấy tiền bù đắp lợi nhuận, bất kể CCS thực chất từ cây mía nông dân sản xuất ra có thể cao hơn. Chỉ cần đánh tụt 1-2 CCS so với chất lượng thực của cây mía, các nhà máy đường sẽ có một khoản tiền chênh khá lớn, mà lẽ ra khoản lợi nhuận đó phải thuộc về người nông dân.

Chẳng hạn, giá mía đạt 10-CCS theo thời giá thị trường là 800.000 đồng/tấn (tương đương 80.000 đồng/1 CCS/tấn), thì cứ 1 CCS bị đánh tụt, nông dân bị mất 80.000 đồng/tấn mía so với giá trị thật và thời giá (từ 10 CCS thực chất, nếu đánh tụt xuống 9 CCS, giá mía sẽ là 720.000 đồng/tấn), nhà máy hưởng lợi 80.000 đồng/tấn mà không phải làm gì cả. Nếu một nhà máy X, Y, Z… cả vụ ép đạt 1.000.000 tấn mía, đem nhân (x) với 80.000 đồng/tấn/1 CCS đánh tụt của nông dân, sẽ thu lợi bất minh khoảng 80 tỷ đồng. Tại một số nơi, có hiện tượng nông dân bức xúc không tin vào kết quả ấn định CCS của nhà máy đường đã khiếu kiện, các cơ quan chức năng địa phương (Sở Khoa học Công nghệ, Quacert…) vào cuộc kiểm tra, kiểm định máy móc, thiết bị phân tích… của nhà máy đường, nhưng rốt cuộc xong rồi "hòa cả làng", vẫn chẳng thay đổi gì.

Chỉ số CCS là thước đo tương đối về mức độ thu hồi đường trên 1 đơn vị mía tính theo tấn. Chẳng hạn, mía 10 CCS tối đa thu hồi đạt 100kg đường/tấn mía. Các nhà khoa học nghiên cứu mía đường khẳng định, trên thực tế, rất khó, thậm chí là không thể thu hồi đường đạt 100% theo CCS, bởi quá trình chế biến một tỷ lệ đường nhất định sẽ bị thất thoát qua mật rỉ, bã mía, bã bùn… Ngành mía đường Thái Lan có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, công nghệ hiện đại, tỷ lệ tổng thu hồi đường của họ cũng mới chỉ đạt bình quân khoảng 87%.

Nhà máy chế biến đường. Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, nghịch lý về CCS cần phải được làm sáng tỏ để đảm bảo công bằng và lợi ích chính đáng của người nông dân. Đó là, CCS mía bình quân của Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan từ 1-2 CCS, mặt bằng chung về công nghệ chế biến đường còn lạc hậu hơn Thái Lan, thế nhưng tỷ lệ tổng thu hồi đường bình quân vụ sản xuất của các nhà máy đường Việt Nam lại rất cao, niên vụ 2016-2017 đạt 96,52%, niên vụ 2017-2018 đạt 99,47%. Phi thực tế hơn, có nhiều nhà máy báo cáo đạt tỷ lệ tổng thu hồi đường bình quân vụ đạt 100%, thậm chí hơn 100% so với CCS. Vậy câu hỏi đặt ra là: “Các nhà máy đường Việt Nam lấy đường từ đâu để đạt được tỷ lệ tổng thu hồi đường từ mía cao như vậy, nếu không phải là đánh tụt CCS từ cây mía của nông dân bán cho”?

Một khía cạnh khác để nhận định việc đánh giá và ấn định CCS của một số nhà máy đường thực hiện (không phải là tất cả) thiếu độ tin cậy, thiếu tính minh bạch, thậm chí có thể là gian lận, là theo dữ liệu công nhận các giống mía mới và CCS từ 2008-2018 tại Việt Nam, do Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố cho thấy: không một giống mía nào có CCS thấp hơn 10, thậm chí có giống mía đạt 12-14 CCS. Thế nhưng, tổng kết niên vụ mía đường 2017-2018, theo báo cáo từ các nhà máy đường, CCS mía của Việt Nam bình quân mới chỉ đạt từ 8-9 CCS, trong khi tỷ lệ tổng thu hồi đường bình quân chế biến theo vụ của các nhà máy đường lại rất cao, cao hơn cả của Thái Lan như đã nêu ở trên.

Mặc dù giữa CCS được công nhận từ nghiên cứu khoa học cho đến thực tiễn có thể có biến động tăng, hoặc giảm do một số yếu tố tác động từ quá trình sản xuất, canh tác, thổ nhưỡng… Thế nhưng, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, không tin sau 24 năm ngành mía đường Việt Nam phát triển, công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ngày càng được quan tâm, mà đến nay CCS mía của Việt Nam vẫn chỉ đạt mức bình quân từ 8-9% (?).

Liên quan đến đánh giá CCS cây mía do nông dân trồng ở Việt Nam, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-98:2012/BNNPTNN) về chất lượng mía nguyên liệu hiện nay chỉ đưa ra khuyến cáo, không có quy định nào bắt buộc các bên phải sử dụng bên thứ 3 độc lập đánh giá CCS. Để góp phần làm minh bạch thị trường mía nguyên liệu, bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ủng hộ VSSA thành lập Trung tâm Phân tích CCS độc lập với các nhà máy đường. Hiện trung tâm này đã có giấy phép và con dấu, đang kiện toàn tổ chức, nhân lực, máy móc, thiết bị… để hoạt động. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... cần khuyến nghị các nhà máy đường và nông dân phải sử dụng bên thứ ba độc lập đánh giá CCS.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, khi ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu với các nhà máy đường, người nông dân cần yêu cầu đưa vào hợp đồng điều khoản sử dụng đơn vị thứ 3 độc lập để đánh giá CCS mía do mình sản xuất.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/minh-bach-chat-luong-mia-nguyen-lieu-de-dam-bao-cong-bang-cho-nong-dan-120952.html