Minh bạch khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

Việc sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải phải minh bạch, hiệu quả cũng như bảo đảm đạt được mục đích bảo vệ môi trường.

Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Vấn đề chủ yếu xoay quanh việc quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp sao cho minh bạch, hiệu quả, bảo đảm đạt được mục đích bảo vệ môi trường.

Để thông tin rõ hơn về những nội dung này, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên Môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên Môi trường.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên Môi trường.

Thưa ông, hiện nay, còn nhiều ý kiến khác nhau về việc sử dụng kinh phí đóng góp của doanh nghiệp để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, đặc biệt là mục đích sử dụng khoản đóng góp này trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, xin ông cho biết việc quản lý, sử dụng khoản đóng góp trong dự thảo Thông tư như thế nào?

Dự thảo Thông tư quy định ba nội dung chính trong quản lý, sử dụng khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bao gồm: 1. Hỗ trợ hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì; 2. Hỗ trợ xử lý sản phẩm, bao bì; 3. Chi phí hành chính vận hành hệ thống quản lý, điều hành thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Đối với hai hoạt động đầu, qua nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến, đa số các đại biểu đến từ doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế đều bày tỏ sự đồng thuận. Đồng thời còn đề nghị mở rộng thêm các đối tượng và hoạt động được hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế, xử lý chất thải ở nước ta.

Đối với nội dung thứ ba, về chi cho hoạt động quản lý hành chính của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia thì còn nhiều ý kiến khác nhau, chủ yếu là từ cách hiểu còn chưa đúng về các quy định về nội dung này trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại khoản 1, 2 Điều 81; khoản 1 và khoản 5 Điều 82; khoản 5 Điều 83 và khoản 4 Điều 85, theo đó, nguồn chi cho quản lý hành chính thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được quy định có 2 nguồn:

Nguồn thứ nhất là khoản trích từ đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, mức trích này do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 81 và khoản 5 Điều 83 Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Nguồn thứ hai là từ nguồn “thu lãi tài khoản tiền gửi khoản đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải” đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 82 và khoản 4 Điều 85 Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Đây là nguồn chủ yếu để chi cho hoạt động quản lý hành chính để vận hành hệ thống mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất.

Về các mục chi cho quản lý hành chính của Hội đông EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia, các hoạt động chi này được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành về chi quản lý hành chính, chi thường xuyên của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và các Quỹ như Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá; Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam; Quỹ Phòng, chống thiên tai… Đây là những hoạt động cần thiết để vận hành hiệu quả hệ thống thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Thưa ông, các ý kiến xoay quanh nội dung Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đã được ngân sách nhà nước chi trả, vì vậy không được sử dụng khoản kinh phí đóng góp của doanh nghiệp để chi trả quản lý hành chính, ông có thể làm rõ hơn vấn đề này?

Như tôi vừa đề cập, Nghị định 08/2022/NĐ-CP cho phép việc sử dụng các nguồn nêu trên, chủ yếu là nguồn từ lãi tiền gửi, để chi trả cho các khoản chi thường xuyên trong quản lý hành chính của Hội đồng và Văn phòng giúp việc. Đối với các công chức, viên chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc kiêm nhiệm tại văn phòng thì họ được hưởng khoản phụ cấp kiêm nhiệm từ nguồn kinh phí nêu trên.

Ngoài ra, với khối lượng công việc rất lớn để vận hành hệ thống EPR ở Việt Nam, thì cần thiết phải có cơ chế sử dụng lao động hợp đồng đối với các nhân viên khác để có thể triển khai hiệu quả các quy định của pháp luật về EPR. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan (thuộc Trung Quốc) và các nước Châu Âu, thì cơ quan quản lý, vận hành hệ thống EPR là cơ quan độc lập với nhiều bộ phận chuyên môn mới có thể đảm đương được công việc phức tạp này.

Thực hiện EPR và sự minh bạch khi tham gia EPR đang là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, xin ông chia sẻ về quy trình thực hiện để đảm bảo sự công bằng khi thực hiện?

Sự minh bạch trong thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính hiệu quả cũng như bảo đảm đạt được mục đích bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của EPR. Tính minh bạch này không chỉ yêu cầu đối với nhà nước mà còn yêu cầu đối với doanh nghiệp trong việc đăng ký và báo cáo việc thực hiện trách nhiệm của mình; minh bạch trong việc đề xuất hỗ trợ và sử dụng kinh phí được hỗ trợ.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tham vấn ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội về dự thảo Thông tư

Đối với nhà nước, yêu cầu về sự minh bạch trong quản lý, vận hành, đặc biệt là việc quản lý sử dụng khoản tiền đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã được quy định rõ ràng tại điểm c khoản 4 Điều 54 và khoản 4 Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường (Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật).

Cụ thể hóa các quy định nêu trên, Nghị định 08/2022/NĐ-CP đã quy định việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế phải công khai, minh bạch, đúng mục đích.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng EPR quốc gia và công khai việc tiếp nhận, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế hằng năm trước ngày 31/3 của năm tiếp theo (khoản 4 Điều 82). Nghị định cũng quy định việc xây dựng và vận hành cổng thông tin điện tử nhằm kê khai, đăng ký, báo cáo; đề nghị hỗ trợ tái chế và theo dõi, giám sát sử dụng kinh phí hỗ trơ xử lý, tái chế; theo dõi thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu; công khai trên cổng thông tin điện tử …. Đây là cách tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, minh bạch và rộng rãi nhất.

Dự thảo Thông tư cũng đã quy định rất cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các quy định nêu trên với các quy định liên quan đến việc phê duyệt dự toán và báo cáo sử dụng dự toán hằng năm của Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng giúp việc. Việc sử dụng kinh phí hành chính phải chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động sử dụng kinh phí hỗ trợ để tái chế, xử lý chất thải phải tuân thủ các quy định về ký hợp đồng, giải ngân, quyết toán; chịu sự kiểm toán độc lập; kiểm tra, thanh tra của nhà nước và phải công khai kết quả sử dụng kinh phí hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR….

Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này và dự kiến thời điểm ban hành Thông tư?

Ngoài các đối tượng được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam là các doanh nghiệp tái chế, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để mở rộng đối tượng được tiếp cận nguồn hỗ trợ, trong đó có các đối tượng là các tổ chức thực hiện hoạt động làm sạch môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến, Thông tư sẽ được ban hành vào tháng 12/2022.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/minh-bach-khoan-dong-gop-cua-doanh-nghiep-de-ho-tro-tai-che-xu-ly-chat-thai-d178192.html