Minh bạch tiền công đức

Xu hướng đi lễ chùa và làm lễ giải hạn cầu an ngày một rầm rộ trong những năm gần đây. Đi kèm, là những khoản tiền đóng góp theo quy định hoặc tùy tâm công đức. Nhưng vấn đề khó nhất, đó là tính minh bạch của những khoản tiền này và ai là người quản lý?

Cách đây 5 năm, cùng với một số báo, PV Tiền Phong có dịp vào Chùa Hương để xin gặp Thầy trụ trì và làm việc xung quanh câu chuyện về tiền lẻ đi lễ chùa. Tuy nhiên, rất tiếc, sau cả tiếng ngồi chờ cả nhóm báo chí phải ra về tay không, lí do “Thầy trụ trì có việc đi vắng”.

Quay trở ra huyện Mỹ Đức, cán bộ một ngân hàng khi đó đang giữ việc giúp nhà chùa đổi khoản tiền lẻ sang tiền chẵn kể: Hàng năm, chi nhánh sẽ phải cắt cử 2-3 cán bộ ngân hàng vào nằm vùng trong chùa từ tháng giêng đến hết tháng 3 sau khi hết mùa lễ hội. Những cán bộ này khi vào chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là đếm cọc, bó tiền; còn việc phân loại tiền lẻ đã có một đội chấp tác nhà chùa lên tới 15-20 người lo cùng.

“Công việc đếm, phân loại sẽ diễn ra đều đặn từ sáng sớm đến chiều tối. Ngân hàng hoàn toàn không thu phí đồng nào việc này mà coi đây là trách nhiệm phải làm với khách hàng và nhà chùa”, vị cán bộ nói. Hỏi về số tiền thu được và ai đứng tên gửi ngân hàng với các khoản tiền này, vị cán bộ ái ngại đề nghị không đề cập.

Theo tìm hiểu của phóng viên, do nhà chùa không phải là doanh nghiệp, cũng không phải là đơn vị có tài khoản, con dấu riêng nên hầu hết các khoản tiền công đức tại nhiều chùa chiền hiện nay sẽ được đứng tên theo tài khoản cá nhân. Hầu hết các ngân hàng cũng rất tế nhị luôn giữ kín thông tin về các khách VIP này. Đã từng xuất hiện trường hợp sư trụ trì có trong tài khoản cá nhân cả chục tỷ đồng...

Năm 2012, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 2245 quy định mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Nhưng thực tế, hầu như không một di tích nào thực hiện quy định này. Không những đặt hòm công đức nhiều quá mức so với quy định, mà nhiều nơi để tồn tại tình trạng “tù mù” tiền công đức kéo dài trong nhiều năm.

Minh bạch hóa tiền công đức luôn là vấn đề ‘tế nhị” nhưng hoàn toàn có thể làm được. Đầu năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 18 về tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức tại các di tích. Câu chuyện “thay quản lý” di tích ông Hoàng Mười khiến tiền công đức tăng gấp 10 lần khi đó đã gây xôn xao dư luận.

Hay như tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành quy định việc thu, chi tiền công đức đúng mục đích với yêu cầu hòm công đức phải được niêm phong và chỉ được mở kiểm kê thu bằng 2 chìa khóa (một khóa của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và một khóa của người chủ trì cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo). Đồng thời, định kỳ hàng quý thực hiện niêm yết việc thu, chi công khai tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc công khai minh bạch hóa mục đích sử dụng tiền công đức, tiền lẻ lễ chùa thế nào, thiết nghĩ đã đến lúc cần có sự giám sát và quy định chặt chẽ.

Minh Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/minh-bach-tien-cong-duc-1379991.tpo