Minh chứng chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc

Phòng trưng bày hiện vật chủ đề 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử' tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia luôn luôn đầy ắp khách tham quan. Khao khát được làm đầy vốn kiến thức và được tận mắt chứng kiến các bảo vật quốc gia minh chứng chủ quyền và tự tôn dân tộc của công chúng khiến những người tổ chức cũng khá bất ngờ. Đặc biệt là tỷ lệ người trẻ, khách du lịch nước ngoài, những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tới xem triển lãm khá đông, làm nên thành công ngoài mong đợi của một cuộc trưng bày.

Bảo vật Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” bằng ngọc, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Ảnh: Tư liệu

Bảo vật Ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” bằng ngọc, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847). Ảnh: Tư liệu

Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa phối hợp Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình và Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, Thanh Hóa thực hiện. Lịch sử hơn 2.500 năm của dân tộc - từ thời văn hóa Đông Sơn đến thời hiện đại được thuyết minh dễ hiểu, thuyết phục và minh họa đa dạng bằng các hiện vật là di sản kiến trúc, vật liệu để xây dựng và trang trí các công trình quân sự, dân sự. Hầu hết đó là hiện vật từ các cuộc khai quật các kinh đô cổ của Việt Nam và tư liệu mộc bản Triều Nguyễn đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Các nội dung được giới thiệu lần lượt là Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt (ở 3 thời kỳ khác nhau tương ứng với các kinh đô Thăng Long, Đông Kinh và Phú Xuân), Đại Ngu, Việt Nam. Minh họa cho quốc hiệu qua các thời kỳ là các kinh đô được chọn và di sản vật thể còn lại của thời kỳ đó.

Đơn cử như quốc hiệu Đại Ngu của nước ta thuộc về Triều đại nhà Hồ, có kinh đô An Tôn – là một thời kỳ lịch sử rất ngắn, ít được biết đến và nhắc tới trong các cứ liệu lịch sử, nhưng lại có những biến động có tính căn bản. Trong đó, chữ “Ngu” trong quốc hiệu chính là do Hồ Quý Ly đặt vào năm 1400 khi lập ra triều đại mang ý nghĩa là sự yên vui, hòa bình, chứa đựng ước vọng và cũng thể hiện quan điểm hòa bình, thịnh trị của triều Hồ. Vào năm 1407, tức là chỉ 7 năm vẻn vẹn đầy biến động và loạn lạc, nhà Hồ thất bại trước nhà Minh, cái tên Đại Ngu bị loại bỏ, dùng tên gọi thường là Giao Chỉ.

Đến thời Hậu Lê, quốc hiệu Việt Nam trở lại với cái tên Đại Việt từ trước đó. Tên gọi của một quốc gia trong mỗi thời kỳ lịch sử thể hiện rất rõ khát vọng tiềm thức của dân tộc. Càng nhiều lần đổi quốc hiệu, thì về mặt lịch sử, đất nước càng trải qua nhiều biến động, nhưng khát vọng thì không thay đổi, kiên định và hướng tới hòa bình, yên vui cho nhân dân và cho thế giới đại đồng. Quốc hiệu mỗi thời kỳ của nước ta đều thể hiện lòng tự tôn dân tộc và khát vọng hòa bình, tự chủ, tự cường.

Bàn về quốc hiệu, các nhà khoa học lịch sử thể hiện quan điểm cần phải phổ biến rộng rãi tới công chúng để một lần nữa khẳng định quá trình phát triển, đấu tranh sinh tồn và quan hệ ngoại giao của quốc gia, dân tộc ta. Quá trình đó lâu dài, gian khổ, nhưng không kém phần hào hùng, và xứng đáng được ghi nhớ, tôn vinh. Bởi vì quốc hiệu luôn là tên gọi chính thức của một quốc gia được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại... biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ.

Bằng việc tự gọi tên, dân tộc ta đã khẳng định mình trong các mối quan hệ nội trị và bang giao qua từng triều đại và cả nền văn hiến lâu đời. Thời hiện đại, quốc hiệu còn thể hiện chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Quốc hiệu là thiêng liêng nhất, bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, mỗi con người, mỗi nền văn hóa khác đều phải tôn trọng và thời kỳ nào cũng nghiêm cấm mọi hành vi làm tầm thường hóa và dùng không đúng ngữ cảnh, không đúng ngữ nghĩa của quốc hiệu.

Trưng bày chuyên đề đã dành thời lượng đáng kể để nói về thời kỳ từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc đi cùng đất nước cả quãng thời kỳ lịch sử mà sau này, đất nước Việt Nam kiên cường qua chiến tranh được thế giới biết đến nhiều nhất. Quốc hội khóa VI (1976), sau khi thống nhất đất nước, khép lại chiến tranh, tái thiết quốc gia, đã đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây chính là tuyên ngôn, thể hiện đường lối, quan điểm độc lập tự do, tự cường, hướng đến văn minh, hạnh phúc của đất nước Việt Nam. Thủ đô Hà Nội, Thăng Long ngàn năm tiếp tục là vùng đất hội tụ nền văn hiến lâu đời của dân tộc, được xem như biểu tượng của hòa bình và là thủ đô giàu bản sắc văn hóa trên thế giới.

Việc lựa chọn vùng đất đóng đô thể hiện tầm nhìn chiến lược của một quốc gia được nhấn mạnh trong triển lãm. Nhãn quan của các nhà chính trị, quân sự lựa chọn kinh đô mỗi thời kỳ có khác nhau. Nếu quốc gia đi vào thời loạn lạc binh biến thì kinh đô được vây bọc bởi thành cao hào sâu, nặng về phòng thủ, địa thế hiểm trở. Khi đất nước xây dựng hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế ngoại giao thì thủ đô luôn là những đồng bằng rộng lớn, bên những vùng đất có địa thế cởi mở, thuận lợi giao thông đường bộ, đường thủy và xây dựng các công trình kinh tế quân sự quy mô lớn cũng như thuận lợi để tích trữ sản xuất lương thực, thực phẩm, quan hệ ngoại giao, du lịch, hành chính hội họp.

Bên cạnh đó, các vùng đất từng chọn là kinh đô đều còn lại các trầm tích văn hóa gồm dấu tích các công trình triều chính, các mảnh ghép có trang trí hoa văn kiến trúc mà qua đó có thể xác định được giá trị văn hóa của cả thời kỳ. Các hiện vật trưng bày đều là di sản sưu tầm được, các di vật khai quật từ những công trình khảo cổ học thuộc về kinh đô của nước Việt xưa như Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Tây Đô, Huế..., trong đó có 2 bảo vật quốc gia đáng chú ý trưng bày là trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 năm 1800; ấn “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” bằng ngọc, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847).

Ngoài ra, hiện vật là gốm xây dựng dùng để xây dựng Hoàng thành Thăng Long, các đầu rồng trang trí chủ yếu của 2 cố đô Thăng Long và Huế xưa đều chứa đựng các giá trị lịch sử và thẩm mỹ rất cao, thể hiện tư duy nghệ thuật và sự rực rỡ của nền văn hiến lâu đời, càng tiến về thời hiện đại thì càng tỉ mỉ, tinh xảo và giá trị cao về thẩm mỹ.

Văn hóa luôn là lĩnh vực mấu chốt của quốc gia dân tộc, thể hiện chủ quyền đất nước và niềm tự hào truyền thống lâu đời. Bài “Đại cáo Bình Ngô” của thi hào Nguyễn Trãi từng viết: “Như nước Đại Việt ta thuở trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu...” Lịch sử luôn là câu chuyện suốt chiều dài dân tộc, phải nói và luôn nhắc lại rất nhiều lần. Trưng bày “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” kéo dài đến cuối tháng 10 nhằm tạo điều kiện cho đông đảo công chúng thưởng lãm, tìm hiểu để thêm tự hào về truyền thống và tinh thần dân tộc.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/minh-chung-chu-quyen-va-long-tu-ton-dan-toc/