Minh Mạng: Vị vua hiền minh nhà Nguyễn

Minh Mạng (1791-1841) là vị Vua thứ hai triều Nguyễn. Sử gia Trần Trọng Kim từng đánh giá: 'về bản triều nhà Nguyễn chưa từng có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn ngài vậy'. Dưới thời vua Minh Mạng trị vì, việc tôn vinh thi cử, xây dựng đền thờ các bậc đế vương của dân tộc, gìn giữ kỷ cương, chủ quyền dân tộc không chỉ trên đất liền mà biển đảo như Hoàng Sa, Trường Sa được chú trọng.

Minh mạng với chủ quyền dân tộc

Chỉ là hoàng tử thứ tư của vua Gia Long, nhưng Nguyễn Phúc Đảm lại được vua cha chọn làm người kế vị. Sở dĩ ông được chọn vì có tư tưởng giống cha, không muốn lệ thuộc và bị người Pháp áp chế. Năm 1815, Nguyễn Phúc Đảm được phong Hoàng Thái tử và được vào sống ở điện Thanh Hòa để quen dần việc trị nước.

Được học, quen việc trị nước từ nhỏ nên khi lên ngôi năm 30 tuổi, Minh Mạng đã tỏ ra một bậc đế vương trị nước rất quy củ. Ngài vẫn theo lệ cầu phong vương với nhà Thanh và xin đổi Quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam. Tuy nhà Thanh không đồng ý nhưng đến ngày 15/2/1839, vua vẫn cho đổi Quốc hiệu là Đại Nam. Quốc hiệu này được sử dụng đến tận triều vua Bảo Đại.

Cuối năm 1831, vua Minh Mạng cho bỏ các dinh, trấn và thành lập các tỉnh. Năm 1832, cả nước có 31 tỉnh, Tổng đốc là chức quan với tỉnh lớn và Tuần phủ với tỉnh nhỏ. Riêng Thừa Thiên (kinh đô) thì gọi là Phủ Doãn. Các ngoại trấn của Bắc thành cũ cũng được thay đổi hành chính và cách chọn người làm quan chứ không phải các thổ ty thế tập. Chính cải cách hành chính này được GS Phan Huy Lê đánh giá là cải cách lớn thời phong kiến cùng với cải cách của Lê Thánh Tông.

Năm 1833, Lê Văn Khôi - con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt - nổi loạn, bị đánh bại bèn chạy sang Xiêm xin cầu viện. Quân Xiêm sang nhưng bị đánh bại. Đuổi được quân Xiêm, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cang lập đồn An Nam ở Nam Vang (Phnom Penh) để bảo hộ Chân Lạp. Năm 1836, vua Minh Mạng cho nhập đất Chân Lạp vào Việt Nam và đặt tên là Trấn Tây Thành. Ranh giới phía Bắc của trấn đến tận Biển Hồ. Khi đó, dân đinh Trấn Tây Thành có 970.516 người, số ruộng đất lên đến 4.036.892 mẫu. Thế nhưng, sang đến đời vua Thiệu Trị, chính sách quản lý không phù hợp đã khiến tình hình Trấn Tây Thành bất ổn. Tháng 9/1841, Tạ Quang Cự và một số đại thần xin bỏ Trấn Tây Thành rút về An Giang. Vua Thiệu Trị đồng ý.

Việc phòng thủ đất nước từ hướng biển được vua Minh Mạng chú trọng. Sách “Minh Mạng chính yếu” chép lại lời vua Minh Mạng: “Binh chế của triều ta, về tượng trận và bộ trận đều là am nhàn, tinh thục, còn về thủy chiến thì chưa được tinh thục. Trẫm thường hỏi những người phái viên đi công cán các nơi về đều nói là các nước Tây Dương, chỉ có nước Hồng Mao (Anh Cát Lợi – nước Anh) và nước Ma Ny Căng (La Mã – nước Italy) là rất giỏi về thủy chiến, cách cho thuyền chạy”. Rồi vua lệnh thu thập bản đồ thủy chiến của các nước Tây Dương để xem xét, tìm hiểu và truyền cho các quan ở bộ Binh cùng nghiên cứu để làm ra sách “Thủy chiến tiên cơ quyết thắng”.

Ngoài quân đội chính quy, vua Minh Mạng còn sai chu cấp vũ khí cho ngư dân và dân sinh sống tại các đảo.

Chủ quyền Tổ quốc trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từng được các triều vua trước chú ý. Thời vua Gia Long, tháng 2/1815, vua sai Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển. Tháng 3/1816, “sai các dinh trấn, xem đo đường biển cách nhau xa gần bao nhiêu, vẽ bản đồ dâng lên và sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy. Đến thời vua Minh Mạng, việc vãng thám, khẳng định chủ quyền, thu thuế… diễn ra thường xuyên. Tháng 1/1836, Minh Mạng sai thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quảng Ngãi, thẳng tới bãi Hoàng Sa. Đoàn thuyền tới Hoàng Sa không nệ hòn cù lao nào, hễ dài ngang, rộng cao, chu vi và 4 phía gần đó có mọc cát ngầm hay không, từ cửa biển ra đó đường thủy đi mấy dặm; đá gần bờ biển huyện nào, làng nào; đến đâu khám xét rõ ràng; rồi cắm tiêu làm dấu vẽ thành đồ bản đem lên vua ngự lãm. Thậm chí, năm 1835, vua cho lập đền thờ thần Hoàng Sa ở bãi biển tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, nhiều châu bản thời vua Minh Mạng còn thể hiện những châu phê liên quan đến việc vãng thám cắm mốc chủ quyền Tổ quốc trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những người đi vãng thám không làm tròn nhiệm vụ bị xử phạt nghiêm khắc, ví như trường hợp của Giám thành Trương Viết Soái xảy ra vào năm Bính Thân (1836) khi về không có bản đồ đệ trình bị xử “trảm giam hậu” (chém nhưng tạm giam trước)…

Nghiêm kỷ cương

Không phải vì đông con mà vua Minh Mạng nghiêm khắc với các con. Ông tôn sùng đạo Nho, hâm mộ đặc biệt vua Lê Thánh Tông, coi đó là bậc đế vương hiếm có. Vua Minh Mạng biết từ “tề gia” đến “trị quốc” là một mối quan hệ khăng khít. Vì vậy, 142 người con, gồm 78 hoàng tử và 64 công chúa đều được vua tìm người dạy dỗ cẩn thận. Một trong những người thầy được tin cậy trao trách nhiệm là Nguyễn Đăng Tuân.

Sách “Đại Nam thực lục” - bộ chính sử của nhà Nguyễn - còn ghi lại câu chuyện hoàng tử Miên Phú cậy thế hoàng tộc thường chơi bời lêu lổng. Vào một đêm tháng Một năm Ất Mùi (tháng 12-1835), trời rét, Miên Phú cùng bọn phủ thuộc là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Đua được mấy vòng, Miên Phú về trước. Bọn thủ hạ vẫn tiếp tục cho ngựa chạy thi. Vó ngựa rầm rập gây náo loạn nhiều đường phố. Một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết. Việc đến tai vua, ngài sai các quan đại thần Trương Văn Quế, Tôn Thất Bằng, Phan Bá Đạt đi điều tra. Khi rõ kết quả, vua ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cách lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử. Phú còn phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc. Còn Vân bị chém ngay sau khi hết hạn tạm giam, để “răn những kẻ bám vào cửa quyền không coi pháp luật vào đâu”. Anh em tên Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng ở nơi xa, khi đến nơi còn bị đánh 100 gậy.

Sách “Đại Nam thực lục” còn viết vua Minh Mạng xử chém cả bố vợ là Huỳnh Công Lý, khi ông này tham nhũng 30.000 quan tiền. Nguyên Huỳnh Công Lý là một trong những võ tướng nổi tiếng thời Gia Long, có công giúp Nguyễn Ánh dựng nên cơ đồ nhà Nguyễn, sau được phong làm Lý Chính Hầu. Khi con gái được vua Minh Mạng phong làm Huệ phi, Huỳnh Công Lý càng được tin dùng. Ông được phong làm Phó Tổng trấn Gia Định, dưới quyền Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Nhận được đơn tố cáo vị phó của mình, Lê Văn Duyệt đã báo cáo lên vua. Minh Mạng sai Nguyễn Đình Thinh điều tra. Từ đó lại phát hiện thêm thời kỳ làm quan ở Huế, Huỳnh Công Lý cũng tham nhũng. Vua Minh Mạng ngậm ngùi: “Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả, thì dân ta còn nhờ cậy vào đâu. Trẫm dẫu có lòng săn sóc thương xót cũng không làm thế nào được”. Huỳnh Công Lý bị xử chém, tịch biên gia sản.

Vừa nghiêm kỷ cương, vua Minh Mạng còn ra chiếu cầu lời nói thẳng, đảm bảo cho người góp ý không phải e dè kiêng sợ. Ngay khi vừa lên ngôi, vua cũng ra chiếu dụ dùng người tài. Thậm chí giao cho các địa phương tiến cử người tài để vua cho người xét và sử dụng.

Dựng đền thờ các vua đời trước

Không chỉ tôn vinh, thờ phụng vua cha Gia Long, năm 1823, vua Minh Mạng còn ban dụ cho bộ Lễ: “Từ đời xưa, các đế vương đều có miếu thờ. Kể từ nhà Lê về trước, các miếu ấy đều do dân gian phụng thờ, chưa xây dựng được các đền miếu làm lễ Quốc tế. Nghĩ đến các đế vương đời trước có công đức với dân, trẫm rất ngưỡng mộ, nay giao cho đình thần nghị bàn để dựng miếu thờ”. Theo lệnh vua, ngôi đền thờ các vị vua được dựng ở kinh thành, nằm ở phía Nam sông Hương, mỗi năm vào tháng giữa mùa Xuân và tháng giữa mùa Thu đều có quan đại thần đứng ra lễ tế.

Đục bia tiến sĩ

Giỏi làm thơ, soạn sách văn học, khuyến khích soạn nhiều sách, và đại thần dưới thời của mình soạn ra những bộ sách có giá trị như “Gia Định thành thông chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí”… vua Minh Mạng nổi tiếng là vị vua có nhiều cống hiến về văn hóa. Năm 1821, vua cho lập Quốc Tử Giám ở Huế, đến năm 1826 cho lập Duyệt Thị Đường – được coi là nhà hát tuồng quốc gia trong đại nội. Vậy mà, lâu nay dư luận vẫn bàn tán về chuyện vua cho đục một số chữ trong 68 tấm bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Thế nhưng, ít ai biết vua Minh Mạng còn truyền dụ cho các địa phương đục bỏ cả những bia, biển gỗ nữa. Nội dung bị đục bỏ là gì? Đó là những nội dung đề cao các chúa Trịnh từ Trịnh Tráng về sau. Vì vị chúa này lần đầu tiên cho quân đánh Đàng Trong từ năm Đinh Mão (1627)…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/minh-mangvi-vua-hien-minh-nha-nguyen-tintuc435443