Minibus tại Hà Nội, TP.HCM: Nên không?

Có lộ trình phát triển, phù hợp với 70% nhu cầu giao thông đô thị tại các ngõ phố nhỏ hẹp, nhưng minibus - xe buýt gom, vẫn chưa thể triển khai tại Hà Nội và TP.HCM.

Xe buýt khó cạnh tranh với xe cá nhân và xe công nghệ - Ảnh minh họa

Tại tọa đàm Minibus với đô thị Việt Nam do kênh VOV Giao thông tổ chức chiều 19.12, TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT), Bộ GTVT, cho rằng sự hiện diện của những xe buýt cỡ lớn trong các tuyến phố nhỏ, chật hẹp là không phù hợp, gây ùn tắc giao thông. Mạng lưới tuyến xe buýt hiện nay tại các thành phố tồn tại nhiều bất cập, khoảng cách tiếp cận xa, hạn chế quỹ đất trong nội thành khó xây dựng điểm dừng, đỗ xe buýt…

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cấu trúc đô thị đặc thù của Hà Nội và TP.HCM là mặt đường quá hẹp. TP.HCM có trên 4.000 con đường nhưng đường rộng trên 7 m chỉ chiếm 30%. Tại Hà Nội, độ bao phủ mạng lưới xe buýt mới xấp xỉ 70%, thiếu kết nối với các khu dân cư và các khu đô thị mới, thậm chí thiếu cả nhà chờ. Người đi chán nản, tỷ lệ hành khách sử dụng xe buýt èo uột, dù trợ giá “khủng” nhưng cả 2 thành phố tỷ lệ đi xe buýt chỉ quanh quẩn 10%.

Việc phát triển minibus (xe buýt nhỏ có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống) nhằm kết nối tới những phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn như xe buýt nhanh BRT hay metro tại Hà Nội, TP.HCM theo các chuyên gia là rất cần thiết. Tuy nhiên, minibus vẫn chưa có chỗ đứng tại các đô thị lớn.

Khó cạnh tranh với xe máy, xe ôm công nghệ

TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng cái khó của xe buýt cũng như minibus chính là cạnh tranh với xe cá nhân cũng như taxi, xe ôm công nghệ.

“Tỷ lệ sở hữu xe cơ giới của Việt Nam là 600 xe/1.000 người dân, ở mức rất cao. Xe buýt phải vật lộn trong dòng xe cá nhân. Trong cuộc cạnh tranh với xe máy hiện nay, xe buýt yếu thế rất nhiều”, ông Minh nhìn nhận.

Còn theo TS Phạm Sanh, không chỉ xe cá nhân, xe buýt đang phải đối đầu với các đối thủ chính là taxi công nghệ và xe ôm công nghệ đang phát triển rất nhanh với các ưu thế gọi xe dễ dàng, giá cả không quá đắt, chất lượng dịch vụ quá tốt.

“Đầu tư minibus tại Hà Nội, TP.HCM phải điều tra khảo sát và tính toán khoa học, nên làm thí điểm để có sự đồng thuận trong xã hội. Không nên đưa ra các mục tiêu quá lớn như đề án minibus tại TP.HCM vừa rồi, đưa minibus vào tận các hẻm rộng 3,5 m để mọi người dân thành phố chỉ cần đi bộ 200 m là có buýt”, ông Sanh nói.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội), cho rằng việc xây dựng, phát triển minibus phải phù hợp với nhu cầu người dân bởi đây là các tuyến buýt gom.

Theo ông Hải, để minibus “sống” được, cần đáp ứng các tiêu chí từ quy hoạch lại mạng tuyến, hệ thống giá vé phải linh hoạt, nhà nước có cơ chế khuyến khích đầu tư, đặc biệt phải tuyên truyền thay đổi tư duy người dân vốn quen sử dụng xe máy di chuyển cho thuận tiện.

Nhìn ở góc độ khác, theo TS Trần Hữu Minh, nếu chỉ tập trung vào nhận thức của người dân thì không đủ, nói cách khác, hành vi của người dân sẽ chưa thay đổi nếu như không có những cú đột phá về chất lượng xe buýt, trong đó có cả giải pháp về xe buýt, về kết cấu hạ tầng, về tổ chức quản lý, khai thác vận hành xe buýt và truyền thông.

Mai Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/minibus-tai-ha-noi-tphcm-nen-khong-1035006.html