Minuteman hay Tоpоl: ai thắng ai? Quan điểm của báo Mỹ

Chúng tôi mới chuyển đến bạn đọc bài: 'Báo Trung Quốc: Trident-II Mỹ tin cậy gấp 10 lần Bulava Nga' (DVO, 10/10/2019).

Để có cách nhìn đa chiều hơn, xin giới thiệu bài viết khác với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Ryabov Kirill tóm tắt các nhận định của tờ báo Mỹ tiếng A rập Alhurra về lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược Mỹ- Nga. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 22/8/2019. Sau đây là nội dung bài viết:

Những sự kiện trong mấy tháng gần đây đã làm thay đổi rất đáng kể tình hình quốc tế và có thể đã là những chỉ dấu cho thấy sự bắt đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong bối cảnh đó, dĩ nhiên, một sự quan tâm đặc biệt được dành cho lực lượng hạt nhân chiến lược của các đối thủ tiềm năng của nhau trong tương lai.

Gần đây, có một góc nhìn rất đáng quan tâm về vấn đề này đã được đăng tải trên một bài báo ngày 6/8 trên tờ báo Mỹ tiếng Ả Rập Alhurra. Bài có tiêu đề “Minuteman” Mỹ và “Topol” Nga: Ai (nước nào) có ưu thế về vũ khí hạt nhân?”

Bối cảnh chung

Tờ Alhurra nhắc lại rằng trước khi bài báo này được đăng, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Hậu quả của quyết định này của Mỹ có thể là cả Mỹ và Nga sẽ phát động một Chiến tranh Lạnh và một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới.

Ngay sau khi INF hết hiệu lực, Mỹ công bố kế hoạch chế tạo các mẫu vũ khí mới. Về phần mình, Nga cũng cho biết sẽ tăng cường giám sát mọi động thái của Mỹ trong lĩnh vực tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Hiệp ước INF cấm chế tạo và sử dụng các tên lửa có tầm bắn từ 500-5.500 km. Mỹ “buộc phải” rút khỏi thỏa thuận này vì Matxcova đã “vi phạm thô bạo hiệp ước”. Vào thời điểm hiện tại, phía Mỹ đã triển khai nghiên cứu- thiết kế các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất mới, cả tên lửa có cánh (hành trình) và tên lửa đạn đạo.

Bối cảnh hạt nhân toàn cầu

Tờ Alhurra chỉ ra rằng kể sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đã giảm rất mạnh. Tính đến năm 2019, trong tất cả các kho vũ khí trên thế giới còn tất cả 13.890 đầu đạn. Thời khắc được coi là đỉnh điểm trong lĩnh vực là năm 1986,- khi các cường quốc hạt nhân có trong trang bị tới 70.300 đầu đạn hạt nhân.

Theo số liệu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga hiện đang là quốc gia có nhiều vũ khí hạt nhân nhất. Nga có 6.500 đầu đạn hạt nhân chiến lược và chiến thuật. Đứng ở vị trí thứ hai là Mỹ với 6.185 đầu đạn hạt nhân.

Vị trí thứ ba trong danh sách các cường quốc hạt nhân là Pháp với 300 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc đứng thứ tư với 290 đầu đạn hạt nhân. Anh khóa số tốp Năm với 215 đầu đạn hạt nhân. Tiếp theo lần lượt là Pakistan (150) , Ấn Độ (140), Israel (80) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (25).

Tờ Alhurra cũng nhấn mạnh là trong các bảng thống kê này (số lượng đầu đạn hạt nhân) được tính không chỉ có các ICBM và các tổ hợp tên lửa khác, mà còn cả các bom rơi tự do được trang bị cho không quân như thời kỳ đầu mới có vũ khí hạt nhân. Tiếp theo, tờ Alhurra này cũng đề nghi tập trung sự chú ý vào tiềm lực hạt nhân của Nga và Mỹ.

Vũ khí Mỹ

Thành tố trên bộ (mặt đất) của Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược Mỹ được trang bị các tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G “Minuteman III”. “Sản phẩm” này do “Boeing” chế tạo và có khả năng mang một số đầu đạn hạt nhân. Tên lửa có trọng lượng phóng 36 tấn và có tốc độ lên tới M = 23. Cự ly bắn- 13.000 km, độ cao đỉnh (tối đa) của quỹ đạo bay – 1.100 km.

Các tàu ngầm hạt nhân tên lửa mang ICBM UGM-133A “Trident II” do “Lockheed Martin” chế tạo (thành tố trên biển-ND). Đây là tên lửa ba tầng có chiều dài 13 m và nặng 59 tấn. Giá mỗi quả tên lửa- 30 triệu USD. Các chuyên gia cho rằng “Trident-2” là kiểu vũ khí hiệu quả nhất của Các lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược Mỹ.

Các máy bay ném bom chiến lược B-52 (thành tố trên không-ND) có thể sử dụng tên lửa có cánh (hành trình) AGM-86B. Tên lửa AGM-86B có chiều dài 6 m, nặng 1.430 kg và có giá khoảng 1 triệu USD mỗi quả. Những tên lửa như vậy có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Theo Alhurra thì kiểu vũ khí chủ yếu của Không quân chiến lược Mỹ là bom rơi tự do chiến thuật B61. Bom này có chiều dài khoảng 4 m và khối lượng khoảng 320 kg. Tổng cộng, đã có khoảng 3.000 “sản phẩm” (bom) như vậy đã được xuất xưởng và đưa vào trang bị.

Vũ khí Nga

Trước hết, Tờ Alhurra Mỹ nhắc tới tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “Topol-M”. Đâylà “sản phẩm” có chiều dài 22 m, nặng 47 tấn có thể được được phóng từ các hầm phóng hoặc từ các bệ phóng trên các tổ hợp cơ động trên mặt đất. Cự ly bắn – 11.000 km, tốc độ tối đa trên quỹ đạo M = 22. Tên lửa được lắp các khối tác chiến hạt nhân.

Trong trang bị của (Các lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược) Nga đến nay vẫn còn các tên lửa dòng R-36 được sản xuất vào những năm 80 của thế kỷ trước. Những ICBM mang đầu đạn hạt nhân như vậy chỉ có thể được phóng từ các hầm phóng. Chiều dài của tên lửa là 32 m, trọng lượng phóng- 209 tấn.

Tờ báo Mỹ Alhurra này cũng cho rằng trong số những phương tiện mang vũ khí hạt nhân Nga còn có tổ hợp tên lửa chiến dịch- chiến thuật 9K720 “Iskander” và Alhurra xếp “Iskanker” vào lớp "hệ thống tầm trung". Chính tổ hợp này được Alhurra xác định là lý do chính buộc Mỹ phải rút khỏi Hiệp ước INF. Tờ Alhurra cũng cho biết về tầm bắn của “Iskander- tới 500 km.

Tờ báo Mỹ cũng không quên nhắc tới “Bom Sa hoàng” (“Bom vua”) huyền thoại trước đây. Alhurra khẳng định rằng đã có tới hai (2) sản phẩm (quả bom) đã được chế tạo. Một quả đã được thử nghiệm trên trường bắn, quả thứ hai vẫn còn được bảo quản trong kho. Loại bom này có chiều dài 8 m và nặng tới 27 tấn.

Ai hơn ai?

“Alhurra” đã cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi này và đã tìm đến ý kiến nhận định của một chuyên gia am hiểu. Các tác giả bài báo đã trích dẫn các tuyên bố của Tiến sĩ Jeffrey Lewis mới được tờ “Business Insider” (Mỹ) công bố.

Tiến sỹ J. Lewis cho rằng số lượng vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của mỗi nước không phải là tiêu chí chủ chốt để đánh giá sức mạnh và hiệu quả của (tiềm lực vũ khí hạt nhân nước đó).

Ông cũng khẳng định rằng những tuyên bố của Nga về ưu thế vượt trội của mình (Nga) trong lĩnh vực tên lửa- hạt nhân “chắc chắn hơn cả là không đúng với sự thật”.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, J. Lewis đã dẫn quan điểm của những sĩ quan công tác tại Bộ Tư lệnh Chiến lược Thống nhất (Mỹ) chịu trách nhiệm trực tiếp về việc sử dụng lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược.

Trong nhiều thập kỷ liên tục, những sỹ quan này đã luôn khẳng định rằng nếu cần phải lựa chọn giữa vũ khí (hạt nhân) Nga và vũ khí (hạt nhân) Mỹ, họ sẽ chọn vũ khí Mỹ.

Theo Tiến sỹ J. Lewis thì các tên lửa và đầu đạn hạt nhân của Mỹ không thể "hủy diệt toàn bộ các lục địa". Nhưng chúng lại thích hợp hơn để giải quyết các nhiệm vụ chiến lược do Bộ Tư lệnh Mỹ đặt ra. Vị chuyên gia này so sánh: các tên lửa Mỹ “giống những chiếc xe Ferrari". Chúng xinh đẹp và có thể thực hiện nhiệm vụ của họ trong một khoảng thời gian rất dài.

Cũng theo Tiến sỹ J. Lewis, ngành công nghiệp Nga có một nét đặc trưng là- luôn thiết kế những hệ thống cần phải liên tục hiện đại hóa. Và nói chung, kết quả cuối cùng chỉ tương đương với kết quả của người Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Nga thích các tổ hợp cơ động trên mặt đất hơn- trên những chiếc các xe tải giá rẻ, trong khi người Mỹ lại sử dụng chủ yếu là các hầm phóng.

J. Lewis còn chỉ ra một sự khác biệt nữa trong chiến lược của hai nước- đó là các đặc điểm sử dụng vũ khí và quan điểm của các tướng lĩnh. Người (các tướng) Mỹ “trân trọng” độ chính xác, và vũ khí lý tưởng đối với họ là một đầu đạn kích thước không lớn nhưng có thể bay qua cửa sổ và làm nổ tung một tòa nhà từ bên trong.

Trong khi đó các tướng lĩnh Nga lại thích phóng hàng chục đầu đạn vào một tòa nhà và vào cả thành phố. Để chứng minh cho nhận định này, Tiến sĩ Lewis đã dẫn những đặc điểm hoạt động của VKS Nga tại Syria.

Quan điểm không đồng nhất

Bài báo nói trên của Alhurra khá thú vị ở chỗ là nó để lại rất nhiều câu hỏi. Trong bài có nhiều lỗi thực tế, nhiều đánh gia không nhất quán và những trích dẫn khó hiểu. Bài báo kết thúc bằng một kết luận hợp lý và đúng như dự kiến – đối với một tờ báo Mỹ chính hiệu, dù nó được xuất bản bằng một ngôn ngữ khác (tiếng A rập-ND).

Không thực sự cần thiết phải phân tích chi tiết tất cả các lỗi của bài báo trên trên Alhurra. Có thể tìm kiếm ngay các lý do dẫn đến sự xuất hiện của những bài báo gây tranh cãi như vậy. Không khó khăn lắm cũng có thể tìm thấy một số lý do. Có thể phát hiện ra ngay lý do quan trọng nhất.

Đây là mong muốn của tờ báo bàn về một vấn đề dang nóng. Đầu tháng 8, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước INF, và quyết định đó châm ngòi cho một “sự bùng nổ” các bài báo viết về chủ đề trên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Alhurra quyết định không đứng ngoài cuộc.

Rõ ràng là tờ Alhurra đã không dành sự chú ý cần thiết đến việc nghiên cứu các vấn đề quân sự, bởi vì trong bài báo có rất nhiều sai sót trên nhiều phương diện . Bài báo dẫn những tính năng kỹ- chiến thuật của các kiểu vũ khí không chính xác, chức năng vũ khí được dẫn cũng không chính xác và v.v.

Cuối cùng, bài báo dẫn quan điểm của một chuyên gia không thực sự khách quan khi so sánh các bên. Các kết luận của ông tuy còn gây tranh cãi, nhưng có thể làm hài lòng bộ phận công chúng Mỹ có tinh thần yêu nước.

Nhìn chung, đây là nỗ lực của một tờ báo không chuyên ngành (quân sự) xem xét phân tích các vấn đề quân sự- kỹ thuật và quân sự- chính trị nhằm đưa ra những kết luận đúng “về mặt chính trị”.

Với cách tiếp cận như vậy, dĩ nhiên tính khách quan sẽ bị ảnh hưởng và đồng thời cũng sẽ xuất hiện những câu hỏi không mấy dễ chịu.

Tuy nhiên, những bài báo kiểu như vậy vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài, và điều quan trọng hơn, vẫn tiếp tục tác động lên dư luận và quan điểm xã hội.

Lê Hùng-Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/minuteman-hay-tpl-ai-thang-ai-quan-diem-cua-bao-my-3389331/