Mịt mù tương lai

Tuần sau, giải hạng Nhất 2022 mới thi đấu trở lại. Quãng thời gian nghỉ gần 3 tuần xem ra là không đủ để lãnh đạo hai đội Cần Thơ, Phù Đổng giải quyết chuyện nợ lương, thưởng cầu thủ. Nguy ở chỗ, nếu như hai đội bóng này tạm dừng hoạt động thì có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Sự im lặng đáng sợ

Giới chuyên môn, người hâm mộ rất nể cầu thủ, ban huấn luyện hai đội bóng Cần Thơ và Phù Đổng, vì dù bị nợ lương, thưởng mấy tháng qua, nhưng hai tập thể trên vẫn cố gắng thi đấu. Trên bảng xếp hạng, sau 14 vòng đấu, đội bóng miền Tây Cần Thơ tạm đứng vị trí thứ 8 với 17 điểm. Xếp ngay phía sau là câu lạc bộ (CLB) Phù Đổng với 15 điểm.

Vòng đấu 14, Cần Thơ thủ hòa đáng tiếc 1-1 trên sân Tự Do của Huế. Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Việt Thắng phải vay tiền để có kinh phí gửi về cho gia đình. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, đội bóng của chủ tịch Nguyễn Đắc Văn (người đại diện của cầu thủ Quang Hải) còn nợ cầu thủ cả 3 tháng tiền ăn. Mỗi tháng, cầu thủ Cần Thơ nhận 9 triệu đồng tiền ăn/người. Bên cạnh đó, tiền thưởng 5 trận (3 trận thắng, 2 trận hòa) ngót nghét 1 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân. Trước đó, lãnh đạo đội bóng hẹn thầy trò HLV Nguyễn Việt Thắng trong tháng 8 sẽ giải ngân số tiền thưởng trên và các khoản nợ nhưng đến nay mới chỉ trả được nợ lương một tháng. Thậm chí, cầu thủ Cần Thơ còn bị nợ 3 tháng lương từ mùa giải trước nhưng nhiều anh em trong đội xác định mất không số tiền này.

 Các cầu thủ Cần Thơ sẽ đứng lên, thi đấu hết mình vì tập thể đội bóng và danh dự của bản thân.Ảnh: VPF.

Các cầu thủ Cần Thơ sẽ đứng lên, thi đấu hết mình vì tập thể đội bóng và danh dự của bản thân.Ảnh: VPF.

Tiếc cho Cần Thơ, được đánh giá là “ngựa ô” sau những vòng đấu đầu tiên của mùa giải hạng Nhất 2022, thì nay lại đang bước chậm dần đều. Trong khi đó, ở CLB Phù Đổng, đã 5 tháng qua không có lương, thưởng cho cầu thủ. Lãnh đạo đội bóng gần như bặt vô âm tín, không có hứa hẹn gì với cầu thủ. Cực chẳng đã, cầu thủ Phạm Quý phải kêu cứu trên Facebook: “Đã 5 tháng kể từ tháng 3-2022, tập thể ban huấn luyện và anh em cầu thủ trong đội bóng chưa nhận được bất kỳ chế độ nào và cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin chính xác nào từ phía ban lãnh đạo đội bóng... Kính mong ban lãnh đạo đội bóng sẽ có câu trả lời nhanh nhất và chính xác nhất về tình hình hiện tại của đội bóng”. Thế nhưng, vẫn là sự im lặng đáng sợ từ lãnh đạo đội bóng.

Bỏ của chạy lấy người?

Phù Đổng là đội bóng đầu tiên của Việt Nam phát triển dựa trên mô hình bóng đá cộng đồng của Nhật Bản. Từng đặt mục tiêu thăng hạng V-League nhưng mùa giải này, với Phù Đổng, trụ hạng đã là thành công. Phù Đổng những năm qua được tài trợ bởi một nhóm doanh nhân nhưng do dịch Covid-19, tình hình kinh doanh ảm đạm nên các nhà đầu tư không thể rót tiền vào đội bóng nhiều như trước.

Còn ở CLB Cần Thơ, một nhóm doanh nhân đã hợp sức đầu tư vào đội bóng này hồi đầu năm nay. Họ tin tưởng vào chiến lược phát triển của CLB xứ Tây Đô, với mục tiêu thăng hạng V-League. Đội bóng hoạt động dựa vào một phần ngân sách của địa phương và cùng với đó là nguồn tiền từ các nhà đầu tư. Sau khi thăng hạng V-League, đội có thể kiếm được từ các hoạt động kinh doanh, tài trợ, quảng cáo... để mang lại nguồn lợi cho nhóm cổ đông đầu tư. Tuy nhiên làm thể thao chuyên nghiệp, nhất là bóng đá thì vô cùng khó. Sau vài tháng bóng lăn ở giải hạng Nhất 2022, đã có nhà đầu tư vào CLB Cần Thơ lặng lẽ rời khỏi cuộc chơi. Giả dụ bây giờ đội bóng Cần Thơ bị trả về tỉnh thì cũng khó bề hoạt động, mà nếu tiếp tục trông chờ vào các nhà đầu tư thì cũng mịt mù tương lai.

Trước tình cảnh bĩ cực của đội nhà, HLV Nguyễn Việt Thắng trước khi chia tay đội bóng Cần Thơ đã mong mỏi: “Cầu thủ đá bóng ngoài niềm đam mê còn là chuyện mưu sinh, nuôi gia đình. Anh em trong đội mong ngóng sớm được nhận lương, thưởng để an tâm cống hiến, thi đấu”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Văn chia sẻ: “Chúng tôi đang trong giai đoạn giải quyết các vấn đề ở đội. Bây giờ, bóng đá Việt Nam hay bóng đá thế giới, ở đâu cũng có những vấn đề về tài chính. Nếu bỏ hay giải tán đội thì rất dễ, điều này đã từng xảy ra ở V-League rồi nhưng để cứu đội mới khó. Trước đó, chúng tôi với sự hỗ trợ của lãnh đạo TP Cần Thơ đã cứu đội khỏi tan rã. Hiện tại, tôi vẫn đang đàm phán và làm việc với các nhà tài trợ để cố gắng hết sức cứu đội”.

Bóng đá nước nhà chưa có câu lạc bộ, đội bóng nào tự nuôi được bản thân nên phải phụ thuộc vào ngân sách địa phương, sự đầu tư của nhà tài trợ, doanh nghiệp. Khi lợi ích, công việc kinh doanh của nhà tài trợ không được bảo đảm, đi xuống thì việc doanh nghiệp dứt áo ra đi cũng là chuyện thường tình. Sớm nở tối tàn là chuyện của Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB, Navibank Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, Sài Gòn Xuân Thành, Kiên Long Bank Kiên Giang, Hùng Vương An Giang, Ninh Bình, Than Quảng Ninh. Doanh nghiệp khỏe thì đội bóng vận hành trơn tru, cầu thủ sống tốt. Ngược lại, sẽ là chuyện sống lay lắt, giải thể. Chắc chắn ở giải hạng Nhất, chuyện nợ lương, thưởng, tiền lót tay không chỉ là vấn đề của Cần Thơ, Phù Đổng. Nếu không may có đội bóng dừng cuộc chơi, chắc chắn cả hệ thống bóng đá nước nhà sẽ bị ảnh hưởng.

HÀ THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/mit-mu-tuong-lai-705629