Mở cánh cửa đến với thế giới sách

Trên group của các bậc phụ huynh thường xuất hiện những bài viết về các đầu sách thiếu nhi nên đọc cũng như mong được chia sẻ kinh nghiệm rèn thói quen đọc cho con. Có nhiều cánh cửa giúp con đến với thế giới sách, nhưng có lẽ kênh chia sẻ từ bạn bè cùng lứa tuổi luôn mang đến những gợi mở phù hợp.

Bộ sách 3 cuốn gắn với 3 cấp học.

Văn hóa đọc có vai trò quan trọng, góp phần hình thành nên những công dân có trí tuệ, có khả năng sáng tạo, có đạo đức và lối sống lành mạnh. Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đi được chặng đường gần 4 năm với nhiều kết quả khả quan. Đó là sự ra đời của Luật Thư viện - có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc. Đó là những hoạt động thiết thực, cuốn hút bạn đọc của ngành Thư viện, với những xuất bản phẩm ngày càng phong phú, hấp dẫn của ngành Xuất bản. Là những chương trình phát triển văn hóa đọc như xây dựng "Tủ sách hướng thiện", xe ô tô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”, các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề. Là cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và các cuộc thi dành cho người khiếm thị...

Được tổ chức lần đầu tiên trên phạm vi toàn quốc vào năm 2019, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên tham gia, bước đầu thu hút sự quan tâm đến văn hóa đọc của thanh niên, thiếu niên, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Sang năm 2020, hơn 1 triệu học sinh, sinh viên đã gửi bài dự thi. Sức sáng tạo thể hiện qua các bài thi cho thấy sự nỗ lực, niềm say mê và tình yêu với sách của giới trẻ.

“Quãng thời gian qua đi/ Ta mải mê công nghệ/ Rồi vô tình để lại/ Những cuốn sách ngày xưa/ Bao vất vả lo âu/ Gánh nặng của cuộc sống/ Khiến người ta muốn có/ Một vé về tuổi thơ/ Nhưng tuổi thơ ở đâu/ Hay tìm trong cuốn sách/ Một bầu trời ký ức/ Sâu thẳm trong tâm hồn/ Sẽ làm sao nếu như/ Thế giới không có sách...”. Thật bất ngờ khi đọc những vần thơ của các em học sinh tiểu học như bài thơ “Tuổi thơ ở đâu” của em Tạ Ngọc Khánh Vân (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng), hay những câu thơ bày tỏ: “Sách chính là kho báu/ Không thể thiếu trong đời” của em Nguyễn Đắc Minh Thu (Trường Tiểu học Nguyễn Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)...

Không phải học sinh nào ngay từ bé cũng ham mê đọc sách. Ở thời đại công nghệ, truyện tranh, phim hoạt hình, game hay mạng xã hội có sức mê hoặc lớn. Em Lê Thanh Thương (Trường THCS Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Tôi đã từng cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi nhìn vào những cuốn sách dày cộp chỉ toàn chữ là chữ”. Nhưng, chỉ một cuốn sách phù hợp, như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh, đã đủ để em học sinh ấy thay đổi. Lê Thanh Thương viết: “Nguyễn Nhật Ánh đã đưa bạn đọc từ khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp lên chung một chuyến tàu về lại sân ga tuổi thơ để từ đó bắt đầu hành trình tìm lại chính mình”. Thậm chí, có cuốn sách còn thay đổi cả một cuộc đời, như cô sinh viên Trương Thị Thanh Huyền (khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Huế) kể về lần đầu tiên đọc “Tôt-tô-chan cô bé bên cửa sổ” khi mới thi xong kỳ thi THPT quốc gia. Câu chuyện của Tôt-tô-chan và ngôi trường Tô-mô-e đã để lại ấn tượng đến mức sau khi có điểm thi, Thanh Huyền quyết định chuyển hồ sơ từ học Luật sang Sư phạm.

Lâu nay, nhiều bậc phụ huynh chưa tìm được “cuốn sách chìa khóa” để hút con mình đến với sự đọc. Những cuốn sách mà người lớn từng thấy rất hay, chưa chắc đã phù hợp với trẻ em hiện nay. Khi ấy, một cuốn sách được chia sẻ từ những người bạn đồng lứa thường sẽ khiến các em dễ tiếp nhận hơn rất nhiều. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc được tổ chức dành cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc là một kênh để các em chia sẻ thú vui đọc sách, giới thiệu những cuốn sách hay, viết tiếp cái kết cho sách..., từ đó truyền cảm hứng đọc với bạn bè xung quanh.

Sau mỗi cuộc thi, Ban tổ chức đã lựa chọn một số bài thi để biên tập thành bộ sách 3 cuốn gắn với 3 cấp học: “Cánh cửa nhiệm màu” tập hợp các bài thi của học sinh tiểu học, “Sách đã thay đổi tôi như thế đấy” của học sinh trung học cơ sở, “Sách và cuộc sống” của học sinh trung học phổ thông và đại học, cao đẳng. Mang đến “những bài học không có nơi giảng đường”, bộ sách là một tập hợp những chia sẻ chân thật của học sinh về việc đọc của bản thân. Như em Lê Xuân Vi Bảo (Trường THCS Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã viết: “Sách không đơn giản là một khối hình chữ nhật bên trong vô vàn là chữ. Mà mỗi cuốn sách tưởng chừng như vô tri vô giác ấy lại mang trong mình một thế giới lung linh sắc màu chờ độc giả khám phá”.

Hạ Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/989286/mo-canh-cua-den-voi-the-gioi-sach