Mộ cổ Châu Can và một số hình thức chôn cất của người Việt cổ

Tục chôn cất người chết là một trong những tín ngưỡng tôn giáo rất cổ xưa của nhân loại và hầu như phổ biến ở tất cả các dân tộc, tuy nhiên có sự khác nhau rõ rệt trong cách thức mai táng.

 Mộ cổ Châu Can được trưng bày trong triển lãm "Báu vật khảo cổ học Việt Nam"

Mộ cổ Châu Can được trưng bày trong triển lãm "Báu vật khảo cổ học Việt Nam"

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tọa đàm giới thiệu về mộ cổ Châu Can và một số hình thức chôn cất cổ xưa của người Việt đã diễn ra vào ngày 15/4.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam và TS.Nguyễn Anh Thư, Giảng viên khoa Di sản văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã giới thiệu đến công chúng một cách khá chi tiết về mộ cổ Châu Can.

Cách ngày nay khoảng 2.500 năm, ở Việt Nam có hai táng thức đặc trưng nhất là mộ thân cây khoét rỗng hình thuyền của cư dân văn hóa Đông Sơn và mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh.

Ở Việt Nam hiện nay đã phát hiện gần 30 di tích có quan tài hình thuyền thuộc văn hóa Đông Sơn, nổi tiếng nhất là khu mộ Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Can (Hà Tây).

Khu mộ Châu Can được khai quật từ năm 1974. Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện một loại hình mộ táng với những quan tài bằng thân cây khoét rỗng loại nhỏ, trong đó có những di vật bằng đồng thau thuộc nền văn hóa Đông Sơn, đặc biệt phát hiện hai bộ xương cách đây hơn 2.000 năm ở tình trạng gần như vẫn còn nguyên vẹn.

Đây là bộ xương của người đàn ông cao khoảng 1,65m, thể chất khỏe mạnh. Quan tài được chế tác từ thân cây gỗ bổ đôi, một nửa làm tấm thiên và một nửa làm tấm địa, bộ phận liên kết giữa tấm thiên và tấm địa là đinh chốt, mộng khớp, ở bốn góc quan tài có bốn tay khiêng, bên trong chôn theo nhiều hiện vật điển hình của văn hóa Đông Sơn như đồ gốm, đồ gỗ, tre và kim loại.

Ở thời Đông Sơn, hình thức hung táng cũng được một số tộc người sử dụng khá nhiều, tuy nhiên chỉ những người có điều kiện mới có thể được chôn cất theo hình thức đấy.

Thời kỳ đó, những người cổ họ thường sinh sống ở các cửa hang, khi có người chết họ sẽ trói lại trong tư thế ngồi hoặc nằm co bó gối, xác chết sẽ được đưa vào phía sâu trong hang để họ vẫn có thể được gần người thân. Sau vài năm, thịt da tiêu hết, người thân sẽ thu lấy xương cốt cho vào trong trống đồng để chôn cất. Các nhà khảo cổ học đã đào tìm được những chiếc trống đồng bên trong có chứa sọ người hay các bộ phận xương cốt khác.

Hình thức thiền táng xuất hiện tại Trung Quốc khoảng thế kỷ VIII sau công nguyên, đây là loại táng thức chỉ thấy ở di hài các nhà sư trong tư thế thiền định.

Hình thức thiền táng có thể được hiểu là một thiền tăng đạt đến mức độ nhập thiền cực kì cao siêu thì sẽ được nhục thân, họ sẽ bắt đầu đi đến cõi nhiếp bàn nhưng cơ thể sẽ không bị mất đi hoặc thối rữa.

Ở Việt Nam, có nhiều trường hợp thiền táng nổi tiếng của một số nhà sư như: Vũ Khắc Trường, Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, Như Trí trong tòa tháp Viên Tuệ, Chuyết Chuyết trong tháp Báo Nghiêm.

Khi tiến hành tu bổ nhục thân của thiền sư Như Trí, các nhà khoa học đã phát hiện có hai miếng đồng, một miếng trước ngực và một miếng sau lưng nhằm giữ cho người không bị gập xuống. Ngoài ra, trên đầu của nhà sư được quấn bởi các đoạn dây đồng để bảo vệ sọ, riêng phần mặt để nguyên. Hiện nhục thân thiền sư Như Trí đã được tu bổ một cách cẩn thận và bảo quản trong tủ chân không theo phương pháp khoa học hiện đại.

Ở thời Hậu Lê, loại hình mộ táng khá phổ biến. Mộ hợp chất có đặc điểm là quách hợp chất ở bên ngoài, loại hợp chất được làm từ vôi, cát, mật, vỏ nhuyễn thể, nước cây niệt dó trộn lẫn thành chất hồ liên kết với nhau, khiến nước ở bên ngoài không thấm vào mộ được.

Mộ tìm thấy ở cánh đồng đào Nhật Tân là một ví dụ điển hình cho hình thức mộ táng. Đây là ngôi mộ có niên đại vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn – thuộc nửa cuối thế kỷ 18. Thi hài tìm thấy trong mộ là một người đàn ông khoảng 62 tuổi, cao 1,62m. Khi mới khai quật, thi hài còn được bảo quản tốt, các khớp mềm, tóc dài, áo dài nhiều lớp nút cài ngang sườn, mũi nhọn vểnh lên, mặc 23 chiếc áo và 2 cái quần...Tất cả mọi thứ trong mộ hầu như còn giữ được sự nguyên vẹn.

Các hình thức táng của cư dân thời cổ không chỉ cung cấp một số lượng phong phú các di vật được người xưa chôn cất theo, điều quan trọng hơn nữa là qua các hình thức mai táng và các đồ vật tùy táng, chúng ta có thể nghiên cứu được trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, nguồn gốc tộc người... của cư dân thời cổ.

Thu Huyền

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/mo-co-chau-can-va-mot-so-hinh-thuc-chon-cat-cua-nguoi-viet-co-35551