Mở cửa nhưng phải chắc then

Hải quan được coi là một trong những lực lượng "mở cửa và đóng cửa” quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Chẳng khác gì cái then của cánh cửa: chốt lại thì chắc chắn mọi bề, rút ra thì tạo nên sự thông thoáng để phát triển. Vì vậy, sứ mệnh của lực lượng này là hết sức to lớn, đóng cửa cũng là anh mà mở cửa cũng lại là anh- người lính gác trung thành của đất nước. Nhưng, công việc bộn bề, phức tạp- dẫu làm được rất nhiều thì cũng vẫn "tồn dư” không ít hệ lụy. Vì thế, "góc nhìn” này muốn đề cập đến khía cạnh đó.

Cán bộ hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị

thực thi nhiệm vụ

Cách đây chưa lâu, dư luận hết sức băn khoăn về vụ cá tầm Trung Quốc "đi máy bay” vào TP Hồ Chí Minh. Nói gì thì nói, con cá từ nước khác vào nước ta một cách "hồn nhiên” như vậy chứng tỏ "cửa nẻo biên giới” không chắc. Nó không "cưỡi máy bay” từ bên kia biên giới đến thẳng TP Hồ Chí Minh, mà là phải đi đường bộ, vào trong nước ta đã rồi mới lên hàng không nội địa mà "bay”. Dân buôn lậu không đi đường chính ngạch thì tiểu ngạch, thì cắt rừng mà đi, vậy thì Hải quan cũng phải vào cuộc, Biên phòng cũng phải vào cuộc và chính quyền cơ sở cũng phải thấy trách nhiệm của mình trong đó. Con cá tầm vào nước ta làm cho bao hộ nông dân nuôi loại cá cùng loại lao đao, vì giá cá lậu chỉ bằng phân nửa. Thế là, sểnh một tí ti lập tức gây ra họa lớn. Đó là chưa kể, trong con cá lậu đó dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng nhiều ít ra sao, không ai biết vì có qua kiểm dịch đâu. Rồi nó ngấm vào người, sinh bệnh tật, làm người ta phát phì- tuy không thấy ngay được bởi di hại của nó luôn khôn ngoan dưới dạng tiềm ẩn.

Rồi là nạn gà lậu, gà thải loại, nội tạng thối, cổ cánh gia cầm, chân gà... biết bao nhiêu thứ nguy hại tuồn vào nước ta, khiến cho nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm gia tăng dữ dội. Những ai đã từng đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu Lào Cai... thì đều thấy những khu vực rộng lớn bán toàn gà vịt, lòng mề, chân cẳng gia cầm "lạ” cả. Gà vịt sống thì kêu quang quác, bốc mùi hôi hám; chân cẳng, lòng mề thì đóng trong những thùng xốp nhìn rất bí hiểm. Ai cũng thấy, lẽ nào Hải quan, Quản lý thị trường không thấy? Nếu không thấy thì vô lý quá!

Còn ở vùng biên giới Tây Ninh, An Giang..., có thời người dân vận chuyển xăng từ trong nước sang bán cho người bên kia biên giới ào ào, để ăn chênh lệch giá. Đó là chuyện "đi ra”, còn chuyện "đi vào” thì dân buôn lậu thuốc lá đứng chờ sẵn ngay cửa khẩu để đón những chuyến hàng thuốc lá ngoại một cách vô tư, rồi chất lên Honda, lên xe vận tải, cả xe du lịch chuyển "khói” vào sâu nội địa. Những chuyện đó "xưa như trái đất”, ai cũng biết. Mà chính vì ai cũng biết nên mới phải nói, nói cái điều những lực lượng liên quan ít muốn nghe: đó là gác cửa "ngủ quên” mất rồi.

Trong việc này, không loại trừ có sự tiếp tay, nhận hối lộ, chia chác tỉ lệ phần trăm theo từng thùng hàng, từng mẻ hàng của những cán bộ thoái hóa biến chất. Đó là hành vi vi phạm pháp luật, là một mắt xích trong quá trình gian lận thương mại. Chuyện kể rằng, một người cha có con học đại học Văn, nói với bạn: - May quá, con tôi chạy đươc việc làm rồi. Ông bạn hỏi: -Thế cháu xin được vào ngành văn hóa à? Trả lời: -Không! Nó chạy được vào Hải quan. Mới nghe đến đó người kia reo lên: -Nhất cho cả họ nhà bác rồi! Nhiều "mầu” nhất đấy!

Câu chuyện tưởng như đùa nhưng ngẫm lại thấy rất thấm thía, và đau. Tốt nghiệp đại học xong, không được làm công việc đúng chuyên môn đào tạo, phải làm trái ngành nhưng lại được thiên hạ cho là... may. Trong cái nghịch lý này hàm chứa biết bao ẩn tình xã hội, lẽ nào không khiến cho dân tình thao thức?

Nhiều người vẫn mặc nhiên nghĩ rằng, làm hải quan là "cá kiếm” được kha khá, chứ người ta có nghĩ đến chuyện thu nhập từ đồng lương đâu. Đồng lương thì ngành nào chẳng giống ngành nào, có chăng đãi ngộ cũng chỉ hơn kém nhau chút ít. Cái chính là "lậu”. Thực tế diễn ra hàng ngày khiến người ta nghĩ về điều đó. Hàng lậu tuồn được vào trong nước, có nghĩa là đã có sự chung chi, nếu không thì tài thánh nó cũng không thể ùa vào ta dữ dội đến thế, làm lũng đoạn thị trường của chúng ta đến thế, làm cho bao nhiêu ngành nghề điêu đứng. Con cá tầm, nội tạng thối, cổ cánh gia cầm... không phải là Tề thiên Đại thánh biết biến hóa với 72 phép thần thông, cộng với cái tài "cân đẩu vân” đi mây về gió để mà tùy tiện "nhảy dù” vào quấy nhiễu chúng ta. Thế có nghĩa là "then cửa” quốc gia đã không cài chắc rồi! Hỏi rằng không lo làm sao được.

Mở cửa là anh mà đóng cửa cũng là anh. Người lính gác biên giới quốc gia mang trên vai trọng trách. Luật Hải quan, đương nhiên là thế. Nhưng cái quan trọng hơn là bổn phận, là trách nhiệm, là ý thức công dân, là đạo đức công vụ, là phẩm chất nghề nghiệp. Hơn bất cứ lĩnh vực nào, với Hải quan, vấn đề ấy hiện ra rất rõ.

NAM VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68170&menu=1451&style=1