Mở cửa xe ô tô gây tai nạn thì bị xử lý thế nào?

Việc mở cánh cửa xe ôtô tưởng chừng như một thao tác rất đơn giản nhưng có thể gây ra nguy hiểm cho người khác, thậm chí chết người nếu không quan sát kỹ người tham gia giao thông từ phía sau.

Ngày 25/3, trường hợp một chiếc xe máy va phải cánh cửa mở ra của một chiếc ô tô hướng cùng chiều gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi liệu người mở cửa xe ô tô có vi phạm pháp luật không và mức xử phạt như thế nào?

Việc mở cửa khi dừng, đỗ xe trên đường bộ phải tuân thủ quy định về luật an toàn giao thông đường bộ. Theo khoản 3 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định rõ: Người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ các quy định sau: Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn.

Mở cửa xe không đúng cách có thể gây tai nạn cho người khác

Mở cửa xe không đúng cách có thể gây tai nạn cho người khác

Nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP với mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Ngoài ra, nếu người thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn cho người khác thì sẽ bị tước bằng lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Còn nếu hậu quả nghiêm trọng như: tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…hoặc gây ra chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại Điều 202 BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Theo đó, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Quan sát trước khi mở cửa xe

Trường hợp xảy ra tai nạn ngoài ý muốn do lỗi của người mở cửa xe thì người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình đã gây ra. Đây ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại các khoản chi phí sau:

- Chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút hoặc bị mất của người bị thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong thời gian chờ phục hồi; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định hay không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Chi phí bù đắp về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại. Mức bồi thường về tinh thần do các bên tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức đền bù tổn thất tối đa là không quá 30 tháng lương tối thiểu do Luật định.

Bởi Thu Hà, 10:00, 27/03/2020

Nguồn Cartimes: http://cartimes.vn/bai-viet/mo-cua-xe-o-to-gay-tai-nan-thi-bi-xu-ly-the-nao-5122.htm