'Mở đường' cho hàng Việt lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Trong bối cảnh thị trường truyền thống suy giảm nhu cầu vì tác động của lạm phát, rõ ràng việc tiếp cận được các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ có ý nghĩa rất lớn. Mặc dù vậy, Nhà nước cần có thêm các giải pháp, nhất là nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào kênh bán hàng này.

Trước đây, CTCP cà phê Mê Trang mỗi năm chi từ 5.000 - 6.000 USD cử các đoàn tham dự triển lãm, hội chợ quốc tế nhằm tìm kiếm khách hàng. Nay, khoản kinh phí này đang được cắt giảm, bởi doanh nghiệp (DN) đã đi sâu vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp cận gần nhất với người dùng thế giới.

Ngồi ở Việt Nam, bán hàng toàn cầu

“Chúng tôi đã từng thất bại khi đưa cà phê lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com”, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc kinh doanh quốc tế và xuất nhập khẩu Công ty Mê Trang chia sẻ. Nhưng, doanh nghiệp không bỏ cuộc mà quyết định chinh phục kênh bán hàng này vào giai đoạn dịch COVID-19 xuất hiện, gây đứt gãy thị trường.

Để đối phó với tình trạng thiếu đơn hàng, doanh nghiệp tìm cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để đối phó với tình trạng thiếu đơn hàng, doanh nghiệp tìm cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Khi đưa sản phẩm lên kênh online, ông Toàn cho hay, DN xác định thương mại điện tử không chỉ là kênh bán hàng mà là xu thế tất yếu nếu muốn tồn tại, trong bối cảnh thị trường thế giới bất ổn, nhu cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và EU suy giảm vì lạm phát.

“Nếu DN vẫn giữ cách tiếp cận truyền thống là tham gia hội chợ, triển lãm sẽ rất thụ động trong việc ứng phó với các diễn biến khó lường từ thị trường, nhất là ở các thị trường lớn vốn dĩ có sự cạnh tranh rất gay gắt”, ông Toàn đánh giá. Đồng thời cho biết, kênh thương mại điện tử xuyên biên giới giúp Mê Trang đưa cà phê của mình tới các thị trường mới mà chính DN trước đấy cũng không thể nghĩ rằng ở đó, người tiêu dùng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam.

Theo ông Roger Luo, Giám đốc Quốc gia Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ở thời điểm hiện tại, trên nền tảng Alibaba.com có 59% nhà cung cấp Việt Nam là nhà cung cấp KA (nhà cung cấp có xếp hạng sao cao), với các ngành hàng như thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, nhà cửa và vườn tược, xây dựng, làm đẹp…

“Trên 800.000 sản phẩm đã được niêm yết, và hơn 70.000 tin nhắn hỏi hàng nhận được mỗi tháng từ người mua tích cực trên toàn thế giới”, ông Roger Luo thông tin.

Giám đốc Quốc gia Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh, thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, có thể thấy rằng hàng hóa Việt Nam đang đứng hàng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới và ngày càng có nhiều đối tác mua hàng ngoại quốc sẵn sàng coi sản phẩm Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các DN nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Không riêng Alibaba, bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam qua kênh Amazon khởi sắc, tăng tới 80%, phần lớn là các DN nhỏ và vừa.

Theo đó, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử, với giá trị xuất khẩu tăng 45% so với năm trước, tập trung chủ yếu là sản phẩm nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng cá nhân và gia đình...

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm nguồn lực

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bước vào năm 2023 với diễn biến phức tạp trong tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới, thuật ngữ VUCA trong quản trị kinh tế lại được nhắc đến nhiều hơn. Đây là thuật ngữ dùng để nói về thế giới đa cực với 4 yếu tố gồm biến động (Votality), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Do vậy, việc DN tìm kiếm được kênh bán hàng online tiếp cận tới người tiêu dùng toàn cầu sẽ rất có hiệu quả.

Thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, DN Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm bằng thương hiệu của mình tới thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… Đồng thời, các DN Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tuy vậy, qua số liệu thống kê sơ bộ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thừa nhận, số lượng DN xuất khẩu trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới còn khiêm tốn, chiếm tỷ lệ nhỏ trong số 200.000 DN đang tham gia xuất khẩu hiện nay.

Những khó khăn mà các DN phải đối mặt là nguồn lực, nhân sự, công nghệ. “Để ngồi một nơi mà bán được sản phẩm tới người tiêu dùng toàn cầu thì DN cần chuẩn bị nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi biết ngôn ngữ bản địa của khách hàng, có chuyên viên trả lời online 24/24h. Thêm vào đó, DN cần có nhân sự chăm sóc gian hàng một cách liên tục, đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất”, ông Phú nói.

Đặc biệt, DN cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu...

Bên cạnh đó, Giám đốc kinh doanh quốc tế và xuất nhập khẩu CTCP cà phê Mê Trang Dương Khánh Toàn cho hay, DN rất cần Nhà nước hỗ trợ nguồn lực trong việc tiếp cận kênh kinh doanh thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. DN mong muốn được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng.

“Trong nền kinh tế khủng hoảng, ai cũng khó khăn nhưng DN xuất khẩu nào mang ngoại tệ về cho đất nước, tìm ra được hướng đi giải quyết khủng hoảng thì mới có thị trường đầu ra, thị trường đầu ra là minh chứng hiệu quả hoạt động của DN. Những DN nào chứng minh được điều này cần được hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi”, ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Việc tiếp tục đẩy mạnh phân phối hàng hóa Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là rất cần thiết trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các DN Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ các DN xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% trong năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho DN. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các DN phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Ông Vũ Thế Tùng

Giám đốc Phát triển thị trường Alibba.com Việt Nam

2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho DN Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sàn thương mại điện tử Alibaba.com tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ kết nối nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu, cung cấp thông tin thị hiếu thị trường để tăng tính hiệu quả khi các DN quyết định tham gia kinh doanh trên nền tảng. Về phía DN, khi tham gia thương mại điện tử, DN cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/mo-duong-cho-hang-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-1091078.html