Mở đường cho nông sản của đồng bào miền núi

Yên Bái là tỉnh có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều đặc sản đã trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Đồng bào dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải thu hái quả sơn tra. Ảnh: Phạm Hằng.

Đồng bào dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải thu hái quả sơn tra. Ảnh: Phạm Hằng.

Theo ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, khi giao thông đi lại thuận tiện, đặc biệt là du lịch phát triển, các sản phẩm đặc sản lại càng có cơ hội tốt để tiến sâu vào thị trường. Do đó, để các sản phẩm đặc sản thực sự trở thành hàng hóa, bà con cần thay đổi từ quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ thành liên kết chuỗi, tập trung, ổn định về sản lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của người tiêu dùng.

Để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa tập trung, tỉnh Yên Bái đã quan tâm đầu tư, từng bước biến những sản phẩm đặc sản địa phương thành hàng hóa. Gạo nếp Tú Lệ ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là một ví dụ điển hình. Nhận thấy giá trị và tiềm năng thương mại của đặc sản này, liên tục nhiều năm, địa phương và các ngành chuyên môn đã có những đầu tư thích hợp.

Theo đó, huyện Văn Chấn đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định tưới tiêu cho vùng sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung 100 ha; thúc đẩy, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với quy mô diện tích 50ha.

Ông Hoàng Văn Soàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn cho biết, bà con nông dân đã được cung cấp các kiến thức để thay đổi nhận thức từ sản xuất nhỏ, phân tán sang sản xuất theo quy mô tập trung, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Đến nay, những vùng lúa nếp hàng hóa được hình thành với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm có nhãn mác, logo, đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Còn tại huyện Mù Cang Chải lại có lợi thế rất lớn về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa, con người rất phù hợp để phát triển du lịch. Bởi vậy, 3/7 sản phẩm OCOP của huyện là các điểm, khu du lịch. Bên cạnh đó, 4 sản phẩm còn lại gồm: Mật ong, chè Púng Luông, sơn tra, nếp Tan Khau Phạ là những đặc sản địa phương đã được nâng tầm về cả hình thức, chất lượng để trở thành những món quà đặc sản khó quên đối với du khách khi đến vùng đất này. Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Phần lớn trong đó được xây dựng dựa trên lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông sản đặc trưng các dân tộc.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái nhìn nhận, hiện nay tỉnh cũng đã xác định 10 sản phẩm nằm trong nhóm sản phẩm đặc sản. Là một trong 10 sản phẩm này, sơn tra đang có những định hướng phát triển phù hợp. Từ Đề án phát triển sơn tra, toàn tỉnh đã mở rộng diện tích lên 9.369 ha, tăng 5.546 ha so với năm 2015. Bởi vậy, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh chú trọng khâu chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Theo đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sơn tra liên kết theo chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ sơn tra trên địa bàn tỉnh.

Phương Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-duong-cho-nong-san-cua-dong-bao-mien-nui-5713584.html