'Mở đường' cho sản phẩm truyền thống, có lợi thế

Nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 'Mỗi xã một sản phẩm' giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' giai đoạn 2019-2020 (OCOP) trên địa bàn TP Cần Thơ (Kế hoạch 94). Đây được xem là hướng đi chủ động trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, đặc trưng, có lợi thế của thành phố trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Phát triển 20 sản phẩm OCOP

Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối nông thôn mới TP Cần Thơ, cho biết: Kế hoạch 94 hướng đến việc phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế góp phần tái cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Kế hoạch 94 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm, dịch vụ hiện có; phát triển và củng cố 20 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; 100% cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được đào tạo chuyên môn quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; triển khai phát triển 3 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương.

Chợ nổi Cái Răng được chọn để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Chợ nổi Cái Răng được chọn để xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP.

Tham gia chương trình OCOP, TP Cần Thơ tập trung vào 6 nhóm/ngành hàng như: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Theo đó, đến năm 2020, thành phố xây dựng phát triển 20 sản phẩm OCOP gồm: lươn thương phẩm, chả lụa Kim Ngân, gạo đỏ an toàn (huyện Vĩnh Thạnh); mắm, khô cá tra, bánh tráng Thuận Hưng, lưới bắt cá các loại, du lịch sinh thái, thúng, xề, rổ, vườn cò Bằng Lăng (quận Thốt Nốt); xoài cát, cơm rượu, lươn thành phẩm, mãng cầu Xiêm (huyện Cờ Đỏ); dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn Ido (huyện Phong Điền); mắm cá các loại, cần xé và bội từ nguyên liệu mây tre, sầu riêng, nón lá (huyện Thới Lai); tranh gạo, kết cườm, giá mầm, du lịch (quận Ninh Kiều); cam xoàn, bánh kẹo, nhãn Ido, rau muống, du lịch kết hợp hoa kiểng (quận Ô Môn); sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cá thát lát, thanh nhãn, du lịch Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng); bánh tét, hoa kiểng, rau ăn quả và ăn lá, nấm bào ngư, du lịch sinh thái cồn Sơn (quận Bình Thủy).

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: Đến nay, Thốt Nốt có 6 sản phẩm tham gia OCOP. Trong đó, giai đoạn 2019-2020, quận sẽ xây dựng và phát triển 4 sản phẩm (bánh tráng, đan lưới, khô-mắm cá tra, du lịch sinh thái Tân Lộc); giai đoạn 2021-2030 tiếp tục phát triển thêm có 2 sản phẩm (Vườn cò Bằng Lăng và đan đát). Để đạt được mục tiêu đề ra, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND quận ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP của quận. Đồng thời, trình UBND quận về việc thành lập Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ngoài ra, Phòng Kinh tế cũng tham gia đoàn đánh giá của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã thành phố khảo sát làng nghề bánh tráng Thuận Hưng và cơ sở sản xuất mắm cá tra ở phường Tân Lộc để tiến hành giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại điểm trưng bày sản phẩm đặc trưng của thành phố (thuộc Đề án OCOP)”.

Bám sát mục tiêu

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị bám sát Kế hoạch 94 để xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp với ngành, địa phương mình. Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền để mỗi cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu và nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Đồng thời, phối hợp với các viện, trường tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh cho các nhà quản lý, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Để tạo nguồn lực thực hiện Chương trình, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình cho vay ưu đãi…

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2019-2020 là 400 tỉ đồng. Trong đó, năm 2019 dự kiến vốn ngân sách là 41 tỉ đồng, vốn huy động 117 tỉ đồng; năm 2020 vốn ngân sách là 59 tỉ đồng; vốn huy động 183 tỉ đồng. Nhìn chung, nguồn vốn thực hiện Kế hoạch chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ… Về phía ngân sách nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hằng năm như: Ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn sự nghiệp khoa học, công nghệ, vốn khuyến công, khuyến nông, chương trình hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, xúc tiến thương mại,...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, cho biết: “Hội đồng Đánh giá phân loại sản phẩm OCOP TP Cần Thơ sẽ nhanh chóng tiến hành phân loại đánh giá 20 sản phẩm theo mục tiêu kế hoạch của chương trình OCOP của thành phố đã đề ra. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ bố trí điểm trưng bày các sản phẩm OCOP của thành phố (dự kiến nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước”.

Để sản phẩm OCOP Cần Thơ bắt kịp xu thế và tự tin hội nhập, ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NHO NHO, cho rằng, các chủ thể tham gia OCOP cần thay đổi tư duy, nhận thức về cách tiếp cận thị trường và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Bởi đây là giải pháp tối ưu ứng phó kịp thời với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-mo-duong-cho-san-pham-truyen-thong-co-loi-the-a115394.html