Mở đường siêu cường: Nga lật bài kép Á - Âu

Liệu Moscow có thể cân bằng việc tìm kiếm đối tác mới ở châu Á trong khi vẫn duy trì được mối quan hệ hiện tại với phương Tây?

Những năm gần đây, Nga đã trải qua thời kỳ khá khó khăn. Suy thoái kinh tế, sự sụt giảm của giá dầu và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến giá trị đồng tiền của Moscow sụt giảm và khiến nước này khó tiếp cận các công nghệ mới. Tất cả những điều này đã đẩy các nhà chiến lược của Kremlin tập trung vào chính sách thay thế nhập khẩu, tổ chức lại chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và xoay trục chiến lược về phía châu Á.

Theo quan điểm của Moscow, châu Á là một phương án thay thế nhanh chóng cho hệ thống quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế với phương Tây là trung tâm. Hơn nữa, Điện Kremlin thấy rằng hệ thống lấy phương Tây làm trung tâm không phản ánh thực tế kinh tế và chính trị ngày nay. Đây là lý do tại sao Nga bắt đầu đầu tư rất nhiều thời gian và công sức trong việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ lâu dài dựa trên sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau với các đối tác ở châu Á.

Với "nỗi ám ảnh" gần đây của Moscow với việc chuyển hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vẫn còn nhiều nghi ngờ liệu họ có thể làm như vậy dù phải trả giá bằng quan hệ đối tác với phương Tây. Tuy nhiên, có vẻ như Moscow đang cố gắng ngồi trên hai chiếc ghế. Điện Kremlin không đủ khả năng xa cách hoàn toàn châu Âu vì khu vực này là đối tác kinh tế lớn của Nga (với hơn 40% giá trị thương mại) và nhà cung cấp công nghệ. Nhưng Nga cũng đang xây dựng và phát triển các cầu nối với châu Á, tìm kiếm các đối tác và thị trường mới có tiềm năng, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế hiện tại của mình.

Nga đang đẩy mạnh hợp tác với các cường quốc châu Á. (Nguồn: National Interest)

Từ năm 2015, Nga đã tổ chức một phiên bản của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) ở Viễn Đông – lấy tên là Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), nhằm mở ra những cơ hội mới cho các công ty Nga ở phía đông và cho các doanh nghiệp châu Á ở Nga. Nếu người ta so sánh hai địa điểm kinh tế lớn này, thì rõ ràng là cái thứ 2 đang trở nên quan trọng hơn. Chỉ cần nhìn vào những vị khách cao cấp của cả hai diễn đàn là thấy điều đó. Năm 2018, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ đã tham gia EEF, trong khi SPIEF chỉ có sự tham dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Các hợp đồng đã ký kết trong EEF lên đến hơn 46 tỷ USD, trong khi SPIEF nhận được các hợp đồng trị giá 38 tỷ USD.

Nhu cầu về hóa dầu

Thị trường hóa dầu toàn cầu được coi là đang phát triển nhanh, và dự kiến sẽ tăng đáng kể trong năm năm tới, tăng từ 1.464 triệu tấn/ mỗi năm (năm 2015) mtpa lên 1.708 mtpa vào năm 2020 và 1.931 mtpa vào năm 2026. Thêm vào đó, theo Dự báo năng lượng BP năm 2018, ngành hóa dầu được dự đoán sẽ là ngành có lượng nhu cầu tăng trưởng nhanh nhất. Châu Á sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng đó, với Trung Quốc dẫn đầu là nước tiêu thụ hóa dầu lớn nhất.

Tại Nga, các sản phẩm hóa chất chiếm 4,4% (19 tỷ USD) tất cả các mặt hàng xuất khẩu. Hàng hóa của ngành công nghiệp này đứng thứ 3 về xuất khẩu nhiều sau khoáng sản và kim loại. Và có vẻ như ngành công nghiệp này của Nga vẫn đang muốn phát triển khả năng của mình.

Seyfeddin Roustamov, doanh nhân quản lí Metafrax, một trong ba nhà sản xuất nhựa tổng hợp hàng đầu ở châu Âu và nhà sản xuất và xuất khẩu methanol lớn nhất ở Nga, cho biết công ty của ông đang có kế hoạch đầu tư hơn 950 triệu euro (1,1 tỷ USD) vào xây dựng của một khu tổ hợp hóa chất ở Gubakha, nằm trong vùng Perm. Cơ sở này được lên kế hoạch sản xuất tới 575.000 tấn carbamide, 308.000 tấn amoniac và 41.000 tấn melamine mỗi năm. Dự án này sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của công ty trong nhiều thập kỷ.

Tháng 10/2017, Metafrax đã ký hợp đồng trị giá 388 triệu euro (447 triệu USD) với Swiss Casale SA (công ty hàng đầu thế giới trong việc phát minh và cấp phép cho các công nghệ trong sản xuất amoniac, methanol, carbamide và melamine) về việc cung cấp các dịch vụ lên kế hoạch dự án, bí quyết công nghệ, thiết lập trang thiết bị và quản lý xây dựng. Sự hợp tác này cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất Nga vào các nhà cung cấp và giấy phép của châu Âu.

Cũng theo công ty này, 40% doanh thu của Metafrax đến từ xuất khẩu sang Anh, Phần Lan, Áo, Đức, Thụy Sĩ và các nước khác. Các nước châu Âu là những người tiêu dùng lớn nhất các sản phẩm của công ty.

Vào tháng 2 năm 2018, công ty của Roustamov đã thành lập SamyangMeta - một liên doanh với Công ty TNHH Sunghong Hàn Quốc để thúc đẩy hoạt động tiếp cận khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Metafrax cũng hy vọng sẽ cung cấp sản phẩm của mình cho thị trường châu Âu thông qua liên doanh này. Động thái này có vẻ giống như một nỗ lực tìm cách mới để tăng sự hiện diện của nó ở châu Âu.

Những nỗ lực của Moscow để mở rộng sang các thị trường châu Á – đẩy mạnh việc đa dạng hóa sự lựa chọn các đối tác kinh tế, trên thực tế, là một chính sách khá hợp lý với triển vọng tăng trưởng thị trường châu Á.

Tuy nhiên, nỗ lực này, mặc dù rất hấp dẫn, dường như vẫn còn là những thách thức. Mặc dù thực tế rằng nền kinh tế Nga đã đối phó khá thành công với những thách thức kinh tế mà họ phải đối mặt, nước này vẫn thiếu những cải cách cơ cấu cần thiết để duy trì sự phát triển kinh tế lâu dài. Chính sách "xoay trục châu Á" không thể giải quyết tất cả các vấn đề kinh tế của Nga, cũng như sẽ không làm trơn tru cuộc đối đầu của Moscow với phương Tây. Đây là lý do tại sao Điện Kremlin không thể phát triển mối quan hệ với châu Á với cái giá từ quan hệ với châu Âu. Moscow cần phải tìm một sự cân bằng lành mạnh cho phép Nga phát triển thành công khi vẫn tận dụng lợi thế từ cả hai khu vực.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/mo-duong-sieu-cuong-nga-lat-bai-kep-a-au-20181103121130478.htm