MÔ HÌNH BỆNH TẬT THAY ĐỔI: ĐẠI BIỂU LO NGẠI KHOẢNG TRỐNG TRONG CÔNG TÁC DỰ PHÒNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM

Ngày 29/5, cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, một số đại biểu nhận định, mô hình bệnh tật đã và đang có sự thay đổi, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Thách thức cho y tế dự phòng là rất lớn, song y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng, nhiều người dân vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng 'phòng bệnh hơn chữa bệnh'.

Toàn cảnh phiên thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, một số đại biểu nhấn mạnh, y tế dự phòng là lĩnh vực chuyên ngành về phòng ngừa bệnh tật thông qua các hoạt động về giám sát dịch tễ học, phòng, chống dịch bệnh từ sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp chuyên môn kỹ thuật y tế, vừa chuyên sâu, vừa phổ quát nhằm thay đổi hành vi, lối sống của từng người dân, của cộng đồng để phòng ngừa mắc các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và các hành vi bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao sức khỏe.

Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế xã bước đầu đạt kết quả khả quan. Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ trạm y tế xã triển khai dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tăng qua các năm. Theo báo cáo của Chính phủ, tính tới năm 2020, 70,5% trạm y tế xã quản lý bệnh nhân tăng huyết áp; 80% trạm y tế xã quản lý bệnh nhân đái tháo đường; có 2.264 trạm y tế xã/ phường có hoạt động dự phòng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; 88% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh tâm thần phân liệt; 80% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh động kinh; 5% số xã/phường triển khai quản lý điều trị bệnh trầm cảm.

Thảo luận về công tác quản lý bệnh không lây nhiễm, một số đại biểu nêu thực tế,các văn bản pháp luật tuy ban hành nhiều nhưng chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác y tế dự phòng; chưa có Luật để quản lý bệnh không lây nhiễm. Mạng lưới y tế dự phòng chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống khám, phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng bệnh bệnh không lây nhiễm mạn tính. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là từ các chương trình, dự án.

Mô hình bệnh tật đã và đang có sự thay đổi, các dịch bệnh mới nổi xuất hiện, diễn biến phức tạp, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, thách thức cho y tế dự phòng là rất lớn, song y tế dự phòng vẫn chưa thực sự được đánh giá đúng tầm quan trọng, nhiều người dân vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, lâu nay chúng ta đã nhất quán quan điểm y tế dự phòng là then chốt. Bởi y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cho người dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đại biểu trân trọng những nỗ lực, thành tựu y tế dự phòng đã đạt được trong thời gian qua, nhưng đại biểu trăn trở về công tác phòng bệnh. Trên thực tế, khi nói đến phòng bệnh tập trung nhiều vào các bệnh truyền nhiễm, trong khi đó gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm lại chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số gánh nặng bệnh tật trong cả nước. Ước tính mỗi năm. thì tỷ lệ các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm trên 74% trên tổng số các ca tử vong.

Có một con số đáng mừng đó là theo báo cáo của Tổng cục Dân số, tỷ lệ tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam trên 73 tuổi, nhưng tỷ lệ tuổi thọ sống tốt, sống khỏe chỉ có 64, thấp nhất so với các nước trong khu vực, đây lại là điều đáng lưu tâm. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân có thể do một số người dân đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa chú ý đến công tác phòng dịch và đại bộ phận người dân chưa hiểu rõ, thậm chí rất mơ hồ về các nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm. Đây là một trong những điều ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng dịch, thậm chí, nguyên nhân vẫn là ý thức chủ quan chưa thông suốt về quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống bệnh không lây nhiễm hiện vẫn còn những khoảng trống, như chưa chú trọng tổng thể tới công tác phòng bệnh, thiếu các quy định về đảm bảo dinh dưỡng cộng đồng, chính sách tăng cường vận động thể lực cho người dân...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định, công tác truyền thông nâng cao nhận thức của Nhân dân về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe còn hạn chế. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác y tế dự phòng vẫn còn những điều rất đáng trăn trở về sức khỏe và thể trạng của người Việt. Theo thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt hiện nay là trên 73 tuổi nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ là 64, trong đó có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Điều này cho thấy tuổi thọ bình quân của người Việt tăng lên nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước.

Đại biểu cho biết, mức độ hoạt động thể lực của người dân theo thống kê trong báo cáo giám sát là còn rất thấp, năm 2021 có gần 1/4 dân số, 22,2% thiếu hoạt động thể lực. Bệnh không lây nhiễm là mối nguy rất lớn của toàn xã hội nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu được đáng kể qua các biện pháp phòng ngừa bằng cách thay đổi hành vi, lối sống, như: Tăng cường vận động thể lực hợp lý, chế độ dinh dưỡng cân bằng và giảm lượng tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá. Muốn tạo lối sống lành mạnh, tích cực để đẩy lùi nguy cơ đe dọa của bệnh không lây nhiễm thì các giải pháp tăng cường truyền thông là vô cùng quan trọng.

Do vậy, đại biểu kiến nghị giải pháp truyền thông là giải pháp mang lại hiệu quả nhanh, mang lại hiệu quả cao và thực sự tiết kiệm, cần phải đặc biệt nhấn mạnh giải pháp phòng ngừa nguy cơ các bệnh không lây nhiễm. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung trong dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề vào Điều 2 phần nhiệm vụ, giải pháp khoản 4 mục b là "Y tế dự phòng tiếp tục tập trung hơn nữa nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm", không chỉ đơn thuần là "y tế dự phòng tiếp tục tập trung các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm".

“Nếu chúng ta không xác định cần nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm thì vẫn rất khó khăn trong việc nỗ lực nâng cao số năm sống khỏe mạnh của người dân, giảm áp lực cho ngành y tế và cho an sinh xã hội bởi gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương là y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ, Đoàn giám sát quan tâm xem xét, bổ sung vào Nghị quyết chuyên đề 2 giải pháp về hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng và phát triển nguồn nhân lực ngành y tế.

Đại biểu nêu con số cả nước có hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Đây là mảng y tế cơ sở trực tiếp gần dân nhất, được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới y tế cơ sở này chưa đáp ứng cũng như chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, công tác chăm sóc sức khỏe đang tập trung nhiều tới điều trị bệnh.

Tại các cơ sở y tế chưa thực hiện tốt việc quản lý yếu tố nguy cơ sàng lọc, phát hiện bệnh sớm cũng như quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Tại trạm y tế xã và cả nước vẫn còn khoảng 20% tổng số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, là người gác cổng của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp và gần dân nhất. Những năm qua, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở thực sự là người gác cổng đáng tin cậy cho người dân, đóng góp hiệu quả cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng theo đại biểu. các giải pháp nêu trên đều chưa phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, giải pháp tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ nhưng cần có mô hình cụ thể, trong đó cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế. Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe người dân, kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh.

Đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm nghiên cứu, ban hành nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở; kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện các chính sách về y tế cơ sở, xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí hiệu quả vào phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Mặt khác, để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, đại biểu kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật Phòng bệnh để phòng ngừa, điều chỉnh các loại bệnh tật, loại hình bệnh tật mới nói chung, đặc biệt là bệnh phát sinh mới trong thực tiễn.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76355