Mô hình chia sẻ xe đạp bắt đầu thấy 'khó thở'

Đầu tuần này, ứng dụng chia sẻ xe đạp oBike tuyên bố đóng cửa hoạt động ở thị trường Singapore. Trước đó 2 tuần, họ ngừng hoạt động ở thành phố Melbourne (Úc).

Vào lúc cao điểm, có 6 hãng hoạt động trong ngành chia sẻ xe đạp ở Singapore với khoảng 100.000 chiếc xe .

Việc oBike đóng cửa cả ứng dụng di động lẫn trang Facebook một cách bất ngờ đã gây chới với cho người dùng vì mỗi người phải đặt cọc 49 đôla Singapore (36 đôla Mỹ) để sử dụng (sinh viên đặt cọc 19 đôla). Mỗi 15 phút sử dụng xe đạp, người dùng phải trả cho oBike 50 cent. Trước đó, oBike tuyên bố họ có hơn 1 triệu người đăng ký sử dụng ở Singapore. Người dùng tới tấp gửi email đến oBike để đòi tiền cọc nhưng đã qua vài ngày, oBike chưa phản hồi gì hết.

Theo tờ Business Times ở Singapore, oBike đóng cửa vì không chịu nổi các điều kiện kinh doanh mà chính phủ nước này đưa ra. Tháng 3-2018, quốc hội Singapore thông qua đạo luật sửa đổi, bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp phải xin giấy phép kinh doanh, hạn chót là ngày 7-7-2018, công ty nào không có giấy sẽ phải ngừng hoạt động. Với mỗi đầu xe, công ty phải nộp 60 đôla Singapore.

Bên cạnh đó, chính quyền còn siết chặt việc đậu xe. Nhiều người thuê xe, sau khi dùng xong bỏ xe bừa bãi, cản trở đường đi, gây chướng mắt trong công viên. Các nhà cung cấp dịch vụ phải đảm bảo khách hàng của họ đậu xe có trách nhiệm. Tức là họ sẽ tạo thêm một mã QR nữa trên ứng dụng, khách đến nơi đậu xe đúng sẽ quét mã này để chứng tỏ họ đã kết thúc chuyến đi. Nếu chưa quét mã này, việc thuê xe vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi họ đưa xe vào đúng bãi và quét mã.

Các công ty cũng được yêu cầu thông báo và phạt tiền khách hàng đậu xe bừa bãi. Nếu ai vi phạm 3 lần trong vòng 1 năm sẽ bị cấm không cho sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp trong 1 năm. Hiện tại, các công ty bị phạt 500 đôla Singapore khi xe của họ bị khách hàng để không đúng chỗ quy định.

Trước khi oBike rút lui, một công ty khác là Gbikes cũng tung cờ trắng đầu hàng hồi đầu tháng này. “Tôi nghĩ oBike cảm thấy đây không còn là ngành sinh lời nữa, cho phí họ bỏ ra lớn hơn rất nhiều thu nhập, việc bong bóng ngành chia sẻ xe đạp nổ chỉ là vấn đề thời gian”, giáo sư Lee Der Horng từ trường Đại học quốc gia Singapore nhận xét.

oBike ra đời đầu năm 2017, trong năm đầu tiên, họ đã lỗ 4,25 triệu đôla Singapore. Vào lúc cao điểm, có 6 hãng hoạt động trong ngành này với khoảng 100.000 chiếc xe đạp ở Singapore. Hai hãng lớn nhất từ Trung Quốc là Mobike và Ofo vẫn đang tiếp tục hoạt động.

Cách đây 2-3 năm, chia sẻ xe đạp là ngành thời thượng, rất nhiều công ty nhảy vào làm ăn, và vì thế mà nhiều thị trường, như ở Trung Quốc, bão hòa. Các start-up không chú trọng vào việc lấy phí để duy trì hoạt động kinh doanh mà cạnh tranh về phí, như cho không khách, mục đích là thu hút thật nhiều khách tham gia, sau đó dựa vào cơ sở này để gọi vốn rồi bán start-up cho các công ty lớn hơn.

Một vài start-up chia sẻ xe đạp đầu tiên nhanh chân bán được. Hàng loạt start-up cùng ngành phá sản vì tiêu như đốt tiền vào quảng cáo thu hút khách hàng.

Chính Phong

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/274439/mo-hinh-chia-se-xe-dap-bat-dau-thay-kho-tho.html