Mô hình chính quyền đô thị: Hà Nội cân nhắc bỏ hay giữ HĐND cấp phường

Xây dựng Chính quyền đô thị phải giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bộ máy hành chính và nguyên tắc đầu tiên là tinh gọn, nhưng để tinh gọn thì có nên cân nhắc việc bỏ Hội đồng nhân dân cấp phường.

Nên bỏ hay nên giữ?

Trong những ngày vừa qua, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy và Tổ soạn thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội” đứng đầu là Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đã tiến hành khảo sát tại một số quận huyện trên địa bàn Thành phố với nội dung “Cân nhắc kỹ việc bỏ hay giữ HĐND cấp phường”.

Trao đổi về vấn đề tổ chức bộ máy khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP, mà cụ thể là xung quanh câu hỏi có nên bỏ HĐND cấp phường, đã có rất nhiều ý kiến từ đại diện các tổ chức đoàn thể quận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường.

Bà Nguyễn Thanh Yên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Trung Tự cho rằng, dù còn nhiều bất cập, hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền, song HĐND cấp phường thời gian qua đã thể hiện là cầu nối, người đại diện giữa Đảng - chính quyền với Nhân dân, đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở.

“Nếu theo phương án không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức; hoạt động của chính quyền không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Đặc biệt, sẽ làm mất đi vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân”, bà Yên nêu.

Đồng quan điểm này, một số đại biểu khác cũng cho rằng, sang nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND cấp phường đã có thêm 2 ban Pháp chế và Kinh tế - Xã hội, bước đầu hoạt động đã góp hần giúp HĐND ban hành nghị quyết thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Đây cũng là một sự đổi mới trong phương thức hoạt động của tổ chức HĐND cấp phường.

Tuy nhiên, trái với những ý kiến đề xuất duy trì tổ chức này, nhiều người lại cho rằng, trong nhiều nhiệm kỳ qua, hiệu quả hoạt động thực tế của HĐND phường chưa thực sự phát huy được vai trò, năng lực trên cả hai nhiệm vụ: Ban hành nghị quyết và giám sát theo quy định của pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Một số cuộc họp của HĐND phường còn hình thức, hiệu quả chất vấn, giám sát, tiếp dân chưa cao, trong đó có nguyên nhân nể nang, ngại va chạm.

Bày tỏ quan điểm xây dựng thí điểm chính quyền đô thị không tổ chức HĐND phường cũng là một bước đi phù hợp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Láng Hạ Nguyễn Hoài Nam cho rằng, phải có cơ chế rõ ràng để đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, xây dựng nhà nước do dân và vì dân, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc để phát huy dân chủ, cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trên thực tế, nhiều ý kiến đã khẳng định, HĐND cấp phường, xã đang hoạt động rất hình thức, đồng thời kiến nghị bỏ HĐND cấp này, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp quận, huyện theo tinh thần gọn nhẹ, hiệu quả. Trong trường hợp nếu còn duy trì hoạt động của HĐND cấp xã phường thì nên cơ cấu để Bí thư Đảng ủy nên kiêm Chủ tịch HĐND. Nhiều ý kiến đề nghị, nếu xây dựng chính quyền đô thị, bộ máy chính quyền cần được tổ chức tinh gọn, giảm số lượng cán bộ cấp xã phường; tăng cán bộ chuyên trách; thực hiện khoán chi ở địa phương.

Nâng cao năng lực công tác

Trong một lần trả lời phóng vấn báo chí, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, xây dựng chính quyền đô thị là vấn đề được bàn thảo nhiều lần. Từ 10 năm trước, Bộ Nội vụ đã xây dựng 3 phương án. Trong đó, phương án một mà Bộ này đề xuất là không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường; UBND cấp quận, phường là cơ quan đại diện hành chính của tổ chức cấp trên đặt tại địa bàn.

Xây dựng chính quyền đô thị phải giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bộ máy hành chính và nguyên tắc đầu tiên là tinh gọn, nhưng để tinh gọn cần phải bàn nhiều về việc có còn HĐND cấp quận, phường hay không? Có những ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tổ chức thiết chế HĐND đủ từ cấp quận, huyện đến xã, phường. Nhưng khi bỏ HĐND, phải tăng kiểm soát quyền lực qua lăng kính của Nhân dân. Đồng thời, rà soát, giảm bỏ những tầng lớp trung gian, để gọn đầu mối, tiết kiệm ngân sách.

"Khi không còn HĐND, cán bộ của UBND cấp quận, phường được giao quyền, được phân cấp nhiều hơn trong quản lý các vấn đề đô thị trên địa bàn. Theo đó, đòi hỏi Thành phố phải chọn được người đủ năng lực, trình độ, đạo đức để đáp ứng", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho hay.

Cũng theo ông Dĩnh, việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ đụng chạm đến những nhân sự thuộc biên chế HĐND, nhất là người đang nắm các vị trí lãnh đạo. Khi thực hiện đề án, việc sắp xếp, giải quyết chính sách sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức nên Hà Nội cần thực hiện thận trọng, minh bạch, có lý có tình.

Việc giữ hay bỏ HĐND cấp phường chắc chắn còn cần bàn bạc, đánh giá kỹ lưỡng, song vấn đề cần sớm đặt ra ở đây là làm thế nào khắc phục được những hạn chế bất cập và tiếp tục hoạt động hiệu quả, nếu xây dựng mô hình chính quyền đô thị mà cụ thể là hoạt động của HĐND cấp phường hiện nay.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, Hà Nội từng bước triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII). Đây là vấn đề lớn cần thực hiện trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo, nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng cho rằng, thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần theo xu hướng tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp, trước thực tế hiện nay, có nhiều bất cập về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý phải giải quyết. Tuy nhiên, có những việc phải làm ngay, có những việc sẽ làm theo lộ trình.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-ha-noi-can-nhac-bo-hay-giu-hdnd-cap-phuong-d79872.html