Mô hình Hợp tác xã sâm bảo vệ biên giới

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng già kết hợp với bảo vệ rừng; nhân rộng sâm ra 122 địa bàn vùng cao; đồng bào vừa canh tác, vừa bảo vệ biên giới; từ người làm thuê trở thành đối tác, cung ứng, người làm chủ... Đó là những ý tưởng hay, mới lạ được đề cập tại 'Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018; sâm Ngọc Linh, tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số', vừa diễn ra ngày 20-8, tại Quảng Nam.

Các đại biểu chia sẻ về triển vọng sâm Ngọc Linh giúp đồng bào thoát nghèo. Ảnh: Hà Anh

Quốc gia dược liệu

Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng ở những vùng cao trên 1.000m so với mực nước biển. Ở Quảng Nam có những hộ dân sở hữu vườn sâm Ngọc Linh trị giá từ 20 đến 500 tỷ đồng. Năm 2017, Hội nghị toàn quốc về phát triển cây dược liệu Việt Nam tổ chức tại tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế chọn ra 100 loại cây dược liệu quý trong số 5.000 loại dược liệu để tiến hành trồng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng. Đứng hàng đầu trong danh sách cây dược liệu đó là sâm Ngọc Linh, ba kích, trà hoa vàng, thông đỏ Đà Lạt.

Diễn đàn phát triển dân tộc thiểu số năm 2018 do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại quê hương của sâm Ngọc Linh là tỉnh Quảng Nam. Tại diễn đàn, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) mang đến một clip phim tư liệu giới thiệu cây sâm Ngọc Linh với những con số biết nói: Hiện nay, địa phương đã phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn 7 xã, 1.500 hộ tham gia, đăng ký diện tích đất trồng sâm dưới tán rừng già là 2.500ha, tốc độ phát triển trong dân gần 900%. Lá sâm Ngọc Linh có giá 8 triệu đồng/kg. Qua 10 phiên chợ sâm đã thu hút hơn 30 ngàn lượt khách hàng, tiêu thụ hơn 500kg sản phẩm, thu về hơn 60 tỷ đồng. Sâm Ngọc Linh loại 30 củ/ kg bán giá 60-80 triệu đồng; loại 10 củ/ kg bán giá 80-100 triệu đồng.

Ở vùng biên giới phía Bắc có rất nhiều thôn, bản nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, có thể thích ứng với cây dược liệu sâm Ngọc Linh. Ông Phạm Viết Tích, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Địa phương đã thử nghiệm đưa sâm Ngọc Linh xuống những vùng thấp hơn như xã Ch’ơm ở huyện Tây Giang và huyện Phước Sơn đạt kết quả khả quan. Về nhân giống, trong một số điều kiện thích hợp, tỷ lệ nảy mầm là 85%.

Chiếc ô rừng già

Bà Ma-đu Ra-gu-mát, Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mang đến diễn đàn tham luận “Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam”. Bà Ma-đu Ra-gu-mát đã đề cập đến việc nâng cao chuỗi giá trị bằng việc trồng cây sâm, giúp đồng bào miền núi không còn sống dựa vào gỗ rừng, hướng đồng bào từ người làm công lao động trở thành đối tác, làm chủ và chúng ta quay lại hợp tác với đồng bào dân tộc, giúp họ có cuộc sống tốt hơn, với phương châm không để ai bị tụt lại phía sau.

Sâm Ngọc Linh có lợi thế là trồng dưới chiếc ô là tán rừng già. Nếu triển khai thuận lợi thì người dân sẽ tham gia bảo vệ, chống chặt phá rừng, không xem gỗ rừng là nguồn sinh kế. Nếu phát triển các hợp tác xã trồng sâm, đồng bào nhận thức được giá trị của sâm cao hơn gỗ rừng nên sẽ từ bỏ chặt phá cây, để cây che phủ cho sâm. Trong thời gian tới sẽ tính tới việc di thực cây trà hoa hạc từ vùng núi phía Bắc vào Quảng Nam, biến nơi đây thành trung tâm dược liệu và nhân rộng sâm Ngọc Linh ra các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đối với vấn đề đưa cây sâm ra 122 huyện miền núi phía Bắc, nâng cấp từ các hộ trồng sâm lên thành hợp tác xã để từng bước xây dựng nền công nghiệp sâm, có ý kiến cho rằng, chúng ta cần học hỏi I-xra-en trong việc bảo vệ biên giới bằng mô hình hợp tác xã. Người nông dân xác định canh tác bảo vệ đồng ruộng cũng chính là bảo vệ biên giới, họ có mặt hàng ngày, hàng giờ ở nơi đó.

Cũng có ý kiến lo ngại về ý chí, khát vọng làm giàu của đồng bào là không nhiều, có nơi họ chỉ cầu làm đủ ăn. Đây cũng là lực cản cho việc triển khai dự án đưa sâm ra 122 huyện miền núi phía Bắc. Nhưng vừa qua, ở 2 xã Sinh Long và Khâu Tình, thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, đồng bào đã bỏ làng, vào rừng nhiều ngày để đào củ sâm Ngọc Linh có giá trăm triệu. Nhưng kết quả, những củ trông giống sâm Ngọc Linh kia chỉ là củ tam thất hoang. Câu chuyện trên cho thấy, một bộ phận đồng bào ở vùng cao phía Bắc đang trông chờ giấc mơ sâm Ngọc Linh giúp họ thoát nghèo.

Để triển khai việc nhân rộng sâm Ngọc Linh, các đại biểu cũng đề cập, ở Hàn Quốc có 6.000 công trình nghiên cứu khoa học về sâm, trong đó có hơn 3.000 nghiên cứu công bố quốc tế. Còn sâm ở Việt Nam và sâm Ngọc Linh thì có ít công trình nghiên cứu; cần phải ban hành quy trình kỹ thuật chuẩn trong nhân giống, kết hạt, trồng, chăm sóc, bảo vệ để phổ biến rộng rãi cho doanh nghiệp và đồng bào.

Chị Lò Nở Mẩy, đại diện nhóm hộ sản xuất đến từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai tìm hiểu cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam. Ảnh: Hà Anh

Lo mất thương hiệu

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, hiện nay chưa có mô hình hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh là một khó khăn khi xây dựng nền công nghiệp sâm. Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ đối với sâm Ngọc Linh, vì vậy, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ gặp nhiều khó khăn về thuế, đất, mặt bằng để phát triển vùng nguyên liệu đủ lớn. Một thách thức nữa là nếu giao hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh cho người dân trồng sâm dưới tán rừng thì làm sao để rừng không bị xâm hại.

Có một ý kiến mà nhiều đại biểu đồng tình, đề nghị nhanh chóng làm ngay. Đó là khai báo địa lý, bảo hộ thương hiệu. Việt Nam từng có bài học là thuốc lá Vinataba khi mở rộng ra thị trường nước ngoài thì đã bị một doanh nghiệp của In-đô-nê-xi-a đăng ký bản quyền. Gần đây là cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi cũng bị lấy mất bản quyền. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: Ngân hàng thế giới sẽ phối hợp với Bộ Công thương và tỉnh Quảng Nam để làm chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh tại 5 thị trường lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trong chiến tranh, bộ đội chiến đấu trong vùng núi giữa Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum đã được đồng bào Xê Đăng sử dụng sâm Ngọc Linh để điều trị bệnh và bồi bổ sức khỏe. Theo các công bố khoa học, trong sâm Ngọc Linh có 52 loại saponin. Hoạt chất này tăng cường trực tiếp đến hệ miễn dịch, hệ chuyển hóa, nội tiết và cả hệ thần kinh trung ương, giúp cơ thể hoạt động cực kỳ hiệu quả.

Hà Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mo-hinh-hop-tac-xa-sam-bao-ve-bien-gioi/