Mô hình kinh tế phát triển bền vững

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế nhằm giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã và đang chú trọng triển khai, xây dựng mô hình KTTH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ) - lá phổi xanh của TP Hồ Chí Minh.

Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ) - lá phổi xanh của TP Hồ Chí Minh.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho nhân loại, đó là: sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn tài nguyên, gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, sự gia tăng lượng rác thải của con người phát thải ra môi trường. Trong bối cảnh đó, KTTH được xem là một hướng phát triển mới để phá vỡ sự ràng buộc giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. ThS Từ Minh Thuận, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, KTTH được xem là mô hình kinh tế giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Sự phát triển kinh tế của thành phố tạo ra nhiều cơ hội mới, song cũng đi kèm với nhiều thách thức lớn. Trong đó, có vấn đề về xây dựng và phát triển kinh tế bền vững - một trong những chính sách hướng tới phát triển kinh tế bền vững là xây dựng mô hình KTTH.

TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện hội tụ để xây dựng mô hình KTTH. Cụ thể, thành phố được biết đến như là "cái nôi" của khởi nghiệp ở nước ta với hơn 800 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) đang hoạt động, chiếm hơn 42% số lượng startup của cả nước. Về tiềm lực khoa học và công nghệ, thành phố hiện có Khu công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán... Trên địa bàn thành phố hiện có 345 trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu; hơn 125 phòng thí nghiệm và hơn một triệu trí thức, trong đó hơn 20 nghìn nhà khoa học trực tiếp tham gia hoạt động khoa học. Ðây không chỉ là nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở thành phố mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ngoài ra, thành phố có nhiều chính sách thiết thực góp phần khuyến khích, thúc đẩy phát triển ý tưởng. Từ tháng 8/2016, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố khởi động Chương trình Saigon Innovation Hub (SIHUB) là không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ðây là sáng kiến triển khai mô hình Nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên của Việt Nam, dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Thành phố cũng đã thành lập năm không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết nối 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp; thành lập bốn ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho bốn lĩnh vực trọng yếu của thành phố gồm: công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm và nhựa - cao su - hóa chất. Ðáng chú ý, trên địa bàn thành phố, bước đầu đã hình thành một số mô hình KTTH như phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng mô hình KTTH vào mô hình phát triển của mình.

Năm 2020, Viện Nghiên cứu phát triển KTTH (ICED) (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) ra đời góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc gia chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền KTTH trên cơ sở cung cấp kiến thức và giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chính sách để phát triển mô hình này. Ðây là viện KTTH đầu tiên của Việt Nam, thể hiện nỗ lực, đóng góp của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vào quá trình đổi mới và phát triển kinh tế bền vững của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. ICED xác định tầm nhìn trở thành trung tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực, nghiên cứu về KTTH phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất chính sách trong ứng dụng và phát triển mô hình này cho Chính phủ, các tổ chức, địa phương, DN. Tuy nhiên, do đây là mô hình kinh tế còn khá mới nên trong quá trình triển khai còn gặp các khó khăn, thách thức.

Để thành phố xây dựng hiệu quả mô hình KTTH, ThS Từ Minh Thuận cho rằng: Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa KTTH vào nhiệm vụ phát triển thành phố. Do đó, thành phố cần xây dựng đề án tổng thể phát triển KTTH, đẩy mạnh chi tiêu công "xanh", xác định các lĩnh vực kinh tế ưu tiên phát triển. Ðồng thời, xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn, trong đó lưu ý tính liên kết chặt chẽ của ba trụ cột DN - nhà nước - trường đại học.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/mo-hinh-kinh-te-phat-trien-ben-vung-652679/