'Mô hình kinh tế - xã hội Bắc Âu: Thành tựu và bài học kinh nghiệm'

Từ kinh nghiệm phát triển của các nước Bắc Âu, Việt Nam có thể tham khảo để áp dụng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tọa đàm nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: HNV)

Chiều 23/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại sứ quán các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) tổ chức Tọa đàm "Mô hình kinh tế - xã hội Bắc Âu: Thành tựu và bài học kinh nghiệm” nhân kỷ niệm Ngày Bắc Âu (23/3).

Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của khu vực Bắc Âu cùng hơn 100 đại biểu, bao gồm đại diện lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn và hoạch định chính sách của một số ban, bộ, ngành trung ương và Hà Nội. Tọa đàm là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thành công và cả những thất bại của mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Âu nói chung và của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển nói riêng.

Chủ trì Tọa đàm, PGS.TS. Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, mô hình phát triển kinh tế - xã hội của khối Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đã và đang có giá trị tham khảo hữu ích cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Ai-xơ-len hiện đang được đề cao như một trong những mô hình quản trị hiệu quả nhất trên thế giới.

Phát biểu tại Tọa đàm, bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khẳng định: “Học hỏi lẫn nhau là một trong những nét đặc trưng của mô hình hợp tác Bắc Âu. Những phương thức có hiệu quả của một quốc gia sẽ nhanh chóng được mô phỏng lại ở các quốc gia khác, đồng thời tin tưởng rằng Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác cũng như chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình. Theo bà Siren Gjerme Eriksen, thông qua mô hình Bắc Âu, các thành viên trong khối chia sẻ những giá trị cũng như thúc đẩy các mục tiêu chung, trong đó có bình đẳng giới. Bình đẳng giới trên thị trường lao động là một nét son nổi bật của các nước Bắc Âu, nhờ đó, Bắc Âu mới có thể trở thành một trong những khu vực thịnh vượng nhất trên thế giới. Bình đẳng giới là yếu tố góp phần quan trọng trong những thành tựu kinh tế của khu vực Bắc Âu. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động và chính trị ở khu vực này luôn cao nhất và nam giới cũng được nghỉ khi vợ sinh con.

Các nước Bắc Âu có quan hệ ngoại giao sớm với Việt Nam (Ảnh minh họa: HNV)

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu đến từ khối Bắc Âu đã chia sẻ những thông tin tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của khối, kinh nghiệm phối hợp và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên để trở thành các xã hội và nền kinh tế như hiện nay, cũng như thông tin về mô hình đối thoại xã hội - một trong những nét đặc thù của thị trường lao động Bắc Âu.

Thực tế, cơ chế hợp tác chính trị khu vực của khối Bắc Âu là cơ chế lâu đời nhất và đa dạng nhất với lịch sử phát triển hơn 6 thập kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà một khu vực với chỉ 26 triệu dân và không bao giờ có thể nằm trong danh sách 50 nước đứng đầu thế giới về dân số, lại trở thành một trong những khu vực hội nhập nhất và là nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới với tổng giá trị GDP là 1.416 tỷ đô la Mỹ.

Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh thêm tới tính sáng tạo và bền vững của khu vực bởi các nước Bắc Âu luôn cố gắng đi tiên phong trong việc phát triển các phương pháp sản xuất sạch, bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Theo ngài Đại sứ, hàng hóa và dịch vụ không được hủy hoại môi trường hay sức khỏe ở bất cứ giai đoạn nào của chu trình - từ nguồn tới biển. Bắc Âu là những quốc gia sáng tạo đi đầu thế giới, luôn phối hợp với nhau để tìm ra những giải pháp mới, thông minh và dựa trên công nghệ sinh học. Ngoài ra, minh bạch và tiếp cận thông tin cũng luôn là chìa khóa thành công của các nước Bắc Âu.

Sự phát triển của các nước Bắc Âu thời gian qua đã đưa khu vực này trở thành nhóm quốc gia luôn duy trì các chỉ số kinh tế và xã hội cao, luôn dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng và chỉ số đo lường của thế giới về sáng tạo, minh bạch hóa, mức độ dân chủ, tiến bộ xã hội, phát triển bao trùm, tính bền vững … Đây chính là bằng chứng cho hiệu quả hoạt động của mô hình, đồng thời cũng giúp các nhà hoạch định chính sách nhận diện những lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện.

Bà Elisabeth Dahlin, Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển chia sẻ, khu vực Bắc Âu có nhiều điểm tương đồng, ưu tiên các hoạt động sáng tạo, công khai, minh bạch và dân chủ. Có được thành công của khối còn là nhờ có sự hội nhập khu vực gắn kết với nỗ lực hoạt động của tất cả các bên tham gia. Đồng quan điểm này, nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen chia sẻ: sự gia tăng lòng tin ở các nước Bắc Âu, đặc biệt ở Đan Mạch, 30 năm qua cho thấy lòng tin có thể gây dựng được và điều này xuất phát từ công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Tọa đàm là một hoạt động bổ ích, thiết thực nhằm tăng cường, củng cố và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam với các quốc gia Bắc Âu, qua đó góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển và sự thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới hiện nay.

Cả 4 nước Bắc Âu đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam rất sớm (Thụy Điển: 1969, Đan Mạch và Na Uy: 1971, Phần Lan: 1973). Nếu trước kia quan hệ với Việt Nam mang tính chất nhà tài trợ và nước nhận viện trợ, thì giờ đây Việt Nam đã trở thành đối tác của khu vực Bắc Âu và các nước thành viên trong khu vực. Cùng với nhau, chúng ta đều hướng tới mục tiêu củng cố bình đẳng, dân chủ, tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường và hòa nhập, là nền tảng của thịnh vượng và phát triển bền vững.

Lê Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/-mo-hinh-kinh-te-xa-hoi-bac-au-thanh-tuu-va-bai-hoc-kinh-nghiem-477642.html