Mô hình 'Làng văn hóa kiểu mẫu' gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân

Đề án thí điểm xây dựng mô hình 'Làng văn hóa kiểu mẫu' được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện từ năm 2023 với kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh Vĩnh Phúc phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế

Thời gian qua, cuộc vận động xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng "làng văn hóa" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 100%), trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2021, có 1.161/1.237 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố (đạt chuẩn) văn hóa (đạt 93,85%).

Vĩnh Phúc đổi mới và phát triển

Vĩnh Phúc đổi mới và phát triển

Phong trào đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng; tạo ra sự chuyển biến tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và nhiều kết quả thiết thực khác.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng "làng văn hóa" còn có những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hiện thực hóa các nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa; Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, mới đây, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án thí điểm xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu". Đề ánđược kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, được lựa chọn thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” gắn với hát Soọng cô và mô hình homestay, trải nghiệm du lịch văn hóa của đồng bào Sán Dìu

Thực hiện đề án, từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai xây dựng thí điểm tối đa 3 mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu", riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình. Toàn tỉnh có 28 thôn, làng, tổ dân phố (TDP) xây dựng thí điểm mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu".

Các thôn, làng, TDP xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu" được ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình thiết chế văn hóa thể thao với các hạng mục chủ yếu gồm nhà văn hóa thôn và sân bãi (diện tích tối thiểu 800 m2); khu thể dục thể thao (diện tích tối thiểu 800 m2); khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh (diện tích tối thiểu 500 m2); hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu, gắn với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng.

Ngày 31/1 vừa qua, thị trấn Gia Khánh, UBND huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) phát động xây dựng công trình Làng văn hóa kiểu mẫu

Ngoài chức năng theo quy định, nhà văn hóa được sử dụng làm nơi trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm... của địa phương. Khu thể dục thể thao được đầu tư xây dựng mới gồm sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, bãi đỗ xe…

Hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc phát triển sản xuất kinh doanh

Đối với nội dung hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất, ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng cho 1 mô hình để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống chính trị ở cơ sở; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ và sinh kế bền vững cho người dân.

Thị trấn Hương Canh sẽ đưa sản phẩm làng nghề gốm Hương Canh vào trưng bày, giới thiệu và bán tại Trung tâm văn hóa của thị trấn. Ảnh: Trà Hương

Đề án cũng hướng tới đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có giá trị kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, mang đặc trưng của mỗi địa phương để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, cũng như hướng đến phát triển du lịch trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống…, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mo-hinh-lang-van-hoa-kieu-mau-gan-voi-phat-trien-kinh-te-nang-cao-doi-song-cho-nhan-dan-20230202174028359.htm