Mô hình mới cho các công ty tài chính

Sau sự kiện bãi bỏ Luật Glass - Steagal - phân biệt các ngân hàng đầu tư và thương mại, thị trường tài chính phố Wall đã bước sang một trang mới.

Mô hình những ngân hàng đầu tư độc lập lớn hay những ngân hàng thương mại hoạt động dựa vào cho vay là chính chỉ còn là dĩ vãng. Thay vào đó là những công ty tài chính mới mẻ cả về mô hình lẫn phong cách lãnh đạo, quản lý.

Những công ty này tham gia vào mọi khâu của các hoạt động ngân hàng, bao gồm thu nợ, mua bán sáp nhập thương mại, xây dựng tài chính và tổ chức các cuộc chào bán cổ phiếu ra thị trường. Tính chất đa dạng của hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải có sự tham gia của những cá nhân đặc biệt xuất sắc để có thể điều hành những công ty này. Bên cạnh đó, ban quản trị phải có sự hiểu biết sâu rộng cùng tầm nhìn vĩ mô để quản lý nhân sự và các hoạt động tài chính hiệu quả.

Lãnh đạo sắc bén

Tập đoàn tư vấn Spencer Stuart có thể được coi như một ví dụ điển hình của mô hình quản lý kiểu mới hiện nay cho các công ty dịch vụ tài chính. Mô hình này gần giống với các doanh nghiệp bao gồm nhiều đơn vị kinh doanh mà những người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình kinh doanh của công ty. Do vậy, đòi hỏi những người lãnh đạo phải có kỹ năng quản lý sắc bén cùng bề dày kinh nghiệm làm việc.

Rất có thể một số công ty sẽ chia các ban kinh doanh chiến lược thành các đơn vị nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Các CEO làm việc chặt chẽ với ban quản trị để cùng xem xét mô hình quản lý mới, so sánh với cấu trúc của ban lãnh đạo cũ. Do áp lực đổi mới mà họ sẽ cần phải tìm kiếm những cách thức khác nhau nhằm thu hút và khuyến khích các giám đốc bộ phận đối mặt với những khó khăn trong tương lai gần.

Cũng cần phải chú trọng bồi dưỡng kỹ năng điều hành cho các nhà quản lý giàu năng lực để họ có cơ hội nâng cao khả năng của bản thân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu công việc. Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó. Các quy định pháp luật mới đòi hỏi CEO của các tập đoàn tài chính cần phải làm việc chặt chẽ hơn với các ban điều hành. Đây cũng là một yêu cầu mới cho các trưởng nhóm kinh doanh.

Dấu chấm hết cho mô hình cũ

CEO sẽ cùng với các trưởng bộ phận này mở rộng công ty, trong khi vẫn phải cân bằng được môi trường làm việc để tránh mâu thuẫn có thể xảy ra. Một trong những kỹ năng hết sức quan trọng của CEO là hiểu được mỗi đơn vị nhỏ phải đối mặt với những rủi ro nào, từ đó tập hợp thành một bản điều tra về rủi ro hoàn chỉnh cho toàn công ty. Họ cũng cần phải sử dụng các công cụ và hệ thống thích hợp nhằm tăng tính chính xác cho các dự báo.

Bên cạnh đó, các CEO cũng phải quản lý được khả năng thanh khoản của công ty bên cạnh việc duy trì theo dõi tình hình vĩ mô đến thị trường tài chính, dự đoán rủi ro và những xu thế có thể làm thay đổi hướng đầu tư. Họ cần hiểu được các biến động của hệ thống ngân hàng đầu tư, tiêu dùng và thương mại, nhằm quản lý sự luân chuyển vốn giữa các đơn vị kinh doanh.

Bên cạnh khả năng điều hành, các lãnh đạo bộ phận cần phải nắm vững những rủi ro mà đơn vị mình có thể gặp phải cùng với khả năng tái cấu trúc, giảm chi phí để tăng lợi nhuận. Họ cũng cần quan tâm đến việc khen thưởng những nhân viên có thành tích tốt nhất. Hiện nay, quản trị bộ phận cũng cần được xem xét trong mối liên hệ với thị trường toàn cầu chứ không nên dừng lại ở tầm vi mô.

Mô hình công ty mới cũng đòi hỏi mô hình của ban quản trị mới. Những người đứng đầu của ban này phải có được vốn hiểu biết và kỹ năng liên quan mật thiết đến ngành mà họ kinh doanh. Thêm vào đó, họ cũng cần tham gia sâu hơn vào quá trình vận hành của nơi mình đang quản lý. Mô hình những ban quản trị bao gồm hội đồng lãnh đạo và các đại diện của các nhóm khách hàng chính đã không còn phù hợp, bởi như vậy sẽ làm cho ban lãnh đạo trở nên cồng kềnh, khó quản lý. Một nghiên cứu cho thấy trong số các công ty thuộc danh sách S&P 500 thì ngân hàng là ngành có ban quản trị lớn nhất, một số công ty còn có số thành viên ban lãnh đạo lên đến 22 người, gấp đôi số lượng trung bình.

Ban quản trị cần có chuyên môn

Nhằm đánh giá tốt hơn rủi ro của công ty, nhiều nơi cũng đã thành lập một hội đồng giám sát riêng biệt, khác với ban quản lý. Hội đồng này sẽ đưa ra những nhận xét mang tính khách quan hơn, mở rộng phạm vi tham vấn của mình sang quản lý, điều hành kỹ thuật. Ban quản trị cũng cần lập ra một kế hoạch lương bổng hợp lý trong những thời kỳ khác nhau để giữ chân những giám đốc giỏi và tránh việc tăng lương không cần thiết.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường tài chính sẽ chứng kiến nhiều bước chuyển biến mới đòi hỏi các công ty phải có sự thích ứng cho phù hợp. Mô hình công ty mới tuy có thể sẽ khiến nhiều đơn vị gặp phải không ít thách thức trong thời gian đầu, nhất là về mặt nhân sự, nhưng về lâu dài, đây là một sự đầu tư có tính toán và là bước thiết yếu cho sự phát triển về chất của các công ty tài chính hiện nay.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/s25/-/journal_content/mo-hinh-moi-cho-cac-cong-ty-tai-chinh