Mô hình người tham gia tố tụng trong Bộ luật TTHS năm 2015

Những sửa đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 về chế định người tham gia tố tụng sẽ góp phần quan trọng vào việc hiểu, áp dụng thống nhất trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả việc đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ quyền, lợi ích người tham gia tố tụng.

Nhóm các chủ thể có những dấu hiệu tương đồng

Theo BLTTHS năm 2015, người tham gia tố tụng bao gồm 20 tư cách tham gia tố tụng. Đồng thời, từng tư cách tham gia tố tụng được quy định riêng biệt. So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã có những tiến bộ khi giải thích rõ một số thuật ngữ liên quan đến người tham gia tố tụng như người tham gia tố tụng, người bị buộc tội, đương sự.

 Người bị hại tại một phiên tòa

Người bị hại tại một phiên tòa

BLTTHS năm 2015 quy định, “người tham gia tố tụng” là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS năm 2015; “người bị buộc tội” gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; “đương sự” gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Tuy nhiên, khi trình bày về từng chủ thể tham gia tố tụng, BLTTHS năm 2015 lại không nhóm chúng lại với nhau mà lại quy định riêng rẽ từng tư cách tham gia tố tụng.

Trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì thuật ngữ đương sự được sử dụng song song với thuật ngữ người tham gia tố tụng. Việc quy định thuật ngữ đương sự trong khi đã có thuật ngữ người tham gia tố tụng không ngoài mục đích nào khác là nhằm nhóm các chủ thể có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sự việc đang được giải quyết lại với nhau để có sự tách bạch với những người tham gia tố tụng khác, tạo ra sự logic trong quy định của văn bản luật và tạo ra sự thuận lợi khi sử dụng trong thực tiễn.

Chính vì vậy, BLTTHS năm 2015 cũng cần đặt ra việc nhóm các chủ thể có những dấu hiệu tương đồng lại với nhau để đạt mục đích trên.

Nghiên cứu vị trí, vai trò, đặc điểm và quyền, nghĩa vụ của các tư cách tham gia tố tụng do BLTTHS năm 2015 quy định chúng ta có thể nhóm các tư cách tham gia tố tụng có một số đặc điểm chung như sau:

Nhóm 1, đối với vụ án mà người phạm tội là cá nhân, cùng một chủ thể nhưng tùy từng giai đoạn tố tụng khác nhau sẽ có tên gọi khác nhau gồm: trước khi có quyết định tạm giữ là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; từ khi có quyết định tạm giữ là người bị buộc tội gồm tư cách tham gia tố tụng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Đối với vụ án mà người phạm tội là pháp nhân, do tư cách chủ thể (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội) được quy định ở Chương riêng và có nhiều khác biệt với các tư cách tham gia tố tụng đối với vụ án mà người phạm tội là cá nhân nên không nhóm chúng vào nhóm này.

Nhóm 2, các chủ thể khác nhau nhưng có nhiều quyền lợi, nghĩa vụ giống nhau và ít có sự thay đổi trong suốt quá trình giải quyết vụ án gồm tư cách tham gia tố tụng của bị hại, đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Nhóm 3, các chủ thể tham gia tố tụng không nhân danh cá nhân mình mà với tư cách đại diện cho các chủ thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án gồm người đại diện hợp pháp của các chủ thể thuộc nhóm 1, nhóm 2 và người đại diện hợp pháp của người làm chứng.

Nhóm 4, các chủ thể tồn tại trước thời điểm khởi tố vụ án hình sự, có sự giao thoa giữa chủ thể thuộc nhóm 2, nhóm 3 là người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Bởi vì, sau khi vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì họ có thể là bị hại, đương sự, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…

Nhóm 5, các chủ thể tham gia tố tụng còn lại để bảo vệ quyền lợi của người tham gia tố tụng hoặc làm rõ các tình tiết vụ án gồm: người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người làm chứng, người chứng kiến.

Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể

Việc quy định các chủ thể thuộc các nhóm 3, 4, 5 thành từng điều luật riêng biệt là phù hợp do vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ của từng tư cách chủ thể này không có hoặc rất ít có sự tương đồng. Tuy nhiên, đối với các chủ thể thuộc nhóm 1, nhóm 2 cần có sự xem xét nhóm những chủ thể có những điểm tương đồng lại với nhau để đảm bảo tính logic, tránh dàn trải.

Đối với các chủ thể thuộc nhóm 1, họ là người bị tình nghi phạm tội và là đối tượng được pháp luật tố tụng hình sự hướng đến nhằm ngăn ngừa, phòng chống tội phạm nhằm bảo vệ các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ; tức những người thuộc nhóm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của mình, họ là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong các chủ thể này, cách thức quy định tách rời quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo của BLTTHS năm 2015 chưa thật sự logic. Bởi vì, theo BLTTHS năm 2015 thì các chủ thể này có nhiều quyền lợi, nghĩa vụ tương đồng với nhau và sự khác biệt chỉ đến khi họ bị chuyển sang giai đoạn tố tụng khác. Chính vì vậy, cần gộp các chủ thể này lại với nhau và gọi tên chung cho nhóm này là “người bị buộc tội” và quy định các quyền, nghĩa vụ mà người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều có như nhau cho tư cách tham gia tố tụng này.

Đối với những quyền và nghĩa vụ chỉ khi người bị buộc tội ở từng giai đoạn tố tụng khác nhau mới có thì ta quy định ở các điều luật riêng biệt cho từng tư cách.

Đối với các chủ thể thuộc nhóm 2, họ là những người không chịu trách nhiệm hình sự mà việc họ tham gia vào vụ án nhằm tự bảo vệ quyền lợi của mình hoặc phải gánh chịu nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; quan hệ mà họ tham gia bao gồm các quan hệ về dân sự có thể giữa các chủ thể thuộc nhóm này với nhau hoặc có thể với người bị tình nghi phạm tội.

Về tư cách nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, theo BLTTHS năm 2015 thì các chủ thể này có rất nhiều quyền và nghĩa vụ giống nhau và không phụ thuộc vào giai đoạn tố tụng mà họ tham gia. Đồng thời, quan hệ mà các chủ thể này tham gia bao gồm các quan hệ về dân sự có thể giữa các chủ thể thuộc nhóm này với nhau hoặc có thể với người bị tình nghi phạm tội. Vì vậy, bên cạnh cạnh dùng thuật ngữ là đương sự, cần quy định quyền và nghĩa vụ mà mỗi tư cách tố tụng đều có trong cùng một điều luật. Đối với các quyền và nghĩa vụ đặc trưng cho từng chủ thể thì có thể quy định ở các điều luật riêng.

Riêng bị hại, theo BLTTHS năm 2015, chủ thể này vừa có mối quan hệ về trách nhiệm hình sự với người phạm tội trong phạm vi hạn hẹp như: yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội; đề nghị hình phạt đối với người phạm tội, kháng cáo về hình phạt đối với người phạm tội. Vì vậy, việc xếp chủ thể này độc lập mà không nhóm cùng với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là hợp lý.

Phương Nam

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/mo-hinh-nguoi-tham-gia-to-tung-trong-bo-luat-tths-nam-2015-262650.html