Mô hình nông dân với công tác bảo vệ môi trường

Thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ đó, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân nâng lên rõ rệt, bà con thay đổi hành vi sống thân thiện với môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bảo đảm môi trường sạch đẹp.

Hội Nông dân huyện Quảng Xương xây dựng các bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.

Hằng năm, HND các xã, thị trấn huyện Quảng Xương tổ chức cho các chi, tổ hội đăng ký các chỉ tiêu như: không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn, giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến tận chi hội và căn cứ tình hình thực tế ở địa phương lựa chọn mô hình cho phù hợp. Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng biện pháp xây bể hoặc sử dụng bể bi-ô-ga vừa tiết kiệm chi phí chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5-6 và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, hằng năm, HND huyện đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lễ phát động hưởng ứng với sự tham gia của các cán bộ, hội viên nông dân. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở hội trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên nông dân tham gia như: chăm sóc hàng cây nông dân, ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng; khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải tồn đọng đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; tham gia kẻ vẽ và treo hàng nghìn khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Theo lãnh đạo HND tỉnh cho biết: Trong những năm qua, HND các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là tham gia các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ điểm lớn về môi trường như hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...Viết tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website HND tỉnh, bản tin nông dân Thanh Hóa, trong các buổi sinh hoạt chi hội...

Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Đa dạng sinh học; Luật Biển; Luật Tài nguyên nước; Luật Đất đai, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.

Hàng năm, HND tỉnh đưa chỉ tiêu “tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại; chỉ đạo 27/27 huyện, thị, thành hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động tham gia bảo vệ môi trường; chỉ đạo mỗi cơ sở hội xây dựng được 1 mô hình mới hoặc duy trì và nhân rộng 1 mô hình có hiệu quả về bảo vệ môi trường. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được trên 300 mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn”, mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”...

Để đẩy mạnh và thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp HND trong tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên; hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải; nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không xả, vứt rác thải bừa bãi. Đồng thời, tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông về chống ô nhiễm môi trường và tích cực bảo vệ môi trường nông thôn nhằm thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Vận động hội viên hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, mỗi gia đình tự thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, hình thành và duy trì các tổ thu gom xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư.

Với những việc làm cụ thể thiết thực đó, phong trào nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong tỉnh đã góp phần làm thay đổi cảnh quan làng xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/mo-hinh-nong-dan-voi-cong-tac-bao-ve-moi-truong/127571.htm