Mô hình quản lý TTCK đang hoạt động tốt

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với tính cần thiết phải sửa đổi Luật CK để phù hợp bối cảnh và sự phát triển thực tiễn của thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua. Nhiều nhóm chính sách lớn tại dự thảo đã được các ĐBQH cho ý kiến và cơ bản đồng thuận như: chức năng, thẩm quyền của UBCKNN, tăng chế tài xử phạt, tăng điều kiện về vốn với công ty đại chúng, quy định về doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp... Cụ thể, tất cả các ĐBQH phát biểu đều đồng tình với việc tăng thẩm quyền, tăng tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ cho UBCKNN trong thời gian tới, để tăng hiệu quả quản lý trên lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Về mô hình và thẩm quyền của UBCKNN quy định trong dự thảo Luật CK (sửa đổi), hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: Một là, giữ nguyên quy định như hiện hành là UBCKNN vẫn trực thuộc Bộ Tài chính; 0, tách UBCKNN thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì nên giữ như quy định hiện hành và cùng với việc sửa đổi Luật CK lần này, cần rà soát các quy định nhằm bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của UBCKNN hơn nữa và không cần thiết phải thành lập thêm một đầu mối thuộc Chính phủ. Mặt khác, tại kỳ họp này, QH cho ý kiến về luật sửa đổi Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với quan điểm xuyên suốt là không tăng thêm biên chế, tăng thêm bộ máy. Nếu như hiện nay, chúng ta tách UBCKNN thành một cơ quan độc lập sẽ đồng nghĩa tăng thêm đầu mối, tăng thêm biên chế và đương nhiên sẽ tăng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho bộ máy. Việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính là chưa có đầy đủ cơ sở thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ đã không đề xuất sửa đổi mô hình cũng không đưa ra những bất cập trong bộ máy hiện hành. Ngay cả các ý kiến cho rằng, cần phải tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính, thì cũng không chỉ rõ quy định nào là cản trở quy trình vận hành, cũng không chỉ ra được những bất cập trong bộ máy hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với mô hình như hiện nay, UBCKNN trong những năm qua đã hoạt động tích cực, giúp TTCK tăng trưởng đáng kể. Trong năm 2018, quy mô vốn hóa TT cổ phiếu đã đạt 71,9%, tăng 1.680 lần so năm 2002. Do vậy, căn cứ của những ý kiến cho rằng cần phải thay đổi mô hình UBCKNN là chưa đầy đủ.

Ngoài ra, xét về các quy định hiện hành, cũng như quy định tại dự thảo luật về cơ bản đã bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính độc lập của UBCKNN. Việc phát triển TTCK luôn gắn liền với các chính sách tài khóa và nếu giữ như mô hình hiện nay là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời bảo đảm tính nhất quán trong việc thực thi các chính sách tài khóa. Xét về kinh nghiệm quốc tế, hiện nay mô hình UBCKNN thuộc cơ quan nào khá đa dạng, không có công thức cố định để áp dụng cho tất cả các quốc gia, mà chỉ xem xét lựa chọn, vận dụng một cách phù hợp điều kiện của từng đất nước. Với Việt Nam, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính cũng là phù hợp thông lệ của nhiều quốc gia.

Trong phần phát biểu giải trình thêm các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tập trung làm rõ hơn các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của UBCKNN.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là kế thừa những kết quả đạt được của Luật CK năm 2006, Luật CK sửa đổi, bổ sung năm 2010; phù hợp điều kiện của Việt Nam và các nghị quyết của Đảng, QH về cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, tại dự thảo Luật CK (sửa đổi) lần này tiếp tục quy định tăng cường vai trò của UBCKNN để bảo đảm tính độc lập trong quản lý giám sát và thông lệ quốc tế. Về tổ chức hoạt động, TTCK đã từng bước hoàn chỉnh về cấu trúc, đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và thông lệ quốc tế. Đồng thời, Chính phủ và Bộ Tài chính đã hỗ trợ việc hiện đại hóa về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin của UBCKNN, các sở giao dịch CK, Trung tâm Lưu ký CK... thúc đẩy sự phát triển TTCK an toàn, bền vững.

Về quy mô vốn hóa TT, nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, TTCK đã phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, như: hỗ trợ đắc lực trong việc gắn cổ phần hóa (CPH) với niêm yết, đăng ký giao dịch để tăng cung hàng hóa cho TTCK; thúc đẩy và tạo cơ chế cho việc huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương và các ngân hàng chính sách, DN qua TTCK; ban hành cơ chế về thuế, phí, giá dịch vụ, chế độ kế toán, kiểm toán... để khuyến khích và định hướng sự phát triển của TTCK; thực hiện các cam kết mở rộng TT tài chính trong WTO, các giao dịch thương mại tự do nhằm nâng tầm hoạt động của TTCK trong hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, UBCKNN thuộc Bộ Tài chính vẫn bảo đảm tính độc lập trong hoạt động quản lý, giám sát TTCK, đồng thời bảo đảm việc thực hiện các thông lệ quốc tế. Mặt khác, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, do đó, việc tái cơ cấu DN, đẩy mạnh CPH DNNN, đẩy mạnh huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển đang là nhiệm vụ trọng tâm. Phát triển TTCK cần phải gắn liền với điều hành chính sách tài khóa; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-kinhte/item/40580602-mo-hinh-quan-ly-ttck-dang-hoat-dong-tot.html