Mô hình sinh hoạt chi bộ mở rộng ở Đác Hring

Nhằm nâng cao chất lượng chi bộ, Đảng bộ xã Đác Hring (huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum) đã chọn việc đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ làm khâu đột phá. Từ khi thực hiện chủ trương này, các phong trào của xã đều mạnh lên.

Với mục tiêu phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện để quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến trực tiếp với chi bộ đảng, từ tháng 3 - 2017, Đảng ủy xã Đác Hring đã ban hành nghị quyết cho phép các chi bộ thôn mở rộng đối tượng tham gia sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư. Theo đó hằng tháng, khi sinh hoạt chi bộ thôn, làng, đều mở rộng có sự tham gia của thôn trưởng, trưởng các ngành đoàn thể, người có uy tín, già làng (không phải là đảng viên), trừ những cuộc họp có các vấn đề mang tính chất nội bộ theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Đác Hring cho biết: Thực tế sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ xã thời gian trước cho thấy một bộ phận cấp ủy, bí thư và đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng viên và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; chưa lắng nghe ý kiến chính đáng của đảng viên và quần chúng; năng lực vận dụng, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, việc xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết chưa tốt, chưa kịp thời, đầy đủ... Xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế này, Đảng ủy xã đã thảo luận, xây dựng nghị quyết chuyên đề và ban hành hướng dẫn việc thực hiện “mô hình sinh hoạt chi bộ mở rộng" trên địa bàn xã Đác Hring.

Xã Đác Hring có 11 thôn, làng, nhưng chỉ ba làng bí thư chi bộ đồng thời là thôn trưởng, các thôn còn lại, thôn trưởng không phải là đảng viên. Vì vậy, việc triển khai nghị quyết của chi bộ xuống khu dân cư thường chậm trễ do phải tổ chức thêm một cuộc họp khác để phổ biến. Theo đồng chí Đoàn Văn Cường, Bí thư chi bộ thôn Đác Ka Long, xã Đác Hring, từ khi có nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã thực hiện “mô hình sinh hoạt chi bộ mở rộng", các cuộc sinh hoạt chi bộ ở thôn Đác Ka Long đã tránh được những buổi sinh hoạt thiếu nội dung, nặng về hình thức. Sau các cuộc họp chi bộ, tình hình thôn làng có chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện mô hình này giúp chi bộ lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp từ khu dân cư, gắn sinh hoạt chi bộ với thực tế đời sống cộng đồng. Đối với các cán bộ thôn tuy không phải là đảng viên nhưng khi được mời tham gia sinh hoạt chi bộ đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công việc được giao. Quan trọng nhất là qua các cuộc sinh hoạt chi bộ mở rộng, cấp ủy đảng, chính quyền tạo được sự đồng thuận ở khu dân cư trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Già làng A Chông làng Đác Ka Long phấn khởi nói: "Tôi làm già làng được 12 năm rồi, nhưng nay mới được tham gia sinh hoạt với chi bộ thôn. Mỗi lần sinh hoạt tôi đều được bí thư chi bộ mời phát biểu ý kiến, tôi đã báo cáo tình hình của bà con trong thôn về an ninh trật tự, về vấn đề nảy sinh mất đoàn kết trong gia đình hoặc xóm làng... Vấn đề nhỏ thì chúng tôi tổ chức họp hòa giải để đôi bên thỏa thuận với nhau. Nếu không giải quyết được thì báo với thôn trưởng, với bí thư chi bộ để phối hợp giải quyết”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn An, Bí thư Đảng ủy xã Đác Hring, qua một thời gian thực hiện việc sinh hoạt chi bộ mở rộng, hiệu quả lớn nhất đó là việc truyền tải kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người dân. Các cấp ủy đảng cũng nắm bắt nhanh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân từ đó lãnh đạo thực hiện tốt các nghị quyết về phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thông qua việc sinh hoạt chi bộ mở rộng, đảng ủy đã thực hiện được việc tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ ở thôn, từ đó có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

Thực tế mô hình sinh hoạt chi bộ mở rộng ở xã Đác Hring cho thấy chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, công việc của chi bộ được triển khai kịp thời, nhiệm vụ chính trị ở khu dân cư được thực hiện một cách chặt chẽ, nhanh chóng. Là địa phương có 8 trong số 11 thôn làng là đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2017, xã Đác Hring đã giảm được hơn 3% hộ nghèo; xã đã đạt được 13 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Đặng Thế Quyết cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng của xây dựng nông thôn ở xã Đác Hring là đường giao thông đã được hoàn thành nhờ sự đồng thuận cao của người dân. Ở tám làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà con đã tự nguyện hiến đất, hiến vật kiến trúc, cây trồng và ngày công để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường vào các khu sản xuất... Xã ĐácHring được huyện Đác Hà đưa vào danh sách phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2019.

Đồng chí A Vượng, Bí thư huyện ủy Đác Hà cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Đác Hà đang chỉ đạo Đảng ủy xã Đác Hring tổ chức đánh giá cụ thể việc tổ chức mô hình này về những thuận lợi, khó khăn và những kết quả đạt được, trên cơ sở đó Huyện ủy Đác Hà sẽ họp đánh giá cụ thể để xem xét nhân rộng ra các địa phương khác.

Trong khi nhiều chi bộ cơ sở còn lúng túng, vướng mắc trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì mô hình "sinh hoạt chi bộ mở rộng ở khu dân cư" ở Đảng ủy xã Đác Hring, huyện Đác Hà, tỉnh Kon Tum là một gợi ý để các chi bộ học tập, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách nhanh chóng, đầy đủ, sinh động phù hợp với thực tế cơ sở, địa phương.

Bài và ảnh: ĐINH SỸ TẠO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35920802-mo-hinh-sinh-hoat-chi-bo-mo-rong-o-dac-hring.html