Mô hình 'Tiết học biên giới' của cán bộ, chiến sĩ biên phòng La Lay

Đã 3 năm nay, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các xã biên giới A Ngo, A Bung, Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) luôn duy trì tiết học ngoại khóa do các thầy giáo đến từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đứng lớp.

Với việc triển khai mô hình “Tiết học biên giới”, những người lính biên phòng đã xây dựng một thế trận biên phòng toàn dân mà ở đó, mỗi em học sinh từ khi cắp sách đến trường đã hình thành ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia và ai cũng có thể là chiến sĩ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Gắn biên cương với học đường

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (BPCKQT) La Lay được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 15,38km đường biên giới với 5 cột mốc và 2 cọc dấu thuộc địa bàn 2 xã A Ngo, A Bung. Đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nhất là về hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới; các tệ nạn về sử dụng rượu bia, ma túy, trộm cắp, bỏ học giữa chừng còn xảy ra, nhất là với lớp trẻ. Ngày 11-5-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị ký Chương trình phối hợp số 784/CTr-SGDĐT-BCHBP về “Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng ngừa các tệ nạn xã hội và tội phạm trong học sinh ở địa bàn khu vực biên giới giai đoạn 2017-2021”.

Đảng ủy, chỉ huy Đồn BPCKQT La Lay cùng với cấp ủy, Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn đã tích cực phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn cơ sở của đơn vị với Đoàn trường 3 xã A Bung, A Ngo và Tà Rụt phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phòng ngừa các tệ nạn xã hội và tội phạm trong trường học. Và, mô hình “Tiết học biên giới” – là một trong những hoạt động cụ thể hóa chương trình phối hợp.

 "Tiết học biên giới" tại Trường Tiểu học xã A Ngo. Ảnh: VĂN BẰNG.

"Tiết học biên giới" tại Trường Tiểu học xã A Ngo. Ảnh: VĂN BẰNG.

Giáo án cho “Tiết học biên giới” được xây dựng với các chuyên đề tập trung tuyên truyền một số nội dung như: Nghị định số 34/NĐ-CP, ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; phổ biến các kiến thức về ma túy, tác hại của ma túy và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; một số nội dung cơ bản trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế, hiệp định biên giới; Luật Biên giới Quốc gia; mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới... Các nội dung giảng dạy được các thầy giáo quân hàm xanh chuẩn bị phù hợp với từng độ tuổi của các em học sinh. Bằng việc sử dụng phần mềm trình chiếu slide Powerpoint, nội dung kiến thức được truyền tải sinh động bằng những hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cùng nhân dân đi tuần tra dọc biên giới, cột mốc chủ quyền của Tổ quốc và xử lý các hành vi vi phạm quy chế khu vực biên giới. Chủ đề về tác hại của ma túy cũng được lồng ghép vào các tiết học để các em có ý thức tránh xa tệ nạn này. Không chỉ dừng lại ở việc cán bộ đồn biên phòng tới trường học để giảng dạy mà còn có nội dung tổ chức đưa em học sinh và thầy cô giáo đi tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và giới thiệu về cột mốc cũng như quy trình tuần tra đường biên, cột mốc…

Lan tỏa tình yêu biên giới

Thiếu tá Phan Linh, Phó đồn trưởng Đồn BPCKQT La Lay chia sẻ: Chúng tôi xác định rằng, tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cần bắt đầu từ học sinh, những công dân tương lai có trách nhiệm bảo vệ biên giới. Việc hình thành ý thức, trách nhiệm từ nhỏ sẽ tạo nên những suy nghĩ, hành động đúng đắn.

Thực tế hơn 3 năm triển khai “Tiết học biên giới” cho thấy, các em học sinh đã nắm được những kiến thức pháp luật về biên giới và hiểu biết thêm về công việc của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Từ những kiến thức đó, các em học sinh sẽ nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc, tích cực tham gia phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Bên cạnh đó, mỗi em học sinh sẽ là một “tuyên truyền viên” tích cực đến gia đình và người thân của mình. Trước đây, những kiến thức pháp luật về biên giới thường được nhắc tới trong những buổi gặp mặt truyền thống giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với đồng bào và các em học sinh, hoặc khi đồn mời giáo viên, học sinh trên địa bàn tới thăm đơn vị, tìm hiểu đường biên, cột mốc...

Các học sinh đi tham quan, thực tế tại cửa khẩu La Lay. Ảnh: VĂN BẰNG.

Đối với các em học sinh, “Tiết học biên giới” là tiết học rất đặc biệt, không chỉ ở những nội dung thầy giáo dạy trên lớp mà các em còn được biết thêm về nhiều điều lý thú ngay trên quê hương mình. Em Hồ Thị Hiên, học sinh lớp 7 trường THCS A Ngo cho chia sẻ: “Em rất thích tiết học biên giới của các thầy giáo biên phòng. Tháng trước, em được cùng các bạn đến thăm cột mốc trên cửa khẩu. Chúng em ai cũng vui vì được đi dã ngoại. Qua những câu chuyện trong tiết học, em thấy yêu quê hương mình hơn. Các chú biên phòng nói rằng, yêu quê hương, trách nhiệm của học sinh là học tập tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Như vậy cũng là góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Mô hình “Tiết học biên giới” còn nuôi dưỡng giấc mơ cho nhiều em trai và Hồ Văn Phúc lớp 9B Trường THCS A Bung là một ví dụ. Sinh ra và lớn lên ở một xã biên giới nhưng Phúc không hiểu nhiều về đường biên, cột mốc cũng như những quy chế ra vào khu vực biên giới cho đến khi được học “Tiết học biên giới” của các thầy giáo biên phòng. Nhờ tiết học này Phúc còn biết thêm được những việc làm ý nghĩa của các chú Bộ đội Biên phòng khi giúp đỡ nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là ở nơi khó khăn, gian khổ. “Cháu muốn được trở thành Bộ đội Biên phòng”- Hồ Văn Phúc trả lời chắc nịch khi được hỏi giấc mơ sau này.

Đến nay, không chỉ dừng lại ở những bài giảng, đi thực tế cho học sinh tại các trường học, “Tiết học biên giới” được áp dụng cả với các thầy, cô giáo các trường tiểu học, THCS trên địa bàn 2 xã biên giới A Ngo và A Bung. Đồn BPCKQT La Lay mời các thầy, cô giáo tham gia tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ. Việc làm này thực sự trở thành cầu nối vững chắc, đồng thời giúp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia ngày càng trở nên sâu rộng, hiệu quả và thiết thực. Điều đáng nói là, mô hình “Tiết học biên giới” ở La Lay không chỉ được nhân rộng với nhiều hoạt động ở các đồn Biên phòng tại Quảng Trị mà cả ở những tỉnh, thành phố biên giới trên cả tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia. Đặc biệt, mô hình “Tiết học biên giới” là một trong 8 mô hình sáng tạo vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Vừ A Dính năm 2019.

THANH TRÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/mo-hinh-tiet-hoc-bien-gioi-cua-can-bo-chien-si-bien-phong-la-lay-606564